Những năm gần đây, trong bối cảnh công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), block chain phát triển như vũ bão, cuộc đua bán dẫn toàn cầu đang nóng lên, các nước lớn chạy đua gấp rút nhằm làm chủ chuỗi cung ứng bán dẫn. Việt Nam đứng trước cơ hội hiếm có để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, một ngành công nghiệp có khả năng mang tới tiềm năng tăng trưởng kinh tế và xã hội lớn cho Việt Nam.
Sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu đã và đang mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn trong những năm gần đây là nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự dịch chuyển chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu. Từ những năm 1970, các công ty bán dẫn Mỹ đã dần chuyển các khâu ít hàm lượng công nghệ hơn trong chuỗi sản xuất bán dẫn sang các nước có nguồn lao động giá rẻ và các quy định về môi trường lỏng lẻo hơn ở nước mình. Kết quả là, ngành công nghiệp bán dẫn có các công đoạn nghiên cứu, thiết kế, sản xuất và lắp ráp khác nhau trải dài khắp các nước Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Á. Trong đó, có thể kể đến TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), nơi sản xuất hơn 90% các chip xử lý thông tin - bộ não của các thiết bị điện tử - trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thiếu tập đoàn công nghệ này, ngành bán dẫn toàn cầu có thể sụp đổ1.
Khi Trung Quốc trỗi dậy, thể hiện tham vọng bành trướng kinh tế, địa chính trị,... thì Mỹ và các đồng minh không hài lòng, dẫn đến chiến tranh thương mại và trả đũa lẫn nhau trong ngành bán dẫn. Mỹ cấm Trung Quốc tiếp cận các công nghệ chip tối tân nhất, tuyên bố chuyển dịch và xây dựng chuỗi cung ứng an toàn hơn. Mỹ khuyến khích đầu tư vào sản xuất bán dẫn trong nước và đã đầu tư nhiều tỷ USD cho việc thiết kế và sản xuất chip máy tính ở Mỹ. Đáp trả lại, Trung Quốc cũng tập trung đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước; hạn chế xuất khẩu đất hiếm, một thành phần thiết yếu của ngành bán dẫn mà hiện tại, Trung Quốc đang kiểm soát tới hơn 90% chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn của Trung Quốc, cùng với những căng thẳng địa chính trị, kết hợp với sự chú trọng ngày càng tăng đối với khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng, đã tạo ra những chuyển động lớn trong ngành công nghệ. Sau nhiều thập niên tập trung sản xuất tại Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), các nhà lắp ráp điện tử như Foxconn, Quanta, Wistron,... cùng các nhà cung cấp chip lớn từ TSMC đến United Microelectronics Coporation (UMC) đang dịch chuyển và thiết lập hoạt động tại Đông Nam Á, Nhật Bản và một số nước khác để tìm kiếm động lực tăng trưởng và khả năng tăng trưởng mới. Với vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, đây là cơ hội hiếm có để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Lực lượng lao động trẻ, có ý chí đổi mới sáng tạo tạo cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Việc các công ty, tập đoàn chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á đã tạo ra cơ hội mở và đồng đều cho các quốc gia khu vực này, trong đó có Việt Nam. Cùng với đó, lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới là Việt Nam sở hữu lực lượng lao động trẻ, được đào tạo trong các lĩnh vực liên quan đến ngành bán dẫn, do đó, Việt Nam có nhiều cơ hội và tiềm năng hơn các nước khác trong khu vực để phát triển ngành công nghiệp này. Nếu tận dụng được lợi thế này thì đây là cơ hội vàng để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Việt Nam là một trong 16 quốc gia đông dân nhất thế giới với dân số trẻ (hiện có hơn 50% dân số dưới 30 tuổi (thời kỳ dân số vàng), trong đó mỗi năm có khoảng 1,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng). Cả nước hiện có khoảng 500.000 kỹ sư các ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, kỹ sư tự động hóa, trong đó có khoảng 300.000 kỹ sư phần mềm, thuộc top 10 quốc gia dẫn đầu về số lượng kỹ sư công nghệ thông tin tốt nghiệp hàng năm2. Lực lượng này có tố chất về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), là lợi thế độc đáo cho ngành bán dẫn. Đây là lực lượng lao động có thể tham gia vào thị trường ngành công nghiệp bán dẫn nếu được đào tạo lại sớm, bài bản hướng tới việc tận dụng các cơ hội hợp tác đầu tư, tiếp nhận chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đây chính là điều kiện hết sức thuận lợi để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Đất hiếm được biết đến là một loại khoáng sản đặc biệt có vai trò quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn công nghệ cao. Đây là nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị công nghệ cao, công nghệ hóa chất, bán dẫn, điện thoại, máy bay, pin năng lượng, mô tơ điện hiệu suất cao, thiết bị quốc phòng và các ngành công nghiệp năng lượng sạch khác.
