1. Về bố cục, kết cấu
Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XIII gồm 11 chương và 45 điều, tăng 10 điều so với Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII.
Dự thảo Điều lệ có 22 điều có nội dung sửa đổi và 16 điều có nội dung bổ sung. Trong đó, đã gộp các nội dung tại Điều 15 Điều lệ hiện hành và Mục 13 Hướng dẫn thi hành Điều lệ để biên tập lại và bổ sung thành Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22; gộp các nội dung tại Điều 17 và Điều 18 Điều lệ hiện hành và Mục 14, Mục 15 Hướng dẫn thi hành Điều lệ để biên tập lại và bổ sung thành Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27, Điều 28; bổ sung 3 điều mới (Điều 6, Điều 8, Điều 18); tách Điều 13 Điều lệ hiện hành thành 2 điều (Điều 15, Điều 16).
Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XIII sau khi được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII thông qua, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn sẽ ban hành Hướng dẫn thi hành Điều lệ với 20 nội dung, ban hành các quy định riêng về 16 vấn đề. Điều lệ Công đoàn Việt Nam kỳ này giao cho Đoàn Chủ tịch ban hành nhiều quy định riêng để các cấp công đoàn thực hiện theo thẩm quyền, đảm bảo thống nhất, chặt chẽ.
2. Về nội dung
2.1. Khẳng định những vấn đề cơ bản về tổ chức và hoạt động công đoàn trong phần Lời nói đầu
Nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và phù hợp bối cảnh tình hình khi Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép thành lập tổ chức của người lao động trong doanh nghiệp không thuộc hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam, Lời nói đầu của Điều lệ được nghiên cứu biên tập và sắp xếp lại theo hướng có tính khái quát, tính hệ thống và tính khoa học, làm nổi bật vị trí, vai trò, tính chất, chức năng của Công đoàn Việt Nam, tạo nên sự khác biệt so với các tổ chức của người lao động khác; tiếp tục khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được tổ chức thống nhất từ trung ương đến cơ sở; là thành viên của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, luôn gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết quốc tế, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
2.2. Bổ sung những vấn đề cơ bản về đoàn viên công đoàn (Điều 1, 2, 3)
- Trong nhiệm kỳ 2023-2028, khung khổ pháp lý cho phép tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động không thuộc hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam. Với vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, Công đoàn Việt Nam có trách nhiệm thu hút, tập hợp đông đảo công nhân lao động vào tổ chức công đoàn. Điều lệ Công đoàn Việt Nam cần thiết phải xác định rõ đối tượng, điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam, trên cơ sở vẫn kế thừa quy định của Điều lệ hiện hành và có biên tập, sắp xếp lại câu, từ cho gọn, chặt chẽ; đồng thời bổ sung điều kiện đối với người lao động tại thời điểm viết đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam “không là thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, để đảm bảo nguyên tắc một người lao động chỉ tham gia một tổ chức đại diện của người lao động.
- Sửa đổi quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 2 Dự thảo Điều lệ: “h. Được tạm dừng sinh hoạt công đoàn và đóng đoàn phí khi bị tạm hoãn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc”, để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
- Với mục tiêu xây dựng Công đoàn Việt Nam là trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước trong tình hình mới, cần thiết phải quy định rõ hơn về quyền của đoàn viên, đồng thời rà soát lược bỏ những nội dung không khả thi hoặc chỉ khả thi đối với đoàn viên là cán bộ công đoàn. Trên cơ sở này, đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề như sau: Bỏ quy định về đoàn viên ưu tú được ưu tiên xét vào học tại các trường, lớp do công đoàn tổ chức; bỏ quy định đối với đoàn viên được nghỉ sinh hoạt công đoàn khi nghỉ hưu; bỏ quy định được công đoàn cơ sở nơi làm thủ tục về nghỉ và công đoàn địa phương nơi cư trú giúp đỡ khi có khó khăn và được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí, ban liên lạc hưu trí do công đoàn hỗ trợ, bởi thực tiễn các quy định này không còn phù hợp, không khả thi.
