Xác định được tầm quan trọng đó, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác XKLĐ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TU ngày 21/4/2003 “Về công tác xuất khẩu lao động và chuyên gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài”; UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 11/5/2015 “Về việc đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Sở lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Trị đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật về XKLĐ, thông tin về thị trường lao động quốc tế; tăng cường chỉ đạo nghiệp vụ đối với các Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố trong công tác XKLĐ nhằm nâng cao hiệu quả vận động người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo đúng hợp đồng...
Thanh niên tỉnh Quảng Trị tham gia tìm hiểu về xuất khẩu lao động
(Nguồn: interrnet)
Nhờ đó, số lượng lao động được XKLĐ qua các năm đều tăng. Năm 2016, toàn tỉnh mới có 747 lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, nhưng đến hết năm 2023 đã có 14.592 người. Hằng năm, Quảng Trị có khoảng 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung chủ yếu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào. Với thu nhập cao hơn hẳn so với lao động trong nước, lượng kiều hối chuyển về tỉnh từ những lao động xuất khẩu tăng dần theo từng năm, đến nay, tổng số tiền gửi về cho gia đình ước khoảng hơn 5.000 tỷ đồng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, trong giai đoạn này, Quảng Trị có khoảng 5.000 lao động làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng về nước. Đây là nguồn lao động chất lượng cao, có ý chí lập nghiệp, có kỷ luật, tay nghề cao đáp ứng được yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, số lượng lao động tham gia xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng của nguồn nhân lực, XKLĐ chưa trở thành phong trào rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh. Một số chính sách hỗ trợ, thúc đẩy XKLĐ chưa thực sự đi vào cuộc sống. Công tác đào tạo nghề, giáo dục định hướng chuẩn bị nguồn cho XKLĐ chưa được quan tâm đúng mức. Một bộ phận người lao động Việt Nam làm việc và cư trú bất hợp pháp ở các nước bạn đã ảnh hưởng đến hoạt động XKLĐ. Chi phí XKLĐ của một số thị trường tiềm năng quá cao, việc huy động vốn để xuất cảnh của người lao động gặp rất nhiều khó khăn; chất lượng lao động đi xuất khẩu chưa cao, chủ yếu là lao động phổ thông, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động ở một số lao động xuất khẩu chưa cao, tác phong công nghiệp còn hạn chế...
Xác định công tác XKLĐ là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng đội ngũ lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, tỉnh đề ra mục tiêu năm 2024, phấn đấu đưa từ 1.200 lao động trở lên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chú trọng các trường hợp lao động có tay nghề, trình độ. Để đạt được mục tiêu trên trong năm 2024 và những năm tiếp theo, các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan có liên quan cần tập trung vào những giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về hoạt động XKLĐ; giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước; lựa chọn những công ty, doanh nghiệp uy tín, đủ tư cách pháp nhân và đựơc phép tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nâng cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh.
Tư vấn xuất khẩu lao động cho người dân ở Hướng Hóa
(Nguồn: baoquangtri.vn)
Hai là, tích cực kiểm tra, giám sát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác XKLĐ, nhằm phòng tránh thiệt hại cho người lao động; tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm cố định và lưu động trên địa bàn toàn tỉnh, chú trọng vùng sâu và vùng xa, vùng ven biển để tư vấn, tuyển chọn lao động có nhu cầu tham gia XKLĐ.
Ba là, Phòng LĐ-TB&XH tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác XKLĐ trên địa bàn mình quản lý, nhằm giúp nhiều người lao động có nhu cầu tham gia XKLĐ. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, theo dõi, giám sát việc thực hiện công tác XKLĐ; có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao để làm tốt công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, chú trọng đến công tác phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác XKLĐ.
Bốn là, mời gọi và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín, có thương hiệu đến tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh tham gia XKLĐ. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, tích cực mời gọi, khuyến khích các doanh nghiệp XKLĐ có các đơn hàng không mất phí, có mức thu nhập khá đến tuyển dụng lao động tại các xã, thị trấn của 4 huyện vùng biển bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường sinh thái biển. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp XKLĐ mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của công ty trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Năm là, tăng cường phối hợp với các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Trị tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục nhanh gọn trong việc cho người lao động vay vốn tham gia XKLĐ. Nâng cao chất lượng lao động tham gia xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của thị trường XKLĐ.
Trần Văn Toàn - Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị