Việt Nam kết thúc năm 2023 với mức tăng trưởng GDP 5.05%. Đây được xem là thành tựu to lớn của nước ta trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng nghiêm trọng do tác động từ đại dịch Covid – 19 và những cuộc xung đột địa chính trị gay gắt giữa các nước lớn. Với bản lĩnh, kinh nghiệm đã được tôi luyện gần một thế kỷ qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo đất nước với những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp, hoàn thành mục tiêu kép, vừa chiến thắng đại dịch, vừa đưa nền kinh tế nước ta trở thành điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu.
Nền kinh tế Việt Nam kết thúc năm 2023 với thành tựu to lớn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hồi phục chậm chạp sau đại dịch Covid – 19 và trước tác động tiêu cực từ các xung đột địa chính trị trên thế giới. Mức tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05% thoạt nhìn cứ tưởng là thấp, nhưng đó là một kỳ tích, vì Việt Nam nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. So với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, mức tăng trưởng của Việt Nam cũng thật sự là con số ấn tượng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức của thời cuộc. Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế Việt Nam năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Có được thành quả trên là nhờ sự đồng lòng của toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và trên hết là bản lĩnh, trí tuệ lèo lái đúng hướng con thuyền kinh tế đất nước của Đảng và Nhà nước ta.
Thứ nhất, bản lĩnh trong lãnh đạo, điều hành kinh tế vĩ mô
Kể từ khi đại dịch Covid – 19 kết thúc và bước vào thời kỳ hồi phục nền kinh tế, có nhiều ý kiến lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế Việt Nam, sức phục hồi yếu, tác động tiêu cực từ sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, với bản lĩnh, kinh nghiệm và sự kiên định đã được tôi luyện từ những khó khăn, thách thức vô vàn trong quá khứ, Đảng, Nhà nước ta đã sớm đề ra nhiều chủ trương chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 68/2022/QH15, ngày 10/11/2022 chỉ đạo toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là Chính phủ khẩn trương, quyết liệt đề ra các biện pháp khắc phục những thiệt hại do đại dịch, ưu tiên thúc đẩy các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế, cố gắng giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đã mạnh dạn triển khai các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa như: giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, giảm 10-50% với 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối 2023; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, tính tự chủ; tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số; tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên. Đây là những giải pháp lãnh đạo, điều hành quyết đoán, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các kế hoạch 5 năm với chủ đề “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.
Thứ hai, đẩy mạnh đổi mới thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Sau đại dịch Covid – 19, để duy trì nhịp độ phát triển kinh tế, khôi phục lòng tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng trong nước, thực hiện quan điểm chỉ đạo về chiến lược phát triển đất nước của Đảng theo tinh thần Đại hội XIII, trong đó, xác định nhiệm vụ hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương sớm vào cuộc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhất là về quy trình, thủ tục các điều kiện kinh doanh, sản xuất, hỗ trợ tìm kiếm các thị trường trong và ngoài nước. Điều này đã mang lại niềm tin lớn, giúp các doanh nghiệp và người dân tăng sức chống chịu, tạo động lực để họ quay trở lại đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường, giúp nhà nước tăng thu ngân sách, giải quyết khá hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 131/NQ-CP, ngày 06/10/2022 của Chính phủ; xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngoài ra, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà Chính phủ ban hành cũng giúp các doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, hạn chế về tín dụng, nguồn vốn, thuế, đất đai, hỗ trợ tiếp cận thị trường, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ ba, ngoại giao “cây tre Việt Nam” tiếp tục mở đường cho hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng
Năm 2023 đánh dấu thành tựu to lớn của ngoại giao Việt Nam với nhiều chuyến thăm cấp cao qua lại giữa Việt Nam và các nước có nền kinh tế lớn, đặc biệt việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản đã mở ra cơ hội vàng cho sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam thời kỳ mới.
Thực hiện đường lối đối ngoại theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, trong đó, nhất quán chủ trương xem ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho sự phát triển đất nước, Chính phủ đã chỉ đạo ngành ngoại giao khéo léo, chủ động đưa nội dung hợp tác kinh tế vào trong các hoạt động đối ngoại, nhất là trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, tranh thủ trong các cuộc gặp song phương, đa phương bên lề các hội nghị quốc tế, từ đó giúp mở rộng và làm sâu sắc hơn hoạt động hợp tác kinh tế với nhiều đối tác lớn. Chính các mối liên kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế toàn diện, sâu rộng với nhiều nước đã góp phần thiết thực vào việc thu hút các nhà đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, từ đó giúp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phục vụ phát triển bền vững. Năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, xếp hạng thứ 32 trong 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Thứ tư, kiên định, quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực càng tạo điều kiện để phát triển kinh tế lành mạnh, bền vững
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là quyết tâm chính trị cao độ của Đảng nhằm xây dựng Chính phủ Việt Nam đảm bảo minh bạch các nguồn vốn, sự công bằng trong cạnh tranh thương mại và giải quyết các thủ tục pháp lý, từ đó tạo niềm tin để thu hút các nguồn lực bên ngoài phát triển đất nước. Trong năm qua, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng của Đảng tiếp tục được thực hiện một cách mạnh mẽ theo tinh thần “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Quán triệt quan điểm của Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách; nâng cao chất lượng thực thi công vụ; xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán; hoàn thiện thể chế; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cần thiết, cấp bách. Chính những điều này đã góp phần ngăn chặn sự thất thoát tài sản công, đảm bảo cân đối chi tiêu cho nhiều lĩnh vực trọng yếu, tạo sự phát triển hài hòa nền kinh tế - xã hội, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Theo đó giúp Việt Nam tích tụ được nguồn lực đủ mạnh để điều tiết kinh tế vĩ mô, giữ được đà tăng trưởng.
Bản lĩnh, kinh nghiệm, tài năng lãnh đạo, điều hành đất nước của Đảng và Nhà nước quyết định mọi thành quả cách mạng Việt Nam. Kể từ sau đại dịch Covid – 19, nền kinh tế nước ta chịu nhiều tác động tiêu cực từ sự suy thoái của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, Đảng và Nhà nước đã tập trung lãnh đạo khắc phục những thiệt hại, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển toàn diện nền kinh tế - xã hội, tiếp tục mang lại sự tin tưởng, hài lòng của đông đảo doanh nghiệp và nhân dân.
Bích Ngọc