Chủ nghĩa cộng đồng là sợi dây liên kết hành động của cá nhân, xác định các quyền và nghĩa vụ cụ thể của cá nhân đối với cộng đồng trên cơ sở đề cao những giá trị cộng đồng, bao gồm: lợi ích chung, phúc lợi chung và các quyền mang tính cộng đồng. Vì vậy, chủ nghĩa cộng đồng nhấn mạnh tính đồng thuận cộng đồng, đồng thuận xã hội, đề cao các giá trị gia đình, quyền kinh tế - xã hội và văn hóa; đồng thời quan tâm nhiều đến mối quan hệ không tách rời giữa nhà nước và xã hội với cộng đồng.
Chủ nghĩa cộng đồng đã và đang thể hiện rõ vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự ổn định chính trị của các quốc gia châu Á; đặc biệt, cũng chính chủ nghĩa cộng đồng đang là yếu tố đặc biệt quan trọng và được phát huy mạnh mẽ, hiệu quả trong ứng phó với đại dịch Covid-19 và thiên tai ở Việt Nam hiện nay.
Chủ nghĩa cộng đồng trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 ở Việt Nam
Đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Một nửa nhân loại trên toàn cầu bị phong tỏa với mệnh lệnh “đóng cửa và ở yên trong nhà”. Thế giới đương đại chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng, thảm họa hay bất kỳ một cuộc chiến nào có sức tàn phá và hủy diệt nhanh như đại dịch Covid-19.
“Cuộc chiến” với kẻ thù vô hình này đã thay đổi thế giới và giúp nhân loại ý thức rõ hơn về những giá trị cộng đồng, cho thấy giá trị cộng đồng có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng một thể chế công, bảo đảm các giá trị chung, lợi ích chung, tạo sự đồng thuận và hòa hợp hơn là các giá trị cá nhân, vị kỷ.
Tinh thần sẻ chia, nhân ái được lan toả trong phòng, chống Covid-19 ở Việt Nam. Ảnh: Internet.
Đối với Việt Nam, những giá trị cộng đồng đã được hiện thực hóa thông qua khả năng ứng phó mau lẹ, cùng với nhiều chính sách và hành động quyết liệt của Đảng, Chính phủ và cả hệ thống chính trị; sự tham gia, đồng lòng có trách nhiệm của người dân. Công thức “bốn tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và thực hiện nghiêm 5 nguyên tắc về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch), khả năng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đã và đang cho thấy những ưu điểm rõ rệt, đặc biệt trong điều kiện các nguồn lực còn hạn chế như ở Việt Nam.
Thành công của Việt Nam trong việc ứng phó, kiểm soát đại dịch Covid-19 là điều không thể không ghi nhận. Hãng thông tấn DPA của Đức ngày 13-4-2020 viết: “Không có bất kỳ ca tử vong nào và số ca nhiễm virus corona chủng mới chỉ dừng lại ở vài trăm người, cách ứng phó của Việt Nam với đại dịch Covid-19 đã nhận được sự khen ngợi từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và có thể là bài học cho các quốc gia trong việc chiến đấu để kiểm soát dịch bệnh”.
Dù không phải quốc gia giàu có, nhưng Việt Nam được đánh giá là hình mẫu và tấm gương trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19.Hiệu quả ứng phó với đại dịch của Việt Nam đã cho thấy các giá trị cộng đồng là nền tảng gắn với vai trò không tách rời, sự tham gia của nhiều chủ thể trong hệ thống chính trị Việt Nam. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ lãnh đạo Đảng, Chính phủ đến cấp uỷ, chính quyền các cấp và từng người dân, doanh nghiệp, truyền thông - báo chí. Công cuộc chống dịch đòi hỏi sự quyết liệt, sự tin tưởng, đồng lòng, chung sức của toàn dân, là cơ sở cho sự tập trung, thống nhất quyền lực, để những nỗ lực, hành động tập thể đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Sự đồng thuận của người dân là yếu tố quan trọng trong việc hiện thực hóa những quyết sách của Trung ương. Đảng, Chính phủ Việt Nam đã hiệu triệu được sự đồng thuận và niềm tin của người dân. Ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tiếp ban hành các chỉ thị (Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16), đưa ra những mệnh lệnh, yêu cầu người dân thực hiện những biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Cả nước bước sang một giai đoạn mới trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây chính là thời điểm cần sự đồng thuận rất cao của cả cộng đồng. Sự đồng thuận đó còn được biểu hiện hết sức rõ nét, trên tất cả mọi phương diện, lĩnh vực của đời sống xã hội, từ việc đa số người dân chấp hành các hoạt động kiểm soát đến việc tự nguyện khai báo y tế và cao hơn nữa là việc đóng góp sức lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch. Chính tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia và trách nhiệm, sự đồng lòng, đồng sức, đồng thuận cao trên phạm vi toàn xã hội trong chiến dịch phòng, chống Covid-19 đã khơi dậy tinh thần yêu nước, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Chủ nghĩa cộng đồng trong việc ứng phó với thiên tai ở Việt Nam
Trong những ngày qua, tình trạng ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại to lớn về người và tài sản. Ba đợt lũ cùng hàng loạt vụ sạt lở đất ở miền Trung trong tháng 10 đã cướp đi 159 sinh mạng, 71 người khác đang mất tích. Nhiều xã hiện nay còn bị ngập, nhiều người dân mất nhà cửa, đi lại gặp khó khăn. Nhiều trường học chưa thể mở cửa, môi trường bị đe dọa…
Xót xa khúc ruột miền Trung “oằn” mình trong gian khó, cùng với sự quan tâm, kịp thời chỉ đạo, sự vào cuộc tích cực, khẩn trương của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ, cũng như của chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng, rất nhiều ban, ngành, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân đã có nhiều việc làm thiết thực khắc phục hậu quả lũ lụt, chia sẻ tháo gỡ cũng như hỗ trợ đồng bào miền trung vượt qua khó khăn.
