Chiến thắng lịch sử 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” từ ngày 18 đến ngày 30/12/1972 đã viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng; là biểu tượng sáng ngời của ý chí quật cường dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng này đóng vai trò quyết định trực tiếp buộc chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27/01/1973) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam
Cuổi năm 1972 chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” bị phá sản sau những thất bại liên tiếp, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam với biểu thời gian ngày 20/10 ký tắt tại Hà Nội và ngày 26/10 lễ ký kết hiệp định chính thức giữa 4 bên (Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa) tại Paris.
Tuy nhiên, sau đó Nhà Trắng kéo dài thời gian, trì hoãn kỷ kết với mục đích tranh thủ những lá phiếu tín nhiệm dành cho Nixon trong bầu cử Tổng thống. Sau khi tái đắc cử (8/11/1972), Nixon đã bội ước, lên kế hoạch leo thang phá hoại Bắc Việt Nam bằng máy bay ném bom chiến lược B-52.
Ngày 14/12/1972, Nixon phê chuẩn kế hoạch tập kích mật danh Line Backer II với quy mô lớn nhất đánh phá ác liệt Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã khác nhằm tàn phá và răn đe Bắc Việt Nam, gây sức ép buộc ta phải hạ thấp một số điều khoản trong đàm phán; trấn an chính quyền Sài Gòn; để Mỹ rút quân trên thế mạnh và đây là những cố gắng quân sự cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam. Mỹ tin rằng “siêu pháo đài bay bất khả chiến bại B-52” sẽ đưa Bắc Việt Nam quay về thời kỳ đồ đá và một số báo chí Mỹ đã vội tung tin, phác họa bức tranh hãi hùng “Hà Nội sẽ là một khu vực chết” nhưng kết cục thì chúng nhận sự tổn thất nặng nề chưa từng có.
Thắng lợi của quân và dân ta là thắng lợi của ý chí quyết tâm cao độ của đất nước, con người nhưng trên hết thắng lợi của niềm tự hào, biểu tượng sáng ngời của ý chí quật cường dựng nước đi đôi với giữ nước trong lịch sử dân tộc; là bài học quý báu của tinh thần không có gì quý hơn độc lập, tự do và tài nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo, sáng tạo. Lần đầu tiên, quân và dân ta tổ chức thành công chiến dịch phòng không quy mô lỏn, tạo sự bất ngờ và nỗi kinh hoàng cho quân xâm lược Mỹ, đồng thời làm chấn động dư luận thế giới.
Pháo đài bay B-52, át chủ bài của không lực Hoa Kỳ (Ảnh tư liệu)
Thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quật cường của đất nước, dân tộc, con người Việt Nam trước sức mạnh vũ khí, phương tiện kỹ thuật của Mỹ
Thắng lợi đã gợi cho chúng ta nhớ tới một câu trong Kinh Thánh “sự thông minh cao hơn mọi thứ vũ khí”. Bởi so sánh lực lượng giữa ta và Mỹ lúc đó là một sự chênh lệch lớn, cán cân sức mạnh vật chất, kỹ thuật nghiêng hẳn về phía Mỹ. Máy bay B-52 khi đó từng được quảng cáo là siêu pháo đài bay thượng đẳng bất khả xâm phạm, là niềm kiêu hãnh của không lực Hoa Kỳ; là sản phẩm hội tụ những thành tựu kỳ diệu nhất của nền công nghiệp hàng đầu thế giới; là thứ vũ khí linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược (tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược) của Mỹ.
Máy bay B-52 trút bom như mưa, tiếng bom rơi xé nát không khí, gầm rít ghê rợn như dông bão. Một tốp 3 chiếc máy bay B-52 sẽ biến một khu vực rộng 2 km2 thành bình địa. Đối phương sẽ bị hủy diệt về quân sự, khiếp đảm về tinh thần và họ cảm thấy hoàn toàn bất lực trước sức mạnh tàn phá ghê gớm của máy bay B-52 mà không có cách gì chống đỡ nổi.
Trong cuộc tập kích đường không này, Mỹ đã huy động tối đa sức mạnh bao gồm gần 1/2 số máy bay chiến lược B-52 (193/400 chiếc, thực tế xuất kích 663 lần chiếc), gần 1/3 số máy bay chiến thuật (999/3.041 chiếc, thực tế xuất kích 3.920 lần chiếc), 1/4 sổ tàu sân bay (6/24 chiếc) cùng một số lượng lớn máy bay phục vụ như tiếp dầu trên không, gây nhiễu điện tử, trinh sát, chỉ huy, dẫn đường, liên lạc… và một sổ lượng lớn tàu khu trục, tàu tên lửa, tàu ra-đa, tàu bảo vệ, tàu cấp cứu... của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương. Lực lượng được Mỹ huy động bằng tổng lực lượng không quân của 3 nước mạnh nhất châu Âu hồi đó là Anh, Đức, Pháp gộp lại.
Thế nhưng với bản lĩnh, trí tuệ và ý chí quật cường, chúng ta đã giáng cho không lực Mỹ đòn thảm bại với 81 máy bay các loại bị bắn hạ trong đó có 34 chiếc máy bay B-52.
