Tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều người có công nhất cả nước với tỷ lệ người có công chiếm hơn 23% dân số cả tỉnh. Từ năm 1976 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã được công nhận hơn 65.400 liệt sĩ với hơn 135.000 thân nhân; hơn 30.500 thương - bệnh binh; hơn 45.300 người có công giúp đỡ cách mạng; hơn 11.700 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; hơn 38.280 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương; hơn 6.850 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học... Đặc biệt, toàn tỉnh có 15.339 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 2.582 Mẹ được phong tặng và 317 Mẹ còn sống[1]...
Nhân dịp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tỉnh đã thực hiện thăm hỏi và trợ cấp cho 105.547 người, với tổng kinh phí hơn 44 tỷ đồng; tặng quà bằng hiện vật cho 63.919 gia đình người có công, trị giá gần 32 tỷ đồng. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh đi thăm và tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu, tổ chức lễ viếng, tưởng niệm và dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng; viếng hương, tặng quà thân nhân đồng chí Võ Chí Công, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Cụ Phan Châu Trinh, Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, tặng quà tết Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Chiến (thôn Cẩm Khê, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam).
(Nguồn: baoquangnam.vn)
Trong năm 2023, tỉnh đã xác nhận và thực hiện chế độ trợ cấp các loại cho 8.845 trường hợp mới được công nhận là người có công với nước. Trong đó, trợ cấp ưu đãi chính sách người có công với cách mạng và thân nhân là 6.479 trường hợp; cấp đổi thẻ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, di chuyển hồ sơ người có công đến nơi cư trú mới, trả lời đơn tìm mộ liệt sĩ, hỗ trợ thăm viếng, di chuyển hài cốt liệt sĩ, đính chính thông tin trên bia mộ, cấp giấy báo tin mộ, giới thiệu giám định AND xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cho 1.874 trường hợp; giới thiệu sang Hội đồng giám định Y khoa tỉnh để giám định con liệt sĩ khuyết tật, chất độc hóa học và Thương binh cho 492 trường hợp, tỉnh cũng đã trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho 944 trường hợp người có công với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ và đề nghị Hội đồng - Thi đua khen thưởng trình Chính phủ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng đối với 11 trường hợp.
Hiện nay, 100% Mẹ Việt Nam anh hùng đang sinh sống trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, mức bình quân hằng tháng với mỗi người là 800.000 đồng. Ngoài việc chuyển kinh phí phụng dưỡng hằng tháng, nhiều cơ quan đơn vị ở xa nhưng vẫn thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, động viên kịp thời khi các mẹ ốm đau hoặc phối hợp với các địa phương lo việc tang lễ khi Mẹ qua đời; nhiều cơ quan, đơn vị còn hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa và nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa khác. Tỉnh Quảng Nam thường xuyên thực hiện điều dưỡng đối với 14.508 người có công, trong đó điều dưỡng tập trung đối với 4.000 người và điều dưỡng tại nhà đối với 10.508 người.
Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng 9.809 nhà cho người có công, gồm 2.596 nhà xây mới, 7.213 nhà sửa chữa, nâng tổng số nhà được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 29.432 nhà. Song song với việc điều tra, khảo sát, thống kê thực trạng và nhu cầu nhà ở của các đối tượng chính sách, tỉnh Quảng Nam linh hoạt trong việc bố trí ngân sách và làm tốt hoạt động xã hội hóa công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công, sáng tạo lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương, địa phương và của tỉnh, đồng thời huy động các dòng họ và cá nhân ủng hộ nên đã có nhiều ngôi nhà của người có công được xây mới, sửa chữa rất khang trang, kiên cố, bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài cho các hộ gia đình chính sách.
Tỉnh chú trọng công tác cải tạo, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ. Đến cuối năm 2023, tỉnh đã tổ chức kiểm tra thực trạng các nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ bị hư hỏng, xuống cấp có nhu cầu được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và đã hỗ trợ kinh phí xây mộ liệt sĩ đã quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ cho 47 trường hợp; sữa chữa 43 vỏ mộ liệt sĩ với tổng kinh phí 771 triệu đồng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và viết vào sổ lưu niệm ở di tích Căn cứ Khu ủy Khu 5 tại xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.
(Ảnh: Doãn Thành Trí. Nguồn: baoquangnam.vn)
Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào đền ơn đáp nghĩa. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong toàn xã hội nhất là đối với thế hệ trẻ. Xã hội hóa sâu rộng chính sách ưu đãi người có công, huy động các đơn vị kinh tế, các tổ chức xã hội, các tập thể, cá nhân đóng góp nhiều hơn nữa đối với việc đền ơn đáp nghĩa để mở rộng nguồn lực giúp nâng cao mức hỗ trợ cho người có công và gia đình họ, tổ chức vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt hiệu quả cao.
Không ngừng hoàn thiện chủ trương của Đảng, chính sách và hệ thống pháp luật của Nhà nước về đền ơn đáp nghĩa theo thẩm quyền. Hiện nay, mức sống người dân đã được cải thiện đáng kể, nhu cầu đời sống, giá cả thị trường cũng đã tăng nhiều cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cần nghiên cứu thay đổi chính sách người có công cho phù hợp tình hình mới. Những người được xác định là người có công ngày càng được mở rộng hơn, số lượng người có công vì thế tăng lên so với trước, vì vậy cần có cơ chế bảo đảm nguồn kinh phí cho hoạt động này. Chú trọng công tác nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác ưu đãi người có công.
[1] Báo cáo tình hình thực hiện người có công năm 2023 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. UBND Tỉnh Quảng Nam, số 69/BC- UBND ký ngày 8 tháng 3 năm 2024.
Ngọc Hà