* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch
Các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề chủ quyền biển đảo thể hiện trên những phương diện sau:
Một là, quy chụp, chống phá đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và lợi ích quốc gia trên biển.
Hai là, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đối với quá trình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông và chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ba là, tranh thủ vấn đề Biển Đông, tranh chấp chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, phá hoại quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các nước.
Bốn là, tăng cường tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tâm lý “thoát Trung”, “bài Trung, thân Mỹ” hòng kích động tinh thần đấu tranh, chống đối trong xã hội.
Bốn là, mượn danh công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, kích động tinh thần đấu tranh, chống đối cực đoan trong nhân dân.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lợi ích quốc gia trên biển là vấn đề trọng yếu, thường xuyên và lâu dài. Trong vấn đề Biển Đông, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và các lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển. Nghị quyết của Đảng xác định: “Nhiệm vụ cơ bản, lâu dài và xuyên suốt là xác lập chủ quyền đầy đủ, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán vùng biển, thềm lục địa, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quần đảo, đảo khác thuộc chủ quyền của nước ta. Nhiệm vụ trước mắt là phải bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lợi ích quốc gia trên vùng biển, đảo, duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển… Xây dựng đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử để đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”1.
Hai là, giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được thể hiện rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Là thành viên của Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Hiến chương ASEAN, Việt Nam luôn coi trọng và đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp về chủ quyền biển đảo. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường trên Biển Đông, Việt Nam luôn nêu cao quan điểm “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển, đồng thời chủ động, tích cực giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”2.c
Ba là, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là tối thượng, thiêng liêng, không thể nhân nhượng, không thể thỏa hiệp, không thể đánh đổi. Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng sức mạnh tổng hợp, tranh thủ cao nhất sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước lớn; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo, lợi ích chính đáng, hợp pháp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Bốn là, Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh và phê phán mạnh mẽ những yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông, những nhận thức sai trái, phiến diện về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhưng không kích động hận thù dân tộc; luôn coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Việc giữ gìn, phát triển quan hệ đối tác toàn diện, ổn định, bền vững với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
BBTGT
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2007, tr.78, 85.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2018, tr.104.