Câu hỏi: Xin cho biết quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số công tác dân tộc đến năm 2030.
Trả lời
Chuyển đổi số trên các lĩnh vực công tác dân tộc là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để thực thi và đưa các chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi một cách thiết thực, hiệu quả nhất. Ngày 02/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030” với quan điểm là:
Thứ nhất, tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số, dữ liệu quốc gia, Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số khác của bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai, tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc trước tiên cần tăng cường chuyển đổi nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định đồng bào dân tộc thiểu số là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực để thực hiện tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc.
Thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò tiên phong và chủ đạo, đồng bào dân tộc thiểu số giữ vai trò hạt nhân, cơ chế chính sách là nền tảng, hạ tầng số là mũi đột phá trong tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc.
Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm các thành tựu khoa học và công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; huy động, hợp tác, thu hút nguồn lực hợp pháp trong tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc.
Mục tiêu tổng quát là: Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc nhằm mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể là:
Thứ nhất, đến năm 2025
- Xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách về tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc.
- Xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030”.
- Xây dựng, vận hành Trung tâm dữ liệu tại Ủy ban Dân tộc.
Thứ hai giai đoạn 2026 - 2030
Một là, phát triển chính phủ số
+ 100% lãnh đạo Ủy ban Dân tộc sử dụng chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường số.
+ 80% lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc cấp tỉnh, 70% lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc cấp huyện sử dụng chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường số.
+ 100% chế độ báo cáo tổng hợp, báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê lĩnh vực công tác dân tộc phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
+ 100% các thủ tục hành chính trong cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
+ Xây dựng, ban hành bộ chỉ số lĩnh vực công tác dân tộc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc.
+ Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc, cơ sở dữ liệu về các dân tộc thiểu số Việt Nam, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của Ủy ban Dân tộc.
+ 100% dữ liệu mở lĩnh vực công tác dân tộc được công bố, cập nhật theo quy định.
+ 100% cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số.
Hai là, phát triển xã hội số
+ 50% doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ tiếp cận thông tin về công nghệ số, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
+ 80% trưởng thôn, bản, ấp, buôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số.
+ Có chính sách hỗ trợ dịch vụ viễn thông, Internet cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Ba là, phát triển kinh tế số
50% chủ thể OCOP là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Để đạt được các mục tiêu trên, cần thực hiện các nhiệm vụ sau:
Một là, chuyển đổi nhận thức
Thứ nhất, chuyển đổi nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, nhất là chuyển đổi về tư duy, lề lối làm việc từ thủ công truyền thống sang làm việc trên môi trường số.
Thứ hai, chuyển đổi nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là nhận thức về hoạt động sản xuất, kinh doanh thủ công sang hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Hai là, phát triển hạ tầng số
Thứ nhất, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng Trung tâm dữ liệu của Ủy ban dân tộc gồm hệ thống thiết bị máy chủ, lưu trữ, thiết bị mạng, các hạ tầng điện toán đám mây, bảo mật, an toàn thông tin theo cấp độ, kỹ thuật phòng chống cháy nổ, chống sét tập trung, Internet tốc độ cao.
Thứ hai, xây dựng lộ trình triển khai Trung tâm dữ liệu của Ủy ban Dân tộc phù hợp với lộ trình triển khai của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Ba là, phát triển dữ liệu số
Thứ nhất, cập nhật thông tin, dữ liệu trên Kho dữ liệu công tác dân tộc và Kho dữ liệu thống kê 53 dân tộc thiểu số, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Thứ hai, xây dựng, cập nhật các thông tin, dữ liệu về chính sách dân tộc và kết quả thực hiện chính sách dân tộc; bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số Việt Nam tích hợp Từ điển dân tộc và bộ gõ tiếng dân tộc; theo dõi hoạt động tuyên truyền chính sách và các nội dung liên quan lĩnh vực công tác dân tộc.
Thứ ba, xây dựng, cập nhật thông tin, dữ liệu về lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, các sản phẩm truyền thống, thông tin địa lý GIS vùng dân tộc thiểu số có tích hợp thông tin, dữ liệu đa phương tiện và các thông tin, dữ liệu khác có liên quan lĩnh vực công tác dân tộc.
Bốn là, xây dựng, phát triển nền tảng số
Thứ nhất, phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của Ủy ban Dân tộc, kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nội bộ và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).
Thứ hai, xây dựng, phát triển Thư viện điện tử về công tác dân tộc có khả năng trao đổi, liên kết với các cơ quan thông tin thư viện khác.
Thứ ba, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đào tạo trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức và đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ tư, xây dựng, phát triển ứng dụng phổ biến chính sách dân tộc và hỗ trợ thông tin về giao thông, cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ năm, xây dựng nền tảng quản lý thiết bị IoT (IoT Platform), nền tảng quản lý video (VMS), nền tảng chuỗi khối (Blockchain), nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) và nền tảng phân tích dữ liệu thông minh (AI Platform); xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu đồng bộ trên cơ sở kết nối, tích hợp các nền tảng.
Năm là, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng
Thứ nhất, lập hồ sơ cấp độ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cấp độ an toàn thông tin, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lĩnh vực công tác dân tộc.
Thứ hai, diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lĩnh vực công tác dân tộc.
Thứ ba, giám sát an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin trong lĩnh vực công tác dân tộc; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Giải pháp thực hiện
Một là, tuyên truyền, phổ biến
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan và trưởng thôn, bản, ấp, buôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc.
Thứ ba, xây dựng các chuyên mục thông tin, tuyên truyền về Đề án trên báo chí và phương tiện truyền thông hướng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số.
Hai là, hoàn thiện thể chế
Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc.
Thứ hai, rà soát, bổ sung các kiến trúc, quy chế, quy định về tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc bảo đảm phù hợp kiến trúc Chính phủ điện tử, các chương trình quốc gia, chiến lược quốc gia, kế hoạch liên quan chuyển đổi số quốc gia.
Thứ ba, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (bao gồm thủ tục hành chính nội bộ); nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Ba là, kiện toàn tổ chức, bộ máy
Thứ nhất, nghiên cứu, đề xuất các phương án kiện toàn tổ chức bộ máy đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số.
Thứ hai, xây dựng và phát huy vai trò của trưởng thôn, bản, ấp, buôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc, phối hợp chặt chẽ với tổ công nghệ số cộng đồng, tổ công tác Đề án 06 thúc đẩy quá trình triển khai các hoạt động tăng cường chuyển đổi số tại địa phương.
Bốn là, đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực
Thứ nhất, xây dựng chương trình tập huấn, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc và cán bộ công chức cấp xã, trưởng thôn, bản, ấp, buôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong đồng bào dân tộc thiểu số, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Năm là, bảo đảm nguồn lực
Thứ nhất, xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Đề án, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án.
Thứ hai, bố trí nguồn nhân lực, nguồn kinh phí, nguồn lực về khoa học, công nghệ trong triển khai thực hiện Đề án.
Sáu là, hợp tác quốc tế
Thứ nhất, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế về hoạt động tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc.
Thứ hai, nghiên cứu, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, các đề tài nghiên cứu ứng dụng quốc tế có kết quả, sản phẩm hướng tới phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.
N.Đ.T
(Theo: Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1087/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2024 phê duyệt Đề án “Tăng cường chuyển đổi số linh vực công tác dân tộc đến năm 2030)
NĐT