Đắk Lắk là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp đứng thứ hai cả nước với 657.728 ha, trong đó có diện tích đất đỏ Bazan 345.000 ha, với khoảng 1,9 triệu người[1], chiếm 34% dân số Tây Nguyên, đứng thứ 10 cả nước. Vì vậy, Đắk Lắk xác định nông nghiệp là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, là một trong 3 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên và có vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế với giá trị chiếm khoảng 35% GRDP, chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm và thu nhập cho khoảng 65% lao động của tỉnh.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư diễn ra mạnh mẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk đã chủ động, tích cực xây dựng chương trình, tổ chức thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp[2]. Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo giá hiện hành là 100.400 tỷ đồng, (bằng 109,2% kế hoạch) và tăng 13% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế là 37,78%, giảm 0,57% so với năm 2022; có 78 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 51,66% (tăng 04 xã so với năm 2022, đạt 91,27% kế hoạch); thu hút các hộ nông dân tham gia 535 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp (trong đó có 150 HTX có liên kết với doanh nghiệp và 26 Hợp tác xã nông nghiệp đã có sản phẩm OCOP)[3]. Kết quả đó cho thấy ngành nông nghiệp đã đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và tỷ lệ hộ nghèo giảm 8.598 hộ (1,79%), đạt mục tiêu so với kế hoạch là giảm từ 1,5 - 2%[4].
Giống chuối Nam Mỹ trồng bằng phương pháp cấy mô công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế tại xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk
(Nguồn: vov.vn)
Năm 2023, tỷ trọng kinh tế số trong nông nghiệp đạt 15% và năng suất lao động tăng 7%[5]; thực hiện ứng dụng công nghệ số trên tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi... và quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, phát triển nông thôn mới, OCOP... hướng tới nông nghiệp số, nông dân số, nông thôn số; xúc tiến trao đổi, hợp tác với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp có kinh nghiệm trong chuyển đổi số nông nghiệp theo các chương trình, mô hình ứng dụng cụ thể.
Nhìn chung, việc thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững của ngành, là cơ hội để tỉnh Đăk Lắk nói riêng và của Vùng Tây Nguyên nói chung tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ. Đồng thời, chuyển đổi số sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến vào canh tác nông nghiệp, quản trị và tổ chức sản xuất, qua đó sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững.
Việc phát triển mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã giúp huyện Krông Pắc xuất khẩu chính ngạch chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư sang thị trường Trung Quốc
(Nguồn: nhandan.vn)
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, tỉnh cũng gặp phải một số khó khăn: hầu hết cơ sở dữ liệu giữa công tác quản lý và hoạt động sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, phân phối, chế biến, sử dụng vật tư nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc, kết nối cung cầu... chưa đáp ứng được tính chính xác và kịp thời, chưa có sự tương tác, kết nối liên thông với nhau. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin (phần mềm) dùng chung cho toàn ngành để đảm bảo tích hợp liên thông từ Trung ương đến địa phương, giữa các sở ngành liên quan, giữa tỉnh với huyện, xã... chưa đồng bộ, mới chỉ đáp ứng một phần so với yêu cầu đặt ra. Nhận thức xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số nông nghiệp nói riêng vẫn nhiều còn hạn chế, chưa đầy đủ. Lực lượng lao động được đào tạo còn chiếm tỷ lệ thấp, đặc biệt là nông dân và cán bộ quản lý hợp tác xã, chưa đáp ứng được các yêu cầu chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay; thể chế chuyển đổi số nói chung và ứng dụng cho chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng còn hạn chế.
Để tận dụng cơ hội, từng bước thực hiện thành công chuyển đổi số ngành nông nghiệp, thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường phối hợp với các chủ thể (nhà nước, doanh nghiệp, HTX, người dân...) để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số nông nghiệp nhằm tận dụng cơ hội, phát huy tiềm lực và thực hiện hiệu quả trong từng lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Tiếp tục xây dựng hệ thống phầm mềm dùng chung theo quy chuẩn chuyển đổi số thống nhất đảm bảo tích hợp liên thông từ Trung ương đến địa phương, giữa các sở, ngành và các địa phương, đơn vị. Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, hướng dẫn, thực hiện các chính sách, quy định, tiêu chuẩn... đến các chủ thể trong nông nghiệp để việc chuyển đổi số được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phân bổ nguồn lực chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp đảm bảo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện được mục tiêu, chiến lược của tỉnh đề ra. Thường xuyên tổ chức các đoàn tham quan (nhà quản lý, hộ nông dân) học hỏi các mô hình chuyển đổi số đã thực hiện thành công ở trong nước cho các HTX, cho cán bộ quản lý học tập, vận dụng trên toàn tỉnh.
[1] Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk, Niên giám thống kê tỉnh Đắk Lắk năm 2022
[2] Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 02/4/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk
[3] UBND Tỉnh Đắk Lắk, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2023), Báo cáo “Tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
[4] UBND Tỉnh Đắk Lắk, Sở Kế hoạch và Đầu tư (2024), Báo cáo “Tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tính đến hết tháng 02 năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”.
[5] Công ty Cổ Phần Ban Mê Green Farm đã liên kết với người dân thực hiện mô hình Cà chua trái cây Nova ứng dụng nhật ký điện tử và các thiết bị thông minh. Hợp tác xã Ea Tân áp dụng phương pháp quản lý vườn cây bằng công nghệ số, sử dụng nhật ký nông hộ điện tử và đã xây dựng bản đồ số nông nghiệp trên diện tích của HTX (theo Báo cáo “Tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn”)
Huyền Lê