Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn Thủ đô sau tiếp quản
Công tác tiếp quản và bảo đảm an ninh trật tự những ngày đầu của Thủ đô và vùng rộng lớn ở Hà Đông, Sơn Tây mới được giải phóng đã được tiến hành tốt dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Thành uỷ, Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính địa phương và sự nỗ lực phi thường của cán bộ chiến sỹ Công an, lần đầu tiên quản lý an ninh trật tự trên địa bàn lớn mới giải phóng có nhiều phức tạp về kinh tế xã hội.
Các lực lượng tiếp quản đã kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của địch, bảo vệ máy móc, tài sản, tài liệu, phương tiện; ngăn chặn những âm mưu khủng bố, phá hoại của địch. Lực lượng công an tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời nghiêm trị số cầm đầu ổ nhóm lưu manh, vận động quần chúng thu hồi vũ khí, chất cháy, chất nổ, quản lý giao thông, nắm tình hình ngoại kiều, chống các hoạt động gián điệp của địch. Đối với số công an, cảnh sát, mật thám của chế độ cũ, sau khi giáo dục chính sách của Đảng và Chính phủ, có thể tổ chức cho họ làm bản tự báo, nộp hồ sơ tài liệu, tài sản và vũ khí còn cất giữ; tạm thời phân loại, thu dụng lực lượng cảnh sát; đối với những tên gián điệp, mật vụ, cơ yếu, mật mã… sau khi học tập, cơ quan công an áp dụng các biện pháp quản lý hoặc cho về làm ăn, tích cực lập công theo khả năng của họ.
Tiếp quản Ty Cảnh sát thành phố, nay là Trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm (Ảnh tư liệu)
Sau gần 3 tháng kể từ ngày tiếp quản (10/10/1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng, với nhiệt tình cách mạng của cán bộ và nhân dân Thủ đô, tình hình thành phố đã ổn định, đời sống nhân dân và mọi hoạt động xã hội trở lại bình thường.
Ngày 01/01/1955, nhân dân Hà Nội tổ chức mít tinh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử để chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ về lại Thủ đô sau gần 10 năm kháng chiến thắng lợi. Đây là cuộc mít tinh lớn của nhân dân Thủ đô và các lực lượng vũ trang với hơn 20 vạn người tham dự.
Sở Công an Hà Nội đã xây dựng và triển khai kế hoạch cho công tác bảo vệ cuộc mít tinh lịch sử này. Lực lượng cảnh sát phối hợp với quân đội bảo vệ các tuyến đường ra vào nội thành, các điểm tập kết quần chúng, bảo vệ khu vực quảng trường Ba Đình. Lực lượng trinh sát bí mật đã khẩn trương điều tra nghiên cứu và quản lý các đối tượng trọng điểm ngăn ngừa các hành vi phá hoại có thể xảy ra. Lần đầu tiên bảo vệ cuộc mít tinh lớn với bao bỡ ngỡ, nhưng bằng tinh thần trách nhiệm cao, Sở Công an Hà Nội đã có kế hoạch bảo vệ hết sức chu đáo, khoa học. Các phương án khác như bảo đảm phòng cháy chữa cháy, trật tự giao thông, phòng ngừa tai nạn thương tích…. đã được thực hiện đồng bộ hiệu quả. Đây là kế hoạch bảo vệ lớn nhất của Công an Hà Nội sau ngày giải phóng Thủ đô, để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ như: sự phối hợp giữa lực lượng công an và quân đội trong quá trình xây dựng và thực hiện các phương án; khâu hướng dẫn các cơ sở chọn cử thành phần mít tinh; khâu cử người phụ trách các nhóm, khối quần chúng; công tác bảo vệ ở các địa điểm tập kết, bảo vệ các tuyến đường ra vào nội thành, các phố phường và các cơ quan xí nghiệp phía sau khu vực mít tinh…
Tại buổi lễ, Hồ Chủ tịch khen ngợi và tặng Huy hiệu của Người cho 4 cán bộ có nhiều thành tích xuất sắc. Khi kết thúc buổi lễ, Bác Hồ đã đến gặp gỡ tiểu đội phòng cháy, chữa cháy đang làm nhiệm vụ tại đây. Bác bắt tay từng người và thân mật nói, Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp.
Buộc phải rút quân vào miền Nam, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư theo chúng để tạo thực lực, phá hoại hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, làm chỗ dựa cho chiến tranh xâm lược và chuẩn bị cho kế hoạch “Bắc tiến”.