- Bổ sung quy định “Đoàn viên đã nghỉ hưu, nếu tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động và có nguyện vọng thì được ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét tiếp tục là đoàn viên công đoàn”, vì trong thực tiễn đã có nhiều người lao động khi nghỉ hưu vẫn có nhu cầu được hợp đồng làm việc với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và có nguyện vọng tiếp tục được tham gia công đoàn.
- Sửa đổi quy định khi đoàn viên xin ra khỏi tổ chức công đoàn hoặc đoàn viên bị kỷ luật khai trừ nếu có nguyện vọng gia nhập lại Công đoàn Việt Nam, theo đó quy định cụ thể: “Đoàn viên đã xin ra khỏi tổ chức công đoàn, nếu có đơn gia nhập lại Công đoàn Việt Nam thì ban chấp hành công đoàn cấp cơ sở xem xét kết nạp lại. Trường hợp đoàn viên bị kỷ luật khai trừ, nếu có đơn xin gia nhập lại thì do công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét kết nạp lại”, để đảm bảo chặt chẽ và có tính nguyên tắc (tại điểm d khoản 1 Điều 3).
- Sửa đổi quy định về thẻ đoàn viên theo hướng chỉ quy định về nguyên tắc trong Điều lệ, việc phát thẻ, quản lý, sử dụng thẻ đoàn viên thực hiện theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
2.3. Bổ sung có hệ thống về cán bộ công đoàn (Điều 4, 5, 6)
Dự thảo Điều lệ bổ sung 3 vấn đề quan trọng:
- Bổ sung quy định về tiêu chuẩn cán bộ công đoàn, là người trung thành với Tổ quốc và tổ chức Công đoàn Việt Nam, hết lòng phục vụ đoàn viên, người lao động, nghiêm chỉnh thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Công đoàn Việt Nam, có trình độ, năng lực, kỹ năng vận động người lao động, có sức khỏe, uy tín, bản lĩnh, tâm huyết thực hiện nhiệm vụ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
- Bổ sung quyền của cán bộ công đoàn được bảo vệ trước hành vi phân biệt đối xử vì lý do hoạt động công đoàn; bổ sung trách nhiệm của cán bộ công đoàn trong thực hiện các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động, trách nhiệm học tập nâng cao trình độ mọi mặt và rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân và trách nhiệm trong quản lý tài chính, tài sản công đoàn.
- Bổ sung quy định về miễn nhiệm, từ chức cán bộ công đoàn, làm cơ sở giải quyết kịp thời khi có trường hợp cán bộ công đoàn mất uy tín, không được đoàn viên tín nhiệm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật.
2.4. Hoàn thiện về nguyên tắc tổ chức và hệ thống tổ chức công đoàn (Chương II)
Dự thảo Điều lệ tiếp tục giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam; tiếp tục thực hiện mô hình công đoàn 4 cấp, kết hợp chặt chẽ hơn giữa công đoàn địa phương và công đoàn ngành; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung một số quy định về đại hội, hội nghị công đoàn, ban chấp hành, Đoàn Chủ tịch, ban thường vụ công đoàn các cấp; quy định về Thường trực Đoàn Chủ tịch, thường trực ban thường vụ công đoàn các cấp cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Một số nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:
- Bổ sung mô hình nghiệp đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, góp phần đa dạng hoá hình thức tập hợp người lao động tự do hợp pháp có việc làm phi chính thức vào tổ chức Công đoàn Việt Nam, nhằm chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động khu vực phi chính thức (tại điểm đ, khoản 3, Điều 9).
- Sửa đổi quy định về người không đủ tư cách đại biểu từ hình thức kỷ luật “khiển trách trở lên” thành “cảnh cáo hoặc kéo dài thời hạn nâng lương trở lên” (tại khoản 5, Điều 10) để tương thích với các quy định hiện hành và sát hợp thực tiễn.
- Bổ sung nhiệm vụ của hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể về góp ý kiến vào văn kiện đại hội công đoàn cấp trên (tại điểm b, khoản 2, Điều 11).
- Sửa đổi về nguyên tắc, hình thức bầu cử để phù hợp với quy định về bầu cử trong Đảng, gồm: Sửa đổi quy định về “Ban bầu cử” thành “Ban kiểm phiếu”; sửa đổi quy định về cách tính kết quả bầu cử, từ việc tính trên “tổng số phiếu thu về” sang tính trên “tổng số đại biểu triệu tập” (tại khoản 2, khoản 3, Điều 12).
