Vùng đất Nam Bộ thuộc chủ quyền của Việt Nam từ thế kỷ XVII. Thông qua quá trình mở cõi, khai khẩn vùng đất phía Nam, các vua chúa triều Nguyễn từng bước xác lập chủ quyền đối với vùng đất phía Nam. Xuyên suốt quá trình đó, có nhiều văn bản pháp lý và sự kiện lịch sử là cơ sở rõ ràng, vững chắc khẳng định vùng đất Nam Bộ thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong đó, Bộ luật số 49-733 ngày 04/6/1949 của Quốc hội Pháp là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định vùng đất Nam Bộ là của Việt Nam
Ngày 01/9/1858, thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), bắt đầu hành trình xâm lược Việt Nam. Đầu năm 1859, Pháp chuyển hướng tấn công vào Nam Bộ, chiếm ba tỉnh miền Đông, sau đó chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ.
Ngày 15/3/1874, triều đình nhà Nguyễn ký với thực Pháp Hiệp ước Giáp Tuất, thừa nhận cho Pháp chiếm đóng 6 tỉnh Nam Kỳ. Về mặt chính trị, Hiệp ước này thể hiện sự bất lực của nhà Nguyễn khi phải nhượng cho thực dân Pháp đất Nam Kỳ. Nhưng về mặt pháp lý, Hiệp ước Giáp Tuất là bằng chứng khẳng định về chủ quyền lãnh thổ không thể tranh cãi của Việt Nam đối với vùng đất Nam Bộ.
Khi thực dân Pháp đánh chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ của Việt Nam, phía Campuchia khi ấy không có ý kiến hay phản ứng gì, cho thấy Nam Kỳ không có liên quan đến Campuchia, và đây là việc giữa thực dân Pháp và Việt Nam. Sau đó, triều Nguyễn ký với Pháp Hiệp ước Harman (25/8/1883) và Hiệp ước Patenotre (06/6/1884) chính thức khẳng định quyền thống trị của thực dân Pháp trên toàn cõi đất nước Việt Nam, trong đó, Nam Kỳ là đất thuộc địa của Pháp.
Đến năm 1887, thực dân Pháp thành lập Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, thực hiện hai quy chế khác nhau giữa Campuchia và Nam Kỳ của Việt Nam. Theo đó, Pháp duy trì chế độ bảo hộ ở Campuchia và thiết lập chế độ thuộc địa đối với Nam Kỳ của Việt Nam.
Chợ nổi miền Tây Nam Bộ
Sau khi hoàn thành cuộc xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã tiến hành khảo sát trên các mặt địa lý, kinh tế, văn hóa, dân tộc, tôn giáo,… và cho vẽ bản đồ hành chính phân chia khu vực trên cả nước và khu vực phía Nam.
Từ năm 1870 đến năm 1896, Pháp tiến hành hoạch định đường biên giới giữa Nam Kỳ với Campuchia và các quan chức chính quyền thực dân đã ký hàng loạt các văn bản về hoạch định, phân giới, cắm mốc biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia, khẳng định rõ ràng vùng đất Nam Kỳ hoàn toàn thuộc Việt Nam[1].
Cuối năm 1947, thực dân Pháp thành lập chính phủ “Quốc gia Việt Nam” – do Bảo Đại đứng đầu (còn gọi là Quốc trưởng). Ngày 08/3-1949, Tổng thống Pháp ký với Bảo Đại Hiệp ước Elysés, công nhận sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Sau đó, ngày 09/3/1949, Đại hội đồng khối Liên hiệp Pháp họp, thảo luận về Dự luật đưa “vùng lãnh thổ hải ngoại Nam Kỳ” của nước Pháp trả lại cho “Quốc gia Việt Nam”.
Đến ngày 04/6/1949, Tổng thống Pháp Vincent Aurol ký Bộ luật số 49 – 733[2], gồm các nội dung cơ bản sau:
“Điều 1: Trong khuôn khổ Điều 60 của Hiến pháp Cộng hòa Pháp và theo kiến nghị của Hội đồng lãnh thổ Nam Kỳ tại kỳ họp ngày 23/4/1949, Quy chế về vùng lãnh thổ Nam Kỳ đã được sửa đổi theo điều luật dưới đây.
Điều 2: Lãnh thổ Nam Kỳ được trao lại Nhà nước liên hiệp Việt Nam theo Tuyên bố chung ngày 05/6/1948 và Tuyên bố của Chính phủ Pháp ngày 19/8/1948. Nam Kỳ không còn nằm trong quy chế lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Điều 3: Trong trường hợp Quy chế của Việt Nam bị sửa đổi thì Quy chế về vùng đất Nam Kỳ thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nói trên như đã qui định tại Điều 75 của Hiến pháp (chương VIII: Liên hiệp Pháp)”[3].
