Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 3 lần về thăm Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) và có những lời dạy quý báu dành cho các thế hệ sinh viên và giảng viên của Nhà trường. Những lời dạy của Người về việc "học để phục vụ Tổ quốc", "học phải đi đôi với hành", "yêu nước là học", đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động giáo dục và phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Tổng hợp Hà Nội
Trường Đại học Quốc gia Việt Nam được thành lập trên cơ sở Đại học Đông Dương, khai giảng khoá đầu tiên vào ngày 15/11/1945 dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực đầu tiên được thành lập dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ngày 04/6/1956, Chính phủ thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là trường đại học khoa học cơ bản (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn) đầu tiên ở miền Bắc sau hoà bình lập lại. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trực tiếp kế thừa truyền thống và cơ sở vật chất, kỹ thuật của Đại học Đông Dương (1906), Trường Đại học Quốc gia Việt Nam (1945) và Trường Khoa học Cơ bản (1951).
Với tầm nhìn chiến lược, Đảng và Nhà nước ta đã xác định giáo dục và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu. Theo phương châm đó, ngày 14/01/1993, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa VII) ra Nghị quyết, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ “Xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia” [1] để làm đầu tàu và nòng cột cho giáo dục đại học nước nhà. Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được thành lập với vai trò và sứ mệnh đó.
Ba lần Bác Hồ về thăm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
Ngày 23/5/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch K.E.Vorosilov (Liên Xô) thăm Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong chuyến thăm này, Bác Hồ đã có những phát biểu quan trọng về vai trò của giáo dục và tri thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cán bộ, sinh viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Người nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nhân tài cho đất nước, cũng như việc phát triển tư tưởng cách mạng và lòng yêu nước trong sinh viên. Người nhắc nhở thầy và trò Nhà trường đại học phải cố gắng dạy và học để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Chuyến thăm này không chỉ thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo hai nước đối với giáo dục, mà còn góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô. Trước lúc ra về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt nhịp hát bài “Kết đoàn” tiễn chào Chủ tịch .E.Vorosilov.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (thứ hai từ trái qua) tại Lễ khai giảng Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15/11/1945 tại giảng đường lịch sử số 19 Lê Thánh Tông (Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội)
Năm 1959, Trường Đại học Tổng hợp vinh dự được 02 lần đón Bác Hồ đến thăm.
Tháng 3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống R. Prasad (Ấn độ) đến thăm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong chuyến thăm, Bác Hồ đã có bài phát biểu trước 5.000 cán bộ và sinh viên nhà trường. Bác động viên, khuyến khích sinh viên không chỉ học để tiếp thu kiến thức mà còn phải ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ cho nhân dân và Tổ quốc. Người căn dặn: “Học phải đi đôi với hành, giáo dục phải đi đôi với lao động” [2].
Tại đây, Tổng thống R. Prasad bày tỏ sự quan tâm đối với sự phát triển giáo dục ở Việt Nam và khẳng định mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Ngày 26/6/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống A. Sukarno (Indonesia) tới dự cuộc mít tinh chào mừng của sinh viên các trường đại học và một số trường trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông tổ chức tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Trong chuyến thăm, Bác Hồ nhắc lại những điều “Bác Cácnô” đã căn dặn sinh viên: “tương lai của loài người một phần lớn là ở trong các cháu thanh niên - tức là các cháu là chủ nhân, là ông chủ, bà chủ tương lai của trái đất. Nhưng muốn cho xứng đáng với ông chủ, bà chủ thì phải làm thế nào? Không phải cứ ngồi khoanh tay sẽ là ông chủ, bà chủ, mà:
1.Phải đoàn kết chặt chẽ.
2. Cố gắng học tập cho tốt.
3. Phải lao động cho tốt.
4. Vượt mọi khó khăn để mà chiến thắng, để hưởng thụ tất cả những khoa học, những hiểu biết của thời đại thế kỷ thứ XX”.
Cuối cùng, Người thay mặt sinh viên Việt Nam gửi đến các bạn thanh niên và các bạn học sinh, sinh viên Indonesia “tất cả tình hữu nghị thắm thiết và ý chí thi đua xã hội chủ nghĩa của thanh niên và sinh viên Việt Nam”[3].
