Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời căn dặn: “Phải bảo đảm an toàn lao động, vì người lao động là vốn quý nhất”; “Nếu để xảy ra tai nạn lao động là thiệt chung cho bản thân, gia đình, cho Đảng, Chính phủ và nhân dân. Người bị nạn không đi làm được, gia đình sẽ gặp khó khăn, sức lao động của nhân dân do vậy sẽ sút kém. Vì thế chúng ta phải hết sức bảo vệ an toàn lao động, bảo vệ tính mạng người công nhân”. Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã quát triệt thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn quan tâm chăm lo người lao động, bảo đảm an toàn lao động. Tuy nhiên, cũng như các nước trên thế giới, vì nhiều lý do, tình trạng mất an toàn lao động vẫn xảy ra, trong đó có những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước xảy ra 320 vụ tai nạn lao động trong đó có một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người như vụ tai nạn lao động tại Công ty than Thống Nhất (ngày 03/4/2024) làm chết 4 người; tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái (ngày 22/4/2024) làm chết 07 người, 03 người bị thương; tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Gỗ Bình Minh (ngày 01/5/2024), làm chết 06 người, 05 người bị thương… [1].
Ngay khi các vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, chính quyền và đơn vị chủ quản cùng các lực lượng chức năng đã nhanh chóng tổ chức cứu hộ, cứu nạn, tìm nguyên nhân để tránh lặp lại, đồng thời kịp thời tổ chức việc thăm hỏi, chăm lo cho nạn nhân và gia đình của họ. Thế nhưng, với mục đích chống phá, xuyên tạc, có động cơ chính trị đen tối, các thế lực phản động, thù địch đã đưa ra những rêu rao vô căn cứ với ý rằng: “… với đảng bộ, công đoàn hình thức chưa bao giờ lo điều kiện lao động của người dân”. Từ sự cố của một số công ty, doanh nghiệp, họ cố tình làm lớn chuyện, quy kết thành bản chất, rồi nhận xét sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng là hình thức, không quan tâm đến an toàn lao động. Với thái độ hằn học, các thế lực phản động, thù địch thường xuyên sử dụng “nhai đi nhai lại” những luận điệu quen thuộc đó hòng làm xói mòn uy tín của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những suy diễn, xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch là vô căn cứ:
Thứ nhất, trong tiến trình hình thành và phát triển của đất nước, công tác an toàn, vệ sinh lao động là một chính sách lớn luôn được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng và quan tâm. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 29/SL ngày 13/3/1947 về an toàn, vệ sinh lao động, thời giờ lao động, nghỉ ngơi.
Tiếp đó các năm 1959, 1960, 1976, 1982, 1993, 1994, 1996, 2001, 2005[2] nội dung đảm bảo an toàn lao động cho người lao động luôn được nêu trong các Báo cáo chính trị, Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc hoặc Chỉ thị của Ban Bí thư.
Năm 2013, Ban Bí thư đã ban hành 01 Chỉ thị riêng về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp, hiện điện hóa và hội nhập quốc tế[3]. Năm 2024, để tiếp tục đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động đáp ứng yêu cầu tình hình mới gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW[4].
Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước thể chế hóa bằng hệ thống văn bản pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các năm 1992, 2013 đều có nội dung quy định việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người làm công, ăn lương. Năm 1991, Hội đồng Nhà nước (nay là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) đã thông qua và ban hành Pháp lệnh Bảo hộ lao động. Các năm 1994, 2012 Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động, trong đó đều dành 01 Chương quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Ngày 26/6/2015 Quốc hội đã thông qua luật chuyên ngành về An toàn, vệ sinh lao động tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII.
Như vậy, có thể khẳng định rằng xuyên suốt trong tiến trình từ khi thành lập đến nay Đảng, Nhà nước luôn coi trọng và quan tâm đến việc đảm bảo an toàn, sức khỏe nhằm phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, thể hiện qua các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở chủ trương, chính sách nêu trên, là nền tảng để người dân, doanh nghiệp thực hiện việc đảm bảo an toàn lao động cho người lao động.
