Thay đổi diện mạo nông thôn
Với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc, sau khi được công nhận là xã nông thôn mới vào năm 2018, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương được nâng lên, Đảng bộ và nhân dân xã Trà Tân nhận thấy rõ những lợi ích thiết thực mang lại từ việc xây dựng nông thôn mới. Đó chính là động lực để cả hệ thống chính trị của xã cùng với nhân dân phấn đấu duy trì các tiêu chí nông thôn mới, đồng thời không ngừng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân nỗ lực thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền, sự đồng thuận, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn xã, qua hơn 4 năm nỗ lực thực hiện, xã Trà Tân đã đạt nhiều kết quả khá toàn diện trên các mặt.
Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng uỷ xã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với các mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị; quan tâm công tác khuyến nông, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân đem lại hiệu quả, thu nhập cao. Công tác chỉ đạo xây dựng và phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng uỷ xã quan tâm, tập trung chỉ đạo nên đã tạo được chuyển biến trong nhận thức và hành động của đồng bào thôn 4 (thôn thuần đồng bào dân tộc thiểu số) trong việc góp sức xây dựng nông thôn mới.
Xã Trà Tân - Điển hình nông thôn mới nâng cao
(Ảnh: hvhnt.binhthuan.gov.vn)
Xã đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học trên địa bàn, đáp ứng được nhu cầu dạy và học, từ đó chất lượng giáo dục ở địa phương ngày càng được nâng lên. Hiện nay, có 3 trường đạt chuẩn quốc gia và đang tiến hành xây dựng 2 trường đạt chuẩn; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS hằng năm đạt 98% trở lên, tỷ lệ học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, các chương trình y tế quốc gia được thực hiện khá tốt. Công tác chăm sóc người có công, thực hiện an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo bền vững được thực hiện đồng bộ. Nhờ đó, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 2,93%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,10%. Các phong trào văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao trong nhân dân phát triển mạnh mẽ; số lượng và chất lượng gia đình văn hóa từng bước được nâng lên, 4/4 thôn đạt văn hóa.
Các mô hình “Camera an ninh phòng, chống tội phạm”, “Camera an ninh, Ánh sáng an ninh” đã phát huy hiệu quả trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; các tệ nạn xã hội được kiềm chế, xử lý và giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên địa bàn không để tình hình phức tạp trở thành điểm nóng. Công tác cải cách thủ tục hành chính, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được cải thiện, giảm phiền hà cho dân. Đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, các khoản thu, chi được công khai, minh bạch, niêm yết đúng quy định. Với những kết quả đó, diện mạo nông thôn của xã thay đổi rõ rệt, đường sá được xây dựng khang trang, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, cả xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Cả hệ thống chính trị đồng hành với nhân dân
Thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Trà Tân là kết quả của sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức của nhân dân địa phương. Từ thành quả đó, có thể rút ra một số kinh nghiệm cho cấp uỷ các địa phương trong tỉnh quán triệt thực hiện nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có 80% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (tương đương 75 xã); trong đó, có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch số 1281/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Một là, kịp thời củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia; phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo; phân công các đơn vị liên quan thực hiện tốt trách nhiệm theo dõi địa bàn phụ trách. Các Ban chỉ đạo thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nắm bắt tiến độ triển khai để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nắm và hiểu rõ mục đích của việc xây dựng nông thôn mới; huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân cùng tham gia thực hiện.
Ba là, tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thu hút đầu tư phát triển sản xuất.
Khu chăn nuôi gà lấy trứng để sản xuất 2 sản phẩm OCOP của xã Trà Tân được chứng nhận 4 sao cấp tỉnh: trứng gà nướng TAFA và trứng gà tươi TAFA
(Ảnh: baobinhthuan.com.vn)
Bốn là, tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới; trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện các chương trình; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện chương trình. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc giám sát đối với những chương trình, dự án và công việc liên quan đến tổ chức triển khai xây dựng nông thôn mới.
Năm là, bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho các địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc gắn với củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Nguyễn Thị Thu Hiền - Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận