Có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh cuộc chiến tranh Việt Nam tiến hành tại biên giới Tây Nam chống lực lượng Khơme đỏ năm 1979, tuy nhiên sự thật lịch sử cho thấy đó là cuộc chiến tự vệ của nhân dân Việt Nam trước thế lực phản động và diệt chủng
Đại thắng mùa xuân năm 1975 mở ra kỷ nguyên mới: Độc lập, thống nhất và cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta vui mừng chưa được bao lâu lại phải tiếp tục một cuộc chiến tự vệ, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng, luôn kề vai sát cánh trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Tuy nhiên, khi lực lượng Khơme Đỏ do Pôn Pốt –Iêng Xary cầm đầu đã phá hoại mối quan hệ liên minh đoàn kết giữa hai nước.
Hành động phản cách mạng của Pôn Pốt –Iêng Xary
Pôn Pốt - Iêng Xary ra sức tuyên truyền, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam; vu khống Việt Nam; kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi; kích động tâm lý chống Việt Nam; kích động xét lại quan hệ hai nước, đòi định lại biên giới 2 nước; vô cớ coi Việt Nam là kẻ thù số 1 và tiến hành nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu, trong đó tập trung vào một số cán bộ trước đây được đào tạo ở Việt Nam.
Khơme đỏ gây ra hàng loạt vụ khiêu khích và lấn chiếm lãnh thổ biên giới Tây Nam nước ta. Trên biển, ngày 03/5/1975, Pôn Pốt cho quân đánh chiếm đảo Phú Quốc. Ngày 10/5/1975, chúng tiếp tục đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắt và giết hơn 500 dân thường. Trên đất liền, chúng ngang ngược di dời cột mốc biên giới ở một số điểm thuộc các tỉnh: Tây Ninh, Kon Tum, Đắk Lắk.
Chúng liên tiếp, liên tục gây ra hàng loạt các vụ khiêu khích, lấn chiếm 20 điểm ở biên giới Tây Nam nước ta, các vụ xâm lấn càng gia tăng với tính chất nghiêm trọng hơn. Từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1978, quân Khơ me Đỏ đã tiến hành “9.872 vụ xâm lấn biên giới của Việt Nam, có chỗ sâu vào nội địa 15 - 20km; giết hại hơn 5.200 thường dân, bắt và mang đi thủ tiêu hơn 20.700 người, đốt phá hơn 21.200 nóc nhà, trường học, bệnh viện, chùa chiền... làm cho hơn 400.000 người dân sinh sống dọc biên giới phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn đi lánh nạn. Những cuộc tiến công xâm lược của quân Khmer Đỏ không phải là hành động bột phát, mà đã có sự chuẩn bị, mang tính hệ thống với quy mô ngày càng lớn, mật độ ngày càng dày, mức độ nguy hiểm và tàn bạo ngày càng gia tăng” (1).
Sau những hành động gây hấn, Khơme đỏ ráo riết chuẩn bị chiến tranh và mở cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn vào vùng lãnh thổ biên giới Tây Nam của Việt Nam.
Ngày 30/4/1977, Pôn Pốt đã điều 5 sư đoàn và hàng trăm khẩu pháo, xe tăng mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, chính thức cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của nước ta. Từ tháng 8/1977, chúng tiến công khu vực biên giới các tỉnh Long An, Đồng Tháp; tháng 9/1977, tiếp tục tiến công tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh.
Xe tăng quân đội nhân dân Việt Nam tiến công giải phóng Phnôm Pênh khỏi chế độ diệt chủng (Ảnh tư liệu)
Việt Nam chủ trương giải quyết bằng thương lượng, đàm phán hòa bình
Trải qua chiến tranh nhiều, mặc dù giành thắng lợi nhưng chúng ta vẫn phải chịu nhiều mất mát, đau thương, tổn thất và hi sinh. Nhân dân Việt Nam mong muốn có cuộc sống hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy, trước hành động thù địch của Pôn Pốt –Iêng Xary, Việt Nam chủ trương và nhiều lần đề nghị giải quyết bằng thương lượng, đàm phán hòa bình. Mọi thiện chí của Việt Nam đều bị Pôn Pốt cự tuyệt. Việt Nam kêu gọi các nước trong phong trào Không liên kết làm trung gian đứng ra hòa giải, giúp đỡ nhưng bị khước từ. Pôn Pốt vẫn tiếp tục cho quân tiến công lấn chiếm lãnh thổ của nước ta.
