Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, những năm qua, Đảng bộ các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố, phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng, làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng viên và thành lập chi bộ trực thuộc ở khu vực này. Năm 2010, Chi bộ Công ty trách nhiệm hữu hạn Tỷ Xuân - Chi bộ đầu tiên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập gồm 18 đảng viên[1]. Từ năm 2010 đến năm 2017, Đảng bộ Khối doanh nghiệp đã thành lập được 9 tổ chức cơ sở Đảng thuộc loại hình doanh nghiệp tư nhân bao gồm: Chi bộ cơ sở Công ty Thầu Vân, Chi bộ Công ty cổ phần thương mại Hồng Trang, Chi bộ Công ty trách nhiệm hữu hạn Tỷ Xuân, Chi bộ Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Vĩnh Long, Chi bộ Công ty cổ phần Hòa Phú, Chi bộ Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Du lịch Vĩnh Long, Chi bộ Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Bình Long, Chi bộ Văn phòng Thừa phát lại Vĩnh Long và Chi bộ Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank)[2]. Năm 2019, Chi bộ cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tỷ Bách trực thuộc Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh được thành lập và có 18 đảng viên. Hiện nay, số đảng viên của Chi bộ là 22 đảng viên.
Công ty TNHH Tỷ Xuân - Công ty có chi bộ đầu tiên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
(Nguồn: xaydungdang.org.vn)
Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, phát triển đảng viên và thành lập chi bộ tại khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước ở Vĩnh Long thời gian qua đã phát huy hiệu quả, đảng viên sau khi kết nạp đều phát huy được năng lực, có tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được phân công, luôn thể hiện tính tiên phong, gương mẫu trong công việc. Thực tiễn cho thấy, tổ chức Đảng ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, tham gia giải quyết hợp lý các tranh chấp, bức xúc; tuyên truyền, vận động người lao động và chủ doanh nghiệp thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời chủ động phối hợp với chủ doanh nghiệp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động,...
Mặc dù công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, phát triển đảng viên và thành lập chi bộ tại khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước được xác định là nhiệm vụ quan trọng và đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, công tác này cũng còn gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, Vĩnh Long hiện có khoảng 2.697 doanh nghiệp tư nhân với hơn 94.700 lao động[3]; nhưng chỉ 20 doanh nghiệp có tổ chức đảng với 756 đảng viên, chiếm 1,78% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ. Trong đó chỉ có 16 đảng viên là chủ doanh nghiệp[4].
Hội nghị sơ kết cộng tác Đảng của Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long
(Nguồn: baovinhlong.com.vn)
Từ thực tế nêu trên, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên đối với khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò và sự cần thiết phải thành lập tổ chức đảng, đoàn thể tại khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước để tạo sự thống nhất trong nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người lao động.
Hai là, tăng cường công tác chỉ đạo các ngành, các địa phương, nhất là với tổ chức công đoàn cùng cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo nguồn phát triển tổ chức đảng, đảng viên. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp; coi trọng xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, làm rõ mối quan hệ giữa cấp ủy với hội đồng quản trị, ban giám đốc và các đoàn thể. Đặc biệt, quan tâm lãnh đạo công đoàn cùng cấp tập trung thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, tạo nguồn giới thiệu cho cấp ủy xem xét kết nạp lực lượng công nhân, người lao động vào đảng.
Ba là, tập trung, rà soát tạo nguồn kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, cần chú ý những chủ doanh nghiệp xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, có người thân là đảng viên, nhân thân tốt; là chủ doanh nghiệp thành đạt, có uy tín, có đức, có tài, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương.
Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể trong doanh nghiệp, nhất là tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên. Đây là những tổ chức giữ vai trò cầu nối giữa Đảng với quần chúng công nhân, là môi trường để quần chúng công nhân hoạt động, rèn luyện, phấn đấu, tạo ra nguồn chủ yếu để kết nạp đảng viên.
Năm là, cần đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân theo hướng gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định của Đảng. Từng bước để chủ doanh nghiệp thấy được tổ chức đảng không cản trở, mà trái lại, cùng với họ thúc đẩy sản xuất, cùng hướng tới sự phát triển của doanh nghiệp, nâng cao doanh thu, lợi nhuận và đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Nghiên cứu, đổi mới chương trình, nội dung và thời gian để tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, cảm tình Đảng đang làm việc cho các doanh nghiệp ngoài Nhà nước được học tập, bồi dưỡng cảm tình Đảng nhưng vẫn bảo đảm hoàn thành giờ công lao động.
Sáu là, các cấp ủy đảng và chính quyền cùng cấp định kỳ tiếp xúc trực tiếp, gặp gỡ, đối thoại với chủ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp về hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên nhằm tạo niềm tin, sự tin tưởng của doanh nghiệp đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Phân công, bố trí đảng viên có năng lực, uy tín theo dõi, vận động, giúp đỡ và giới thiệu các chủ doanh nghiệp ngoài Nhà nước có đủ điều kiện, tiêu chuẩn kết nạp vào Đảng, tạo động lực cho người lao động phấn đấu vào Đảng.
Bảy là, tăng cường sơ kết, đánh giá kịp thời những mô hình hay, cách làm hiệu quả và nhân rộng; biểu dương những doanh nghiệp thực hiện tích cực hiệu quả trong công tác phát triển đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp tạo điều kiện cho tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động hiệu quả và ngược lại.
[2] Đảng đồng hành cùng doanh nghiệp, https://xaydungdang.org.vn/, ngày truy cập 11/4/2024.
[3] Cục thống kê Vĩnh Long(2022): Tổng điều tra kinh tế - xã hội, tr.58.
[4] Thúy Vân: “Kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng: Còn nhiều khó khăn”,https://www.xaydungdang.org.vn/, truy cập 9/4/2024.
Lê Thị Hồng Nhiên - Trường Chính trị Phạm Hùng