- Sửa đổi quy định “ban chấp hành lâm thời” thành “ban chấp hành được chỉ định”, để linh hoạt, phù hợp thực tiễn (tại khoản 2, Điều 13).
- Sửa đổi quy định về tỷ lệ bầu bổ sung ban chấp hành trong nhiệm kỳ, theo hướng chỉ quy định tỷ lệ bầu bổ sung trong nhiệm kỳ đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên và phải đúng cơ cấu; không quy định tỷ lệ bầu bổ sung trong nhiệm kỳ đối với công đoàn cấp cơ sở[1]; đồng thời bổ sung quy định trường hợp đặc biệt, do công đoàn cấp trên trực tiếp chỉ định, để linh hoạt trong xử lý khi có tình huống cụ thể (tại khoản 5, Điều 13).
2.5. Bổ sung quan trọng về công đoàn cấp cơ sở (Chương III)
- Quy định những nội dung mang tính nguyên tắc đối với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp khi có nguyện vọng gia nhập Công đoàn Việt Nam. Các vấn đề về điều kiện, trình tự, thủ tục gia nhập hoặc liên kết hoạt động, giao cho Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quy định chi tiết để thực hiện.
- Sắp xếp lại các nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cấp cơ sở theo thứ tự ưu tiên thực hiện nhiệm vụ cốt lõi từng loại hình công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn cơ sở.
- Sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của nghiệp đoàn cơ sở phù hợp với điều kiện, tình hình mới, như bổ sung nhiệm vụ đối thoại, thương lượng; kiến nghị với chính quyền, các cơ quan đảm bảo việc làm, thu nhập cho đoàn viên.
2.6. Hoàn thiện về tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (Chương IV)
- Dự thảo Điều lệ đã làm rõ đối tượng tập hợp của từng loại hình công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nhằm hạn chế sự chồng chéo trong hoạt động.
- Dự thảo Điều lệ sửa đổi điều kiện thành lập công đoàn ngành địa phương không nhất thiết phải có công đoàn ngành trung ương, tạo hành lang mở, linh hoạt khi có nguyện vọng của đoàn viên, người lao động về hoạt động công đoàn ngành nghề tại địa phương.
- Dự thảo Điều lệ làm rõ loại hình công đoàn tổng công ty, tập đoàn kinh tế (gồm công đoàn tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước và công đoàn tổng công ty, tập đoàn kinh tế ngoài khu vực nhà nước). Bổ sung quy định về nguyên tắc thành lập, giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn tổng công ty, tập đoàn kinh tế ngoài khu vực nhà nước và giao cho Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn chi tiết.
2.7. Những thay đổi lớn về liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, công đoàn ngành trung ương và tương đương (Chương V)
- Sửa đổi, bổ sung quy định về các thiết chế văn hóa, thể thao của tổ chức công đoàn để phù hợp với chủ trương xây dựng thiết chế của tổ chức công đoàn hiện nay tại tỉnh, thành phố.
- Sửa đổi, bổ sung quy định đối với công đoàn ngành trung ương đại diện người lao động trong ngành để thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành theo quy định của pháp luật; sửa đổi cụm từ “thuộc ngành” thành “cùng ngành nghề” là cơ sở mở rộng phạm vi hoạt động công đoàn ngành và thực hiện mô hình công đoàn ngành xuyên suốt, hiệu quả, tương thích với xu hướng quốc tế hoạt động công đoàn theo ngành nghề.
2.8. Bổ sung nhiệm vụ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Chương VI)
Dự thảo Điều lệ bổ sung nhiệm vụ đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành quy định khung về nguyên tắc, nội dung, phương thức hoạt động, mối quan hệ công tác giữa công đoàn ngành trung ương và tương đương với liên đoàn lao động cấp tỉnh trong chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn hoạt động công đoàn theo ngành nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố, để tạo sự thống nhất, đồng bộ (tại khoản 6, Điều 33)./.
Quang Minh (tổng hợp)