Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Yên có 25 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Cùng với đó Văn Yên còn có nhiều cảnh đẹp, núi non kỳ vĩ, nhiều hang động, suối, thác nước, rừng nguyên sinh cùng những địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh và xây dựng đất nước… Đặc biệt, với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, Văn Yên đang lưu giữ nhiều sắc màu văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số như Dao, Tày, Mông, Phù Lá… Chính với những lợi thế này mà Văn Yên đang sở hữu những tiềm năng du lịch hấp dẫn, lý thú, mang đậm bản sắc vùng cao Tây Bắc, như suối nước khoáng nóng tại bản Cao Sơn, xã Phong Dụ Thượng; khu bảo tồn Thiên nhiên Nà Hẩu; Cảnh quan ruộng bậc thang Khe Táu; Công viên đá cổ đại; Hàng dương xỉ cổ đại ở khu vực Ba Khuy; nhiều thác nước đẹp như: Thác Quang Minh và Thác Minh Khai ở xã Quang Minh, Thác Khe Cam ở xã Ngòi A, Thác Khe Chè ở xã Tân Hợp, Thác Đá Trắng ở xã Viễn Sơn, Thác Làng Bang ở xã Đại Sơn, Thác Khe Rồng và Thác An Bình ở xã An Bình,... Cùng với đó là những rừng quế cổ thụ bạt ngàn, phong cảnh làng bản đồng bào dân tộc thiểu số trên những sườn đồi, chân núi, phong cảnh lòng hồ thủy điện Ngòi Hút 1 và Đồng Sung, khu nuôi cấy Dó Bầu cũng được khai thác cho hoạt động tham quan trải nghiệm du lịch.
Ruộng bậc thang Khe Táu xã Phong Dụ Thượng
(Nguồn: yenbai.gov.vn)
Văn Yên được biết đến là thủ phủ của cây quế với tổng diện tích quế lớn nhất cả nước với trên 52.000 ha, được trồng ở 24/24 xã, thị trấn của huyện. Cây quế gắn liền với đời sống tinh thần, phong tục, tập quán, sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Dao cũng như các dân tộc khác cùng chung sống nơi đây. Hằng năm, Lễ hội Quế được tổ chức tại xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên với nhiều hoạt động phong phú như: chương trình tôn vinh cây quế, sản phẩm quế và người sản xuất, chế biến quế; bình chọn các đồi quế, vườn quế kiểu mẫu; tổ chức thi tuyển chọn sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ quế và tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong ngành quế;... Bên cạnh đó còn có chợ quê trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện Văn Yên và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch như: tái hiện Lễ Cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao; tái hiện đám cưới người Dao; Hội thi “Người đẹp vùng quế”... đem đến nhiều cảm xúc, giúp du khách hiểu rõ hơn về vai trò của cây quế trong sự phát triển kinh tế của nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên. Lễ hội Quế là lễ hội độc đáo, đặc sắc và riêng có của huyện Văn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung với mục tiêu đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm quế Văn Yên, đồng thời, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của người Dao đỏ gắn với cây quế.
Đồng bào dân tộc Dao huyện Văn Yên, Yên Bái tại Lễ hội Quế
(Nguồn: yenbai.gov.vn)
Ngoài Lễ hội Quế, các hoạt động văn hóa tinh thần đặc sắc khác của đồng bào dân tộc ở Văn Yên cũng được khai thác cho hoạt động giao lưu văn nghệ trong du lịch như: hát chầu văn, hát then, múa then, múa xòe cổ, hát khắp và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Tày (ở Đông Cuông, Tân Hợp, Phong Dụ Thượng, Ngòi A...); hát páo dung, múa rìu, múa gông, múa chuông, múa cầu mùa, nhảy lửa, Lễ Cấp sắc và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Dao ở Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng, Ngòi A, Quang Minh...; múa xòe, sáo cúc kẹ và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Phù Lá xã Châu Quế Thượng; múa khèn, múa Mông, múa gậy sênh tiền và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Mông xã Nà Hẩu...
Lễ Cấp sắc của người Dao huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái)
(Nguồn: yenbai.gov.vn)
Phát triển huyện Văn Yên trở thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn là một phần trong chủ trương tăng cường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch; chú trọng nâng cao sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc của tỉnh Yên Bái. Thông qua hỗ trợ phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo nhằm định vị thương hiệu du lịch “Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”, góp phần đưa du lịch Yên Bái phát triển nhanh và bền vững.
Thùy Trang