Thứ hai, về quy định cụ thể, pháp luật hiện hành của nước ta luôn quan tâm đến lợi ích của người lao động khi bị tai nạn lao động. Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động, thì người lao động nếu không may bị tai nạn lao động sẽ được chi trả toàn bộ chi phí y tế, tiền lương trong thời gian điều trị, bồi thường từ người sử dụng lao động; nếu thương tật bị suy giảm khả năng lao động trên 31% trở lên thì được bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp hàng tháng và đến khi chết[5]. Trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động thì ngoài tiền bồi thường từ người sử dụng lao động thì sẽ được Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả một số chế độ như mai táng, trợ cấp tuất (con chưa đủ 18 tuổi, vợ, bố, mẹ nạn nhân[6]... Điều này thể hiện chính sách tiến bộ, nhân văn, ưu việt của chế độ ta. Bên cạnh các chính sách nhân văn, ưu việt, pháp luật hiện hành có những quy định xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó, người nào vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác, thì ngoài phạt tiền thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm[7].
Thứ ba, trên thực tế, ở Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung, vì nhiều lý do, tình trạng mất an toàn lao động vẫn xảy ra, trong đó có những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người. Ở Châu Âu, năm 2021, có 3.347 vụ tai nạn lao động chết người[8]. Ở Mỹ, năm 2022 có 5.486 trường hợp chết người do tai nạn lao động, tăng 5,7% so với 5.190 trường hợp vào năm 2021 (cứ 96 phút lại có một người chết do tai nạn lao động vào năm 2022)[9]. Đối với ngành khai thác than, là ngành có nguy cơ cao về tai nạn lao động; công việc luôn yêu cầu khai sâu dưới lòng đất từ vài ba chục mét đến cả nghìn mét thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì có quá nhiều yếu tố tác động như: địa chất yếu, vốn đầu tư mới, nâng cấp máy, thiết bị còn hạn chế, sự tuân thủ của người lao động có đôi lúc còn chủ quan. Theo tính toán, trên thế giới trung bình cứ 1 triệu tấn than hầm lò thì mất 1 mạng người. Do đó, có thể nói, tuy đã quan tâm đầu tư công nghệ, cải tiến việc tổ chức lao động nhưng việc giảm trừ hoàn toàn tai nạn lao động chết người cho ngành than nói riêng và các ngành có nguy cơ cao về tai nạn lao động nói chung trong thời gian gần là việc klhông thể.
Từ những lý do trên, có thể khẳng định rằng những vu cáo của các thế lực phản động, thù địch là hoàn toàn vô căn cứ. Tại Việt Nam, công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, chú trọng thực hiện xuyên suốt, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay và đúng như lời căn dặn Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời “Phải bảo đảm an toàn lao động, vì người lao động là vốn quý nhất”[10].
[1] Thông báo số 4223/TB-BLĐTBXH ngày 11/9/2024 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2024.
[2] Chỉ thị số 132 của Ban Bí thư ngày
[3] Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATLĐ, VSLĐ trong tình hình mới
[4] Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới.
[5] Điều 38,39, 48,4951,52,53 Luật An toàn, vệ sinh lao động
[6] Điều 66, 67 Luật Bảo hiểm xã hội
[7] Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017)
[8] Cơ quan thống kê của Liên minh Châu Âu (Eurostat) tại https://ec.europa.eu/eurostat/statistics-explained/index.php?title=Accidents_at_work_statistics
[9] Cục Thống kê lao động, Bộ Lao động Hoa Kỳ, The Economics Daily, Tỷ lệ tử vong do TNLĐ tăng vào năm 2022 tại https://www.bls.gov/opub/ted/2023/fatal-work-injuries-up-in-2022.htm
[10] Tại nhà máy Cơ khí Hà Nội ngày 25/12/1958
Bùi Trung