Với nội dung của Bộ luật số 49 –733 ngày 04/6/1949, đặc biệt là điều 2 của Bộ luật này cho thấy chính phủ Pháp đã trao trả Nam Kỳ lại cho chính quyền Bảo Đại (cựu hoàng của chế độ phong kiến Việt Nam) và Nam Kỳ trở về thành một bộ phận lãnh thổ của Việt Nam, không có gì chia tách được.
Ngoài ra, sau cuộc thảo luận tại Hội nghị Đại hội đồng khối Liên hiệp Pháp ngày 09/3/1949 bàn về Dự luật trao trả Nam Kỳ cho “Quốc gia Việt Nam”, một số hội nhóm Khmer Krom tại Campuchia và chính phủ Campuchia đã đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với vùng đất Nam Bộ của Việt Nam, đòi chính phủ Pháp trao Nam Kỳ cho Campuchia, nhưng không được sự chấp thuận của Pháp.
Sinh hoạt văn hóa của người dân Nam Bộ
Sau khi chính phủ Pháp ban hành Bộ luật số 49-733 ngày 04/6/1949, Chính phủ Campuchia đã gửi văn bản yêu cầu chính phủ Pháp trao Nam Bộ lại cho Campuchia. Trước yêu sách này của phía Campuchia, chính phủ Pháp đã gửi một bức thư cho Quốc vương Norodom Sihanouk của Campuchia, trong đó có đoạn: “...Lịch sử ngược lại với luận thuyết cho rằng miền Tây Nam Kỳ vẫn còn thuộc triều đình Khmer lúc Pháp tới. Giữa những ví dụ khác, cho phép nhắc lại rằng Hà Tiên đã được đặt dưới quyền tôn chủ của Hoàng đế An Nam từ năm 1715 và kênh nối Hà Tiên với Châu Đốc được đào theo lệnh của các quan An Nam từ nửa thế kỷ trước khi chúng tôi đến...”[4]. Với nội dung thư này, Pháp thừa nhận người chủ của vùng đất Nam Bộ là Nhà nước Việt Nam là thực tế lịch sử, đồng thời nêu lại cơ sở lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định Việt Nam có chủ quyền đối với vùng đất Nam Bộ từ trước khi thực dân Pháp đến Nam Kỳ.
Ngoài Bộ luật số 49 -733 ngày 04/6/1949 của Quốc hội Pháp, các Hiệp định có giá trị pháp lý quốc tế như Hiệp định Geneva (1954), Hiệp định Paris (1973) và những bức thư của Quốc vương Campuchia gửi cho Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam đều công nhận chủ quyền của Việt Nam trên mảnh đất Nam Bộ. Cụ thể, ngày 20/6/1964, Quốc vương Norodom Sihanouk của Campuchia gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, mong muốn gặp ông Nguyễn Hữu Thọ để thảo luận về vấn đề biên giới. Trong thư, Quốc vương Norodom Sihanouk khẳng định: “Chúng tôi từ bỏ mọi đòi hỏi về vấn đề đất đai để đổi lấy một sự công nhận rõ ràng đường biên giới hiện tại và chủ quyền của chúng tôi với các đảo ven biển mà Chính phủ Sài Gòn đã đòi hỏi một cách phi pháp”[5].
Như vậy, từ đầu thế kỷ XVII, những cư dân gồm người Kinh, Hoa, Chăm… đã đến lưu vực sông Đồng Nai và sông Mê Kông khẩn hoang, lập làng, định cư sinh sống. Song song đó, các đời chúa Nguyễn Đàng Trong đã tổ chức khai hoang và lập ra các đơn vị hành chính quản lý đến tận thôn xã, dần xác lập chủ quyền đối với dải đất Nam Bộ. Đến giữa thế kỷ XVIII, toàn bộ khu vực Nam Bộ và Tây Nam Bộ đã thuộc quyền cai quản của chúa Nguyễn. Đã có nhiều thế hệ người Việt Nam không tiếc máu xương để xây dựng, bảo vệ dải đất Nam Bộ. Mỗi tấc đất Nam Bộ đều thấm đẫm mồ hôi, máu và nước mắt của các thế hệ ông cha dấn thân mở cõi đất phương Nam. Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nam Bộ là đất Việt Nam. Nó là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu Việt Nam”[6], sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.
Trương Nhụy
[1] Hội khoa học Lịch sử Việt Nam: Lược sử Vùng đất Nam Bộ Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 46.
[2] Hội khoa học Lịch sử Việt Nam: Lược sử Vùng đất Nam Bộ Việt Nam, sđd, tr. 52.
[3] Hội khoa học Lịch sử Việt Nam: Lược sử Vùng đất Nam Bộ Việt Nam, sđd, tr. 107.
[4] Hội khoa học Lịch sử Việt Nam: Lược sử Vùng đất Nam Bộ Việt Nam, sđd, tr. 108-109.
[5] Hội khoa học Lịch sử Việt Nam: Lược sử Vùng đất Nam Bộ Việt Nam, sđd, tr. 57.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 29.