Những chuyến thăm của Bác Hồ cùng lãnh đạo cấp cao các nước, thể hiện sự gắn kết, tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước; đồng thời, thể hiện nhất quán chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về xây dựng nền giáo dục phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: không chỉ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, mà còn chú trọng bồi dưỡng nhân tài – nguồn chất lượng cao để hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam.
Đại học Quốc gia Hà Nội phát huy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Trường đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Đầu tư thích đáng cho giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao…. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp trình độ tiến tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế” [4].
(Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội)
Để thực hiện chủ trương của Đảng, ĐHQGHN phấn đấu trở thành đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, đạt các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; phấn đấu đến năm 2025, ĐHQGHN thuộc nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á hoặc nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới; đến năm 2030 thuộc nhóm 300 đại học hàng đầu thế giới.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu, ĐHQGHN tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp sau:
Thứ nhất, Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước
Tiên phong trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực tài năng, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực đất nước có nhu cầu trong khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại có mức độ sẵn sàng cao;
Đổi mới căn bản phương pháp giảng dạy, theo hướng hiện đại, tích hợp, “cá thể hóa” trên nền tảng công nghệ thông tin, lấy người học làm trung tâm, gắn lý thuyết với thực hành, thực nghiệm; Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, khuyến khích các nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Việc tạo ra môi trường học tập năng động, sáng tạo đã giúp sinh viên và giảng viên ĐHQGHN phát huy hết tiềm năng của mình.
Thứ hai, Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo lập và phát triển tiềm lực khoa học công nghệ để chuyển giao tri thức và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Đại học Quốc gia Hà Nội luôn chú trọng việc phát triển nghiên cứu khoa học thể hiện trách nhiệm quốc gia, đặc biệt là các nghiên cứu ứng dụng vào thực tế đời sống, phục vụ phát triển đất nước. Những nghiên cứu không chỉ giúp nâng cao năng lực học thuật, mà còn góp phần vào giải quyết những vấn đề thực tiễn mà xã hội và đất nước đang đối mặt;
Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt tiêu chí của đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; Phát triển một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển bền vững; Thiết lập được hệ sinh thái nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, tổ chức.
Thứ ba, Nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội và thu hút các nguồn lực cho phát triển
Đại học Quốc gia Hà Nội đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học với các trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế, qua đó, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học có giá trị;
Thiết lập mô hình tổ chức và quản trị đại học thông minh đáp ứng hội nhập quốc tế và xếp hạng đại học. Thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong mọi hoạt động của Đại học Quốc gia Hà Nội; vận hành thống nhất và đồng bộ hệ thống dữ liệu số - thông tin số - tri thức số dùng chung, liên thông phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản trị, chỉ đạo, điều hành và đổi mới hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học;
Phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên, cán bộ khoa học trình độ cao phù hợp với tiêu chí đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; Thu hút nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế trong giảng dạy và nghiên cứu.
Thứ tư, Xây dựng văn hóa học tập và phát triển con người toàn diện
Lời dạy của Hồ Chí Minh về việc "học không chỉ là học kiến thức, mà còn học làm người" đã được Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện qua việc xây dựng một môi trường học tập không chỉ tập trung vào học thuật, mà còn chú trọng đến phát triển phẩm chất, đạo đức và năng lực mềm của sinh viên. Các hoạt động ngoại khóa, các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao được tổ chức để sinh viên rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng lãnh đạo.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang phát triển mạnh mẽ và bền vững theo hướng hiện đại, chất lượng cao, gắn liền với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát huy sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn lực, phát huy tinh thần cộng đồng và uy tín, Đại học Quốc gia Hà Nội không ngừng nỗ lực để đào tạo nguồn cán bộ có năng lực chuyên môn cao, tinh thần trách nhiệm với xã hội, những thế hệ sinh viên có trình độ cao, đủ năng lực và phẩm chất để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đăng Trị
________________________
[1] Nghị quyết số 04 - NQ/HNTW Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng (khoá VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, ngày 14/01/1993.
[2] Báo Nhân dân, số 1836, ngày 25/3/1959.
[3] Báo Nhân dân, số 1929, ngày 27/6/1959 và Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr. 246-247.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.