Tình hình đó buộc chúng ta phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đánh đuổi quân xâm lược. Chính phủ Việt Nam ra Tuyên bố về vấn đề biên giới Việt Nam-Campuchia, nêu rõ lập kiên quyết bảo vệ bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình và luôn tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia.
Như vậy, sau nhiều nỗ lực ngoại giao giải quyết xung đột bằng con đường hòa bình không thành của Chính phủ Việt Nam, cuộc chiến mới thực sự diễn ra.
Việt Nam phản công, giữ vững biên cương và chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giúp nhân dân Cam pu chia khỏi thảm họa diệt chủng
Cuối năm 1978, Pôn Pốt huy động 19 trong tổng số 23 sư đoàn mở cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn chống Việt Nam.Trong suốt cuộc chiến tranh, An Giang là một trong trọng tâm chống phá của Khơ me đỏ, vì đây là tỉnh có đông dân số là người Việt gốc Khơ me, và mục tiêu của chúng là thanh toán triệt để người Việt, kích động người Việt gốc Khơ me vùng lên.
Ngày 23/12/1978, chúng đưa 3 sư đoàn tiến công vào vùng Bến Sỏi, Bến Cầu thuộc tỉnh Tây Ninh với ý đồ nhanh chóng chiếm Tây Ninh và tiến về chiếm Thành phố Hồ Chí Minh.
Không còn cơ hội để cứu vãn hòa bình, chúng ta phải lựa chọn con đường tự vệ chính đáng. Việt Nam đã mở cuộc phản công, đánh bại kế hoạch của địch. Ngày 26/12/1978, Bộ chỉ huy quân đội cách mạng thuộc Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã phát động chiến dịch nổi dậy của nhân dân và kêu gọi quân đội Việt Nam sang giúp Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng.
Ngày 07/01/1979, quân tình nguyện Việt Nam kết hợp với sự nổi dậy của nhân dân Campuchia đã giải phóng Phnôm Pênh, kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam. Ngày 10/01/1979, nước Cộng hòa nhân dân Campuchia ra đời.
Bài học kinh nghiệm
Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc thắng lợi có ý nghĩa to lớn, đặc biệt để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Việt Nam trong tình hình thế giới và khu vực có sự chuyển biến mau lẹ và phức tạp như giai đoạn hiện nay:
Thứ nhất, phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, đánh giá đúng tình hình, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống. Thường xuyên cảnh giác, nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; không mơ hồ, ảo tưởng. Chủ động nắm và dự báo đúng tình hình, nhất là ở tầm chiến lược.
Thứ hai, tập trung, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân địa phương vững mạnh. Các cấp ủy và chính quyền địa phương thường xuyên quán triệt sâu sắc, xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận chiến tranh nhân dân và vận dụng vào địa phương, theo phương châm “xã giữ vững xã, huyện giữ vững huyện, tỉnh giữ vững tỉnh”.
Thứ ba, thường xuyên củng cố và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, cùng có lợi với các nước láng giềng. Tăng cường hợp tác về mọi mặt đối với các nước có chung đường biên giới, đặc biệt là Lào và Campuchia, củng cố và xây dựng tình đoàn kết hữu nghị với 2 nước, tạo điều kiện ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Phan Hoa
________________________
(1)Chiến trường lịch sử và những câu chuyện về chiến tranh ở Việt Nam, Thiên Bình (sưu tầm, hệ thống), Nxb. Lao động, Thành phố Hồ Chí Minh, 2020.