Tỉnh hiện có 95 di tích được xếp hạng, gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh; 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận (Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ) và 7 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận (Lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc, Nghề làm Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Nghệ thuật múa Trống Chhay-dăm, Lễ Vía bà Linh sơn Thánh mẫu, Lễ hội Quan lớn Trà Vong tỉnh Tây Ninh, Nghệ thuật chế biến món ăn chay, Nghề làm Muối ớt Tây Ninh).
Trình diễn múa Trống Chhay-dăm
(Ảnh: baotayninh.vn)
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản được thực hiện thường xuyên thông qua việc tuyên truyền giới thiệu di tích, các chương trình thi tìm hiểu di tích lịch sử - văn hóa trên hệ thống, phương tiện thông tin truyền thông, các chương trình, lễ hội, sự kiện quan trọng của tỉnh, tham gia giao lưu với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Xây dựng và phát động các phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, theo đó, các trường đăng ký nhận chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa. Phát triển phong trào Đờn ca tài tử với khoảng 500 Câu lạc bộ, đội, nhóm trên địa bàn, cùng với hàng trăm nghệ nhân đang là hạt nhân nòng cốt trong các hoạt động Đờn ca tài tử ở cơ sở. Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030; chỉ đạo việc tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh... Qua đó, góp phần giáo dục và nâng cao nhận thức, truyền thống, lòng tự tôn và niềm tự hào của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên núi Bà Đen
(Ảnh: baotayninh.vn)
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số được quan tâm, nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Các thiết chế văn hóa phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng, 100% các xã có dân tộc thiểu số sinh sống đều có Trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng. Trong năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2022 – 2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Kế hoạch “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2022 – 2025"; Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.
Trong năm 2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đăng cai tổ chức thành công Hội diễn Tiếng hát miền Đông lần thứ XX với sự tham gia của 7 đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam bộ, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc của khu vực ngày càng phong phú, đa dạng, đa sắc. Đồng thời cũng là dịp quảng bá vùng đất và con người Tây Ninh đến với các tỉnh, thành trong khu vực miền Đông Nam bộ.
Đặc biệt, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tổ chức “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” ở Phố đi bộ Hoàn Kiếm, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với nhiều hoạt động tương tác cùng du khách, tạo nên các trải nghiệm thực tế hấp dẫn tại sự kiện. Các du khách có thể tham gia thử tài hát vọng cổ Nam bộ cùng các nghệ sĩ, thử múa trống Chhay – dăm cùng các nghệ nhân hoặc thưởng thức các đặc sản Tây Ninh tại các gian hàng như muối Tây Ninh, bánh tráng, trái cây..., tạo nên một không gian lễ hội tươi vui và sôi động tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, góp phần quan trọng vào việc quảng bá hình ảnh con người, văn hóa, vùng đất Tây Ninh đến với người dân thủ đô và du khách trong và ngoài nước.
Chương trình "ngày Tây Ninh tại Hà Nội" năm 2023
(Ảnh: TTXVN)
Một trong những kết quả quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đó là: Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Đội ngũ văn nghệ sĩ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hằng năm, tỉnh mở các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Những kết quả trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Tây Ninh.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cấp làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Lê Bá Giang - Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh