Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “bệnh công thần thì tỏ ra như thế này: Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Rồi đòi địa vị, đòi danh vọng. Việc to không làm được, việc nhỏ không muốn làm. Bệnh công thần rất có hại cho đoàn kết ở trong Đảng cũng như ở ngoài Đảng; cậy thế mình là người của Đảng, phớt cả kỷ luật và cả cấp trên trong các đoàn thể nhân dân hoặc cơ quan Chính phủ”[1].
Chủ nghĩa cá nhân là cơ sở xã hội của chủ nghĩa công thần
Cơ sở xã hội của chủ nghĩa công thần là chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Do chủ nghĩa cá nhân mà đẻ ra các tư tưởng sai lệch khác. Trước hết là tư tưởng công thần. Do công thần sinh ra kiêu ngạo, kèn cựa, địa vị”[2]. “Một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng”[3].
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu, thiên hình vạn trạng. Ví dụ: lười biếng, hủ hoá, suy tính tiền đồ, cho rằng vất vả nhiều mà ít được ai biết, ít được huân chương; đòi hỏi đãi ngộ, so bì lương thấp, lương cao; công thần địa vị: cho rằng ở trong Đảng lâu năm mà không được đề bạt bằng người vào Đảng ít năm hơn; không an tâm công tác; ở công an thì muốn sang ngành khác; có quyền hạn một chút là thiếu dân chủ, chỉ tay năm ngón; đối với nội bộ thì suy bì, ganh tị, không đoàn kết với nhau, v.v..”[4]. “Mình mới làm nên một chút đã cho bằng trời rồi. Đảng không đưa mình lên thì mình tìm cách dìm đảng viên trẻ mới đề bạt lên”[5]. “Một số ít cán bộ già mắc bệnh công thần, cho mình là người có công lao, hay có thái độ “cha chú” với cán bộ trẻ, đảng viên trẻ nói gì cũng gạt đi, cho là “trứng khôn hơn vịt”, “măng mọc quá tre”[6]. “Đã mắc phải bệnh công thần, thì không tiến bộ mà thoái bộ, sinh ra quan liêu, bảo thủ, tự cao tự đại”[7].
Cơ sở tư tưởng của chủ nghĩa công thần là chủ nghĩa cơ hội - khuynh hướng tư tưởng của những kẻ chỉ quan tâm tới lợi ích cá nhân, lợi dụng phong trào để “vinh thân, phì gia”. Những kẻ công thần thường kích động, lôi kéo, bè phái, lợi ích nhóm, chủ nghĩa tư bản thân hữu… chúng tập hợp những phần tử bất mãn chế độ, cùng phe cánh để viết đơn, thư, kiến nghị… vừa để đòi quyền lợi, vừa “mặc cả với Đảng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và của Chính phủ. Thế là họ kiêu ngạo, họ phá kỷ luật của Đảng, của Chính phủ”[8]. “Kẻ kiêu ngạo thì xa lánh nhân tâm quần chúng và tạo cho mình kẻ thù. Người cách mạng mẫu mực phải khiêm tốn, khoan hoà, lượng thứ, can đảm khi sa cơ, bình tĩnh khi thắng thế, không bao giờ được quên rằng cuộc đời mình và sự nghiệp của mình thuộc về toàn nhân loại chứ không thuộc về mình”[9].
Chủ nghĩa cơ hội là cơ sở tư tưởng của chủ nghĩa công thần
Những kẻ công thần thường thể hiện thái độ kiêu ngạo, coi thường quần chúng. Những kẻ công thần cho rằng mình là những người “khai sơn phá thạch”, “không ai giỏi bằng ta, không ai làm bằng ta”, nên không muốn bị lãng quên, không muốn “đi vào quá khứ”. “Kiêu ngạo - Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên”[10]. “Bệnh kiêu ngạo - Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác”[11].
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bệnh cá nhân chủ nghĩa đẻ ra bệnh kiêu ngạo. Kiêu ngạo là: Khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Rồi đối với việc học tập thì lười biếng, không ra sức nâng cao trình độ của mình. Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Ở trong Đảng thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Đảng và của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình. Thân với những kẻ xu nịnh tâng bốc mình. Xa tránh những người tính trực nói thẳng... Kết quả của bệnh kiêu ngạo là: thoái bộ, xuống dốc, rồi đi đến bất mãn, hủ hóa”[12]. Khi đó, trong tư tưởng của những kẻ này sẽ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tự rời bỏ lập trường, quan điểm, lý tưởng của mình. Một số người do nhận thức lệch lạc, bị lôi kéo, bị kích động, mua chuộc nhằmthực hiện nhiều mưu đồ phá họa thành quả cách mạng. Đây là những người“trở cờ”,phản bội lại quá khứ hào hùng của dân tộc, phản bội lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII của Đảng chỉ rõ: "Sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ có chức, quyền. Nạn tham nhũng, dùng tiền của Nhà nước tiêu xài phung phí, ăn chơi sa đọa không được ngăn chặn có hiệu quả. Hiện tượng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, kèn cựa địa vị, cục bộ địa phương, bè phái mất đoàn kết khá phổ biến"[13]. Bên cạnh đó, hiện nay, một số cán bộ còn có lối sống trụy lạc, coi thường quần chúng, thậm chí thách thức quần chúng. Họ lợi dụng chức quyền để tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính, tiêu xài lãng phí của công, lối sống buông thả, thiếu tình nghĩa, thờ ơ trước nỗi khổ của nhân dân và những tiêu cực xã hội. Để mưu lợi ích cá nhân, họ còn làm sai đường lối,chính sách của Đảng; lợi dụng chức quyền để trao đổi quyền lực, mua chức, bán quyền, tệ chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy lợi, chạy tội, chạy bằng cấp…Đây cũng là một trong những biểu hiện của bệnh công thần, dẫn đến sự sai lệch về nhận thức, tư tưởng, làm xuất hiện những tư tưởng sai trái, thù địch.
Bác Hồ về thăm bà con Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) tháng 2-1961. Nguồn: Ảnh tư liệu.
Thấy được tác hại của tư tưởng công thần, bệnh kiêu ngạo cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn. Mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra. Trong đoàn thể thì phải giữ vững dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo, phải mở rộng tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên trên. Có như vậy mới tiến bộ chung, tiến bộ mãi”[14]. “Phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị. Nó đẻ ra nhiều cái xấu như xích mích, kèn cựa giữa cán bộ và giữa đảng viên, không ai phục ai, không giúp đỡ nhau, không cộng tác chặt chẽ với nhau. Bệnh cá nhân còn dẫn đến tệ bảo thủ, quan liêu, tham ô, lãng phí, sợ khó, sợ khổ, thấy khó khăn thì đâm ra tiêu cực, bi quan”[15].Người nhấn mạnh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Phải đánh bạt những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa tập thể thắng lợi, tức là phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ của công, chống tham ô, lãng phí”[16].
“Cán bộ và đảng viên càng phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng” ra lệnh ra oai. Phải nắm vững quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng, thành tâm học hỏi quần chúng, kiên quyết dựa vào quần chúng, giáo dục và phát động quần chúng tiến hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và của Nhà nước. Phải thật thà, ngay thẳng; không được giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm. Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo; phải thực sự cầu thị, không được chủ quan. Phải luôn luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải “chí công vô tư”, và có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Đó là đạo đức của người cộng sản”[17].
Có thể nói, để đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm lệch lạc, sai trái thì việc tìm ra nguồn gốc và những biểu hiện của nó có vai trò rất quan trọng. Điều này càng cần thiết trong cuộc đấu tranh với các quan điểm lệch lạc,sai trái, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 7, tr.33.
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 10, tr.588.
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 11, tr.608.
[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 15, tr.278.
[9]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 2, tr.326.
[10]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 4, tr.66.
[13]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.46 - 47.
Quang Đặng