Mộc Châu là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Sơn La, với 12 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, 11 dân tộc thiểu số chiếm 61,52%. Trên địa bàn huyện Mộc Châu có 5 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, gồm dân tộc Mông, Dao, Xinh Mun, Khơ Mú, Mường và 1 dân tộc có khó khăn đặc thù là dân tộc La Ha; có 44 bản đặc biệt khó khăn thuộc 11 xã. Tuy nhiên, Mộc Châu lại có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Với địa hình cao nguyên tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình khoảng 1.050m so với mực nước biển, Mộc Châu có diện tích rộng, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Hệ sinh thái đa dạng, vùng thảo nguyên cảnh quan đẹp, với nhiều danh thắng, như: Ngũ Động bản Ôn, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, khu hồ sinh thái rừng thông bản Áng, đồi chè, vườn đào, vườn mận, trang trại chăn nuôi bò sữa... Phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa các dân tộc đa dạng và đặc sắc. Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng ở Mộc Châu vừa phát huy được thế mạnh của địa phương, vừa là phương thức trao “cần câu” cho đồng bào người dân tộc thiểu số tự mình nỗ lực vươn lên thay đổi cuộc sống cũng như bảo vệ bản sắc văn hóa.
Du khách hào hứng tham quan Đồi chè trái tim (Mộc Châu)
(Nguồn: maichautourist.vn)
Trên cơ sở đánh giá đúng những khó khăn, hạn chế, đồng thời phân tích, đánh giá những thuận lợi, tiềm năng của địa phương, Đảng bộ huyện Mộc Châu đã ban hành Đề án số 02-ĐA/HU, ngày 15/3/2021về phát triển du lịch huyện Mộc Châu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với 6 nhóm giải pháp lớn: Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch theo hướng đồng bộ; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng sản phẩm du lịch xứng tầm tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, nông nghiệp và những trải nghiệm liên quan; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Mộc Châu; nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển và quản lý du lịch; chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Mộc Châu đã được quy hoạch trở thành khu vực động lực phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và của vùng du lịch Trung du miền núi Bắc Bộ với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao gắn với cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc.
Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án, đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực tham gia phát triển kinh tế thông qua phát triển du lịch cộng đồng. Vẫn là những hoạt động lao động sản xuất hằng ngày của người dân, nhưng nhờ du lịch, đã tạo nên những giá trị kinh tế lớn hơn. Khách du lịch đến Mộc Châu được cùng đồng bào tham gia trải nghiệm các hoạt động lao động, sản xuất nông nghiệp như: hái quả, trồng rau sạch, quan sát quy trình chế biến các sản phẩm từ sữa bò, hòa mình vào những điệu xòe Thái, những điệu dân ca cổ, ngủ nhà sàn truyền thống, nằm đệm bông gạo, thưởng thức đặc sản núi rừng như: thịt trâu gác bếp, cá suối nướng, bê chao, xôi ngũ sắc, rau rừng, rượu ngô men lá... Đến nay, Mộc Châu đã hình thành 4 bản du lịch cộng đồng của người Mông, người Thái. Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện Mộc Châu đã thu hút được trên 1.310.000 lượt khách du lịch, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu ước đạt trên 1.441 tỷ đồng[1]. Điều này đã làm thay đổi đáng kể đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây.
Du khách vui chơi tại Thung lũng mận Nà Ka
(Nguồn: maichautourist.vn)
Cùng với phát triển kinh tế, đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa thông qua phát triển du lịch cộng đồng. Hưởng ứng các chính sách của huyện Mộc Châu, đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây đã khôi phục, tái hiện các lễ hội truyền thống của các dân tộc như lễ hội Hết Chá của người Thái, lễ hội Cầu mưa của người Thái, lễ hội Nào Sồng của người Mông, lễ Lập Tịnh của người Dao.... Các đội văn nghệ nhằm bảo tồn và duy trì nét văn hóa của các dân tộc được hình thành. Các nghệ nhân, già làng, trưởng bản phát huy tích cực vai trò truyền bá nét văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, đồng bào cũng bảo tồn và phát triển nét văn hóa trong trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, Thái... như tiếp tục duy trì nghề dệt, thêu hoa văn, trang trí các họa tiết theo lối truyền thống, tạo nên những sản phẩm thổ cẩm, quà lưu niệm cho du khách. Ở các bản của đồng bào người Mông, người Thái, những bộ trang phục truyền thống vẫn được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày của các thành viên trong gia đình. Đây là điểm đặc biệt thu hút khách du lịch đến và trải nghiệm.
Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn, huyện Mộc Châu đã đạt được một số thành tựu trong phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số qua phát triển du lịch cộng đồng, từng bước giúp bà con dân tộc thiểu số miền núi xóa đói, giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cũng như phát huy bản sắc văn hóa, góp phần hiện thực hóa việc “thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội...”[2] mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra.
[1] https://vneconomy.vn/moc-chau-tim-huong-di-cho-du-lich-cong-dong.htm
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tr. 170
Thu Huyền