Số hóa trong nông nghiệp, tiêu thụ nông sản
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 02/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2023, tỉnh Hậu Giang phát huy hiệu quả chuyển đổi số trong cộng đồng, nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành, các lĩnh vực. Trong nông nghiệp, Hậu Giang hiện có hơn 28 nghìn tài khoản bán hàng, 110 sản phẩm OCOP và hơn 1900 nông sản có mặt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, tăng gần 500 sản phẩm so cùng kỳ năm 2022. Thay đổi phương thức bán hàng từ truyền thống sang không gian mạng giúp tiêu thụ nông sản Hậu Giang hiệu quả hơn.
Trợ lực đưa nông sản Hậu Giang lên các sàn thương mại điện tử, Sở Công thương tỉnh Hậu Giang thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn hỗ trợ các chủ thể OCOP đưa những sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Thay vì bán hàng trực tiếp tại các chợ, siêu thị thì người dân Hậu Giang xây dựng các gian hàng trên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường ra cả nước. Tỉnh tổ chức 08 lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 400 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử thị xã, thành phố. Tập huấn cho hơn 3.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Sở Công thương Hậu Giang thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn hỗ trợ các chủ thể OCOP đưa nông sản Hậu Giang lên các sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Sở Công thương phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại hướng dẫn doanh nghiệp tạo tài khoản, đăng ký bán hàng trên các trang thương mại điện tử phổ biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hiệu quả. Toàn tỉnh có gần 2.000 sản phẩm đăng bán trên trang voso.vn, postmart.vn... Thông qua, những buổi tập huấn bán hàng qua mạng, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng được thị trường tiêu thụ, đầu ra ổn định, khách hàng đặt mua sản phẩm với số lượng ngày càng nhiều. Tính trong năm 2022, tổng giá trị đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử đạt hơn 1,9 tỷ đồng. Ngoài việc đa dạng hóa cách thức tiêu thụ, hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng OCOP chất lượng, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đẩy mạnh phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức trực tiếp tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm và kết nối trực tuyến cung - cầu, giao thương giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ông Phan Văn Tùng (ấp 10, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) áp dụng mô hình trồng rau trong nhà lưới và hệ thống nước tự động đã giúp tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất
(Ảnh: QĐND)
Hậu Giang có 6 doanh nghiệp tham gia ký kết với đảo ngọc Phú Quốc, cung ứng sản phẩm vào hệ thống siêu thị, sân bay, khu, điểm du lịch... với các mặt hàng: rượu Lão Tửu, bún tươi, các sản phẩm chế biến từ cá thát lát, gạo sạch... tại chương trình Kiên Giang - Kết nối tiêu thụ sản phẩm ở Phú Quốc. Qua các hoạt động hỗ trợ, tạo cầu nối từ hoạt động xúc tiến thương mại đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm vào hệ thống siêu thị ở các tỉnh, thành trong khu vực, tạo điều kiện cho các thành viên trong hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh, cung ứng sản phẩm nhiều nơi, tạo thu nhập ổn định cho nhiều người dân địa phương. Bằng nhiều cách làm linh hoạt trong xúc tiến thương mại, các sản phẩm OCOP Hậu Giang đã có mặt trên toàn quốc, ký kết hợp đồng tiêu thụ số lượng lớn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Doanh nghiệp giới thiệu thiết bị quan trắc môi trường nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Tuần lễ chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hậu Giang năm 2023.
(Ảnh: Trung Chánh)
Tiếp sức cho các chủ thể
Ngoài sự nỗ lực, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới,... của các hợp tác xã, doanh nghiệp OCOP, sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền các cấp đã giúp nhiều cơ sở sản xuất từng bước vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng các sản phẩm đạt chuẩn OCOP và trụ vững trên thị trường. Thời gian tới, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP, phát triển ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP xanh; nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP, hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo; phát huy tính đa giá trị của nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh. Đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm, tăng cường chuyển đổi số trong thương mại, kết nối cung - cầu nông sản gắn với thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, tiếp thị thông qua các nền tảng mạng xã hội... Tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm gắn với văn hóa du lịch trong và ngoài nước.
Với quyết tâm, sự linh hoạt của các chủ thể trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước sẽ góp phần xây dựng và nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua đó, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, mở đường đưa nông sản Hậu Giang đến thị trường trong và ngoài nước.
Thu Hằng