Các nghiên cứu từ năm 1958 đến nay đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xa, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái). Các chuyên gia thế giới nhận định, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lên tới 22 triệu tấn3.
Để khai thác và chế biến sâu được đất hiếm, Việt Nam đang từng bước làm chủ công nghệ chế biến loại khoáng sản này. Do đó, Việt Nam đang trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và đã thu hút được lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này: Việt Nam - Hàn Quốc đã ký bản ghi nhớ thiết lập một trung tâm dây chuyền cung cấp đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho các công ty Hàn Quốc; Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng có những hợp tác trong duy trì chuỗi cung ứng nguyên liệu thô, tham gia vào sản xuất bán dẫn, nghiên cứu AI và khai thác quặng hiếm4. Mặt khác, với nguồn tài nguyên đất hiếm quý giá ấy, nếu đưa công nghiệp chế biến vào, Việt Nam có thể sản xuất được vật liệu phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi
Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, Chính phủ Việt Nam xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn phát triển.
Về địa chính trị, trong bối cảnh chuỗi giá trị bán dẫn đang dần chuyển dịch sang khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá hiện là quốc gia có lợi thế nhất trong các nước ASEAN. Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, sở hữu vị trí chiến lược trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu, có thể dễ dàng kết nối với các thị trường lớn của khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia,... nên trở thành điểm lý tưởng để thiết lập cơ sở sản xuất, lắp ráp, phân phối bán dẫn cho khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc và gần với Ấn Độ, là 2 thị trường có dân số đông nhất, nhì thế giới, có nhu cầu cao về sản phẩm công nghệ. Việt Nam có thể tận dụng vị thế địa lý, tận dụng cơ hội để mở rộng xuất khẩu và thu hút đầu tư từ các công ty muốn tiếp cận hai thị trường lớn này.
Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với nhiều nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển
Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều cường quốc bán dẫn, và với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển: Mỹ, Trung Quốc,... Đây là cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn và chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore,...sang tìm hiểu và đầu tư thông qua các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Chính phủ các nước.
Trong làn sóng chuyển dịch cơ sở sản xuất bán dẫn, Đông Nam Á được xem là một trong những khu vực lý tưởng, trong đó, Việt Nam được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Có thể nói, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển to lớn. Chính phủ Việt Nam đã và đang có những quyết tâm chính trị cao5 để tận dụng cơ hội này, đưa ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội, và nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu./.
Hương Bùi
Tài liệu tham khảo và chú thích
1. Trường Đặng: “Cuộc chiến” chất bán dẫn (kỳ II): Bùng nổ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng, https://diendandoanhnghiep.vn/, ngày 03/10/2023.
2. Bình Minh: “Kiều bào - nguồn lực quan trọng phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam”, https://vietnamnet.vn/, ngày 24/8/2024.
3. Trường Đặng: “Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ IV): Cơ hội nào cho đất hiếm Việt Nam?”, https://diendandoanhnghiep.vn/, ngày 06/9/2023.
4. Trần Vũ Mạnh: “Phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam: Tiềm năng và thách thức”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 05, tháng 3/2024.
(5). Xem thêm: “Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, http://thinhvuongvietnam.com/Content/thanh-lap-ban-chi-dao-quoc-gia-ve-phat-trien-nganh-cong-nghiep-ban-dan-44523
Hương Bùi