Tiếp quản nhà tù Hỏa Lò (Ảnh tư liệu)
Quán triệt chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thành uỷ Hà Nội chỉ thị cho ngành công an: “Phải hướng dẫn các ngành, các cấp theo dõi các tổ chức phản động và phải đi sâu khám phá ra các tổ chức di cư”[1]. Lực lượng công an Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây đã sớm nhận thức âm mưu địch nên đã triển khai kế hoạch đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam. Một mặt, công an đã huy động một lực lượng đông đảo cán bộ chiến sĩ vào công tác tuyên truyền, giải thích cho đồng bào hiểu rõ chính sách đúng đắn của ta như chính sách đối với những người trước đây tham gia ngụy binh, chính sách đối với giáo dân, chính sách đối với công chức, giáo viên và trí thức, chính sách đối với những nhà công thương nghiệp… được giải thích rõ ràng và được đồng bào đón nhận, vạch trần luận điệu tuyên truyền phản động của địch, từ đó vận động đồng bào yên tâm ở lại quê hương xây dựng cuộc sống mới; mặt khác, ta đã dựa vào sự giác ngộ của quần chúng, điều tra, phân loại đối tượng để thực hiện đối sách.
Tại Hà Đông và Sơn Tây, cuộc đấu tranh chỗng địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam cũng điễn ra quyết liệt. Từ tháng 7/1954 đến tháng 2/1955 và từ tháng 3/1955 đến tháng 6/1955 là những đợt cao điểm, đối phương khi trắng trợn, lúc ngấm ngầm cưỡng ép, dụ dỗ đồng bào ta di cư vào Nam. Các cấp uỷ Đảng đã chi đạo các ban, ngành đoàn thể, chính quyền trong đó có lực lượng công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao cảnh giác về âm mưu, thủ đoạn của địch. Ty Công an Hà Đông và Ty Công an Sơn Tây cử cán bộ tham gia các đội công tác xuống cơ sở vận động nhân dân bình tĩnh, không nghe lời lừa phỉnh, dụ dỗ của địch. Cán bộ tham gia công tác đều thực hiện “ba cùng” với nhân dân để nắm tâm tư, nguyện vọng cụ thể của dân, tổ chức lực lượng canh gác giữ gìn trật tự trị an, xây dựng các đoàn thể quần chúng ở thôn, xã.
Trong quá trình đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam, cán bộ chiến sĩ công an Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây đã nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của địch, quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, đi đúng đường lối quần chúng, kiên quyết trấn áp những phần tử phản động lợi dụng tôn giáo dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam. Hàng triệu đồng bào đã tin tưởng vào Đảng, Chính phủ, yên tâm ở lại xây dựng quê hương.
Trong những tháng đầu sau tiếp quản (từ tháng 8/1954 đến cuối năm 1955), Công an Thủ đô Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây đã nhanh chóng ổn định tổ chức, củng cố lực lượng, tiến hành đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn. Lực lượng công an đã thực hiện đồng bộ các chức năng: tham mưu cho cấp uỷ Đảng và chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự; trực tiếp chiến đấu phòng chống tội phạm, hướng dẫn các ngành và nhân dân bảo vệ trị an, bảo mật phòng gian. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây cơ bản ổn định. Trên cơ sở đó, Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy Hà Đông, Sơn Tây đã lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ của thời kỳ khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện xây dựng Thủ đô và miền Bắc thành hậu phương vững chắc cho cách mạng cả nước.
Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, tiếp quản Thủ đô là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự tham gia và cố gắng của nhiều lực lượng. Với kinh nghiệm hoạt động, chiến đấu từ khi thành lập, lực lượng công an Hà Nội đã giữ vai trò hết sức quan trọng đối với việc tiếp quản thành phố Hà Nội, trung tâm đầu não của đất nước.
Cùng với những lực lượng khác và quần chúng yêu nước, lực lượng công an Hà Nội đã nhanh chóng khôi phục và giữ gìn trật tự, an ninh, góp phần xây dựng niềm tin tưởng, phấn khởi của nhân dân đối với chế độ mới, đảm bảo điều kiện an toàn đón Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về lại Thủ đô sau 8 năm lên chiến khu lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Thái Trần
[1] Nghị quyết số 185 ngày 29/9/1955 của Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội về công tác vận động chống địch cưỡng ép, dụ dỗ đồng bào di cư.