Người Việt Nam luôn đồng lòng, chung sức trong thiên tai, địch hoạ. Ảnh: Internet.
Những hành động mang ý nghĩa nhân văn của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã và đang là tâm điểm chú ý của cộng đồng và nhanh chóng trở thành làn sóng lan tỏa tấm lòng nhân ái, rộng khắp trong toàn xã hội. Tuy nhiên, đó mới là bước đầu, bởi chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới giúp các địa phương bị thiệt hại từ thiên tai sớm ổn định cuộc sống, tiếp tục phát triển.
Tiếp tục phát huy chủ nghĩa cộng đồng trong ứng phó với thiên tai, dịch bệnh
Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đang được không chế có hiệu quả nhưng có thể còn nhiều thách thức ở phía trước; thiên tai, lũ lụt vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Trong bối cảnh ấy, trước mắt, toàn dân phải chung sức, đồng lòng cùng Đảng và Chính phủ ứng phó với thiên tai, dịch bệnh; dài hạn hơn, chúng ta phải nỗ lực nâng cấp nền tảng và thiết chế xã hội, thực lực kinh tế để đất nước tiến lên mạnh mẽ sau thiên tai, dịch bệnh. Trong nỗ lực này, Việt Nam cần phải coi trọng ba ưu tiên lớn:
Một là, xây dựng bộ máy công quyền ưu tú: Đây là một trong những yếu tố quyết định thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đó là một hệ thống chính trị phát triển ổn định dựa vào sức mạnh dân tộc; hệ thống được tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; một thể chế dân chủ và pháp quyền đủ năng lực để thích nghi với bối cảnh của thế giới hiện đại còn nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Bên cạnh đó, cần có tầm nhìn, chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, tinh hoa, tâm huyết và ưu tú; đổi mới phương cách quản lý và tuyển chọn đánh giá cán bộ phù hợp.
Hai là, xây dựng năng lực công nghệ. (1) Phát triển hệ thống y tế hiện đại, có vị thế quan trọng ở khu vực châu Á. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, một hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu mạnh là giải pháp hiệu quả nhất, bao trùm nhất, kinh tế nhất để một quốc gia tiến gần hơn đến mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Những nỗ lực chủ động của Việt Nam trong phòng, chống Covid-19 diễn ra trong bối cảnh hệ thống y tế và chất lượng cuộc sống người dân đã có sự cải thiện lớn. Việt Nam đang tiến tới mục tiêu xây dựng hệ thống y tế từng bước hiện đại và hoàn chỉnh hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển có vị thế quan trọng ở khu vực châu Á. (2) Cải thiện năng lực dự báo thiên tai và chủ động ứng phó,nhất là công nghệ dự báo trượt đất. Từ bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn phòng, chống thiên tai tại các tỉnh miền Trung, các chuyên gia đều nhấn mạnh đến phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời lấy “phòng” là chính, do đó, nhất thiết cần phải có giải pháp nâng cao năng lực dự báo.
Ba là, khơi dậy niềm tin, khát vọng và sức mạnh của toàn dân tộc trong nỗ lực phát triển. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn luôn là một trong những nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hiện nay đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để khơi dậy niềm tin, phát huy ý thức, trách nhiệm cộng đồng, sự đồng lòng, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Mai Lê