Trả lời:
Quy định 144-QĐ/TW chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng và là bước cụ thể hóa nhiệm vụ về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Thứ nhất, đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người thường xuyên nhắc nhở: “Trong hàng chục vạn cán bộ và đảng viên xứng đáng, còn lẫn vào một số người thấp kém về tinh thần và đạo đức cách mạng. Họ còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân trong mình”. Vì vậy, Đảng phải thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn để giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân; cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Người yêu cầu: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng”; “Phải giữ vững đạo đức cách mệnh, là chí công vô tư”; “Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo”...
Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên
Nhiều chỉ thị, nghị quyết xây dựng Đảng về đạo đức, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng ta ban hành. Đặc biệt, tại Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng ta đưa công tác xây dựng Đảng về đạo đức thành một mặt độc lập cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong tổng thể công tác Xây dựng Đảng. Tiếp nối tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng xác định đưa công tác cán bộ thành một mặt độc lập hợp thành tổng thể 5 mặt của công tác Xây dựng Đảng là: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, một lần nữa nhấn mạnh, đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội”
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các quy định về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng và thực hiện nêu gương đã được ban hành một cách có hệ thống, tạo cơ sở thuận lợi để nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu trong học tập, lao động, sản xuất, thực thi công vụ; chưa nêu gương về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Cá biệt, một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao.
Quy định số 144-QĐ/TW kết hợp với các quy định “không được làm” trước đây tạo thành một chỉnh thể thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị mà cán bộ, đảng viên là “then chốt của then chốt”, những người “đi trước để làng nước theo”.
Thứ ba, bối cảnh mới đặt ra những yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư tác động nhiều mặt đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của các quốc gia. Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Dù vậy, bên cạnh thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức đan xen, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn. Nguy hại nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Yêu cầu đặt ra, phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, bảo đảm các điều kiện, nguồn lực vững chắc, thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước tiếp tục đạt những bước tiến quan trọng.
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, một lần nữa nhấn mạnh: Chú trọng xây dựng ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên.
Do đó, việc xây dựng và ban hành Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới đáp ứng đòi hỏi về cả lý luận và thực tiễn, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự là “đạo đức, văn minh” để lãnh đạo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.
Quang Minh (tổng hợp)