Năm 2023, dân số nữ của tỉnh Vĩnh Long là 520.464 người, chiếm 50,55%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính có 587.805 người, trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ 45,64%. Những năm qua, công tác chăm lo quyền lợi lao động nữ có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp Công đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Long tích cực tuyên truyền Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo hiểm xã hội và các nghị định của Chính phủ, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030...; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với lao động nữ; tham gia thương lượng, xây dựng thỏa ước lao động tập thể với nhiều chính sách có lợi đối với lao động nữ, nhất là chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, chế độ thai sản, hỗ trợ người lao động chăm sóc, nuôi dạy con cái...
Cùng với đó, để nâng cao đời sống lao động nữ, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực, đặc biệt là các chương trình, dự án về xóa đói, giảm nghèo. Năm 2023, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tỉnh Vĩnh Long đã chung tay cùng với chính quyền địa phương giúp 380 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo, đạt tỷ lệ 202% (vượt 180 hộ so với chỉ tiêu đăng ký), trong đó có 226 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Ngoài ra, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ còn thực hiện tư vấn, đào tạo, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, kết nối, phát triển thị trường cho 533 người, hỗ trợ vay vốn với số tiền 10,9 tỷ đồng, đạt 266,5% so chỉ tiêu đăng ký (ít nhất 150 phụ nữ)[1]. Bên cạnh sự chăm lo về mặt kinh tế, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Long còn quan tâm quyền lợi lao động nữ về mặt chính trị như trong công tác đào tạo, giới thiệu quy hoạch cán bộ nữ, tạo nguồn cán bộ nữ thông qua cử đi học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức chính trị để có bước chuẩn bị tốt tham gia vào hệ thống chính trị. Nhờ đó, tỷ lệ cán bộ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đạt tỷ lệ 33,33%; nữ trúng cử HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt 28%, cấp huyện đạt 22,39%, cấp xã đạt 21,87%; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cơ sở đạt 23,78%, cấp huyện đạt 14,37%, cấp tỉnh đạt 14,28%[2].
Hội viên phụ nữ xã Thành Trung, huyện Bình Tân học nghề may gia công để tăng thu nhập gia đình
(Nguồn: TTXVN)
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức khá cao và chủ yếu tập trung ở nông thôn. Chất lượng việc làm của lao động nữ nông thôn còn thấp; tính ổn định, bền vững trong việc làm và tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội không cao. Việc đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn đã được chú trọng nhưng các loại hình đào tạo nghề dành cho phụ nữ thường là ngắn hạn và tập trung vào các kỹ năng lao động vốn mặc định là của phụ nữ, đồng thời đầu ra sau học nghề gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó dẫn đến mức lương cơ bản của phụ nữ làm công việc tự do luôn thấp hơn so với nam giới...
Công việc gọt nấm rơm phù hợp với nhiều phụ nữ lớn tuổi tại xã Hòa Bình (Trà Ôn, Vĩnh Long) giúp tăng thêm thu nhập.
(Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN)
Để tiếp tục chăm lo quyền lợi lao động nữ tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn tiếp theo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy và UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện các nội dung về bảo đảm quyền lợi của lao động nữ. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về chăm lo quyền lợi của lao động nữ và tạo điều kiện cho lao động nữ nâng cao trình độ học vấn chuyên môn, kỹ thuật qua nhiều cấp học như: giáo dục phổ thông; giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề; giáo dục đại học và sau đại học.
Các ban, sở, ngành, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện các chính sách thu hút doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đến đầu tư tại Vĩnh Long; khuyến khích phát triển ngành nghề thu hút nhiều lao động, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, ưu tiên ngành nghề tuyển dụng nhiều lao động nữ; nâng cao chất lượng hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, công tác tư vấn giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động; giới thiệu, kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động trong việc tuyển dụng lao động đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Tỉnh ủy và UBND cần có các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng nhiều lao động nữ như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; được hỗ trợ thông tin, xúc tiến thương mại; xây dựng thương hiệu, ...
Tiếp tục tạo điều kiện, tăng cường sự tham gia của nữ giới vào công tác lãnh đạo, quản lý. Điều này một mặt góp phần nâng cao vị thế bình đẳng của giới nữ trong xã hội, mặt khác tạo động lực cho lao động nữ nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ. Trong mỗi cơ quan, đơn vị cần quan tâm quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm lao động nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ nữ phải được tiến hành thường xuyên và được sự quan tâm một cách đầy đủ của các cấp, ngành. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc hiện đại, bảo đảm các điều kiện đặc thù đối với lao động nữ.
[1] Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Long, Báo cáo số: 336/BC-BTV ngày 07/11/2023 về Tổng kết phong trào phụ nữ, trang 7.
[2] Báo Vĩnh Long: Giới nữ góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh (Cập nhật, 13:29, Thứ Năm, 17/02/2022).
Nhan Thanh