Thẳng lợi của ý chí quyết tâm dám đánh, biết đánh, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược
Nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, trước âm mưu thâm độc của kẻ thù và diễn biến tình hình chúng ta luôn chủ động, giữ vững ý chí quyết tâm dám đánh, biết đánh, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Ngay từ những năm 1960, dự kiến âm mưu và hành động chiến tranh của Mỹ, trên bước đường cùng có thể chúng sẽ leo nấc thang cao nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng máy bay B-52; Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa máy bay B-52 đánh ra Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”. Người nhấn mạnh: Phải dự kiến trước hết mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian chuẩn bị bởi “trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng; ở Việt Nam Mỹ nhất định sẽ thua nhưng chúng chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Tháng 6/1972, Bộ Chính trị họp đã ra Nghị quyết nhấn mạnh “Đế quốc Mỹ đã trắng trợn gây lại chiến tranh phá hoại trên miền Bắc nước ta với mức độ quyết liệt hơn nhiều so với trước. Nhân dân ta phải luôn luôn vững vàng, phải tiếp tục chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống”.
Ngày 24/11/1972, sau khi phê duyệt Kế hoạch đánh máy bay B-52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của quân chủng Phòng không - Không quân, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trực tiếp ra lệnh “phải hoàn thành mọi công tác chuẩn bị trước ngày 03/12/1972” và chỉ thị: “Trước và sau ngày Richard Nixon nhận chức Tổng thống, Mỹ có thể tập kích bằng không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng. Các đồng chí phải nắm địch thật chắc. Tuyệt đối không để bị bất ngờ, phải tập trung mọi khả năng nhằm đúng đối tượng máy bay B-52 mà tiêu diệt”.
Trên cơ sở những nhận định và sự chỉ đạo sáng suốt của Bộ chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, quân ta đã sớm xây dựng, triển khai kế hoạch chiến dịch đánh trả cuộc tập kích đường không bằng máy bay B-52 của Mỹ; chủ động biên soạn các tài liệu hướng dẫn cách đánh máy bay B-52; tổ chức điều chỉnh đội hình, triển khai sở chỉ huy các cấp, huấn luyện các kíp chiến đấu, giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng quyết tâm, bảo đảm vũ khí, khí tài, cơ sở vật chất... chặt chẽ từ trên xuống dưới và hoàn thành đúng thời gian quy định. Đồng thời, qua phân tích, tổng hợp các nguồn thông tin đầu tháng 12/1972, chúng ta đã đi đến nhận định “Việc máy bay B-52 đánh vào Hà Nội chỉ còn là ngày một ngày hai”. Quân đội Mỹ dù hiện đại đến đâu cũng không sao tránh khỏi những sơ hở và lộ liễu.
Ngày 16/12, quân báo của ta nắm được tin 2 tàu sân bay Mỹ tiến vào biển Đông, nâng tổng số tàu sân bay ở đây lên 6 chiếc; nhiều máy bay tiếp dầu trên không KC-135 được bổ sung đến Philippin.
Ngày 18/12, lúc 10:15 và 11:46, 2 máy bay không người lái trinh sát Hà Nội, Hải Phòng, điện về căn cứ “thời tiết bảo đảm cho không quân hoạt động”. Lúc 12.00, 32 chiếc máy bay B-52 đã cất cánh từ Gu-am. Trực ban Ra-đa tổng hợp tình hình trong ngày 18/12 thấy hoạt động của không quân địch giảm đột ngột; trừ 2 máy bay trinh sát Hà Nội, Hải Phòng, không phận Bắc vĩ tuyến 20 hoàn toàn yên tĩnh. Tổng hợp các nguồn tin, các dấu hiệu đó, chúng ta đi đến khẳng định chắc chắn đêm 18/12 địch sẽ đánh lớn vào Hà Nội, leo nấc thang cao nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng máy bay B-52. Và như vậy, quân dân ta đã hoàn toàn giành thế chủ động, không bị bất ngờ trước đòn tập kích của địch.
Máy bay B-52 bị bắn rơi tại Phù Lỗ, Đông Anh, Hà Nội (Ảnh tư liệu Bảo tàng Phòng không - Không quân)
Thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam trước không lực Hoa Kỳ có vũ khí trang bị hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ
Đây là thắng lợi của nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân với hình thức mới - chiến tranh nhân dân đất đối không; là chiến thắng của nghệ thuật sử dụng lực lượng, bày binh bố trận, cơ động tác chiến nhằm phát huy cao độ khả năng chiến đấu của các lực lượng, tạo thành sức mạnh tổng hợp đón đánh máy bay của kẻ thù trên mọi hướng, từ xa đến gần.
Bộ đội cao xạ, các đơn vị phòng không nhân dân và các tổ đội bộ binh đón lõng thì tập trung đánh máy bay bay thấp để tránh sự phát hiện của ra đa để bảo vệ những mục tiêu trọng yểu. Các đơn vị tên lửa được ưu tiên để tiêu diệt pháo đài bay B-52. Bộ đội Ra đa vượt qua mọi trở ngại với khẩu hiệu hành động “vạch nhiễu tìm thù” chỉ thị cho tên lửa và máy bay MiG của ta xuất kích đã trở thành huyền thoại trong đánh Mỹ. Không quân với cách đánh du kích, dùng tốp nhỏ, chiếc lẻ xông thẳng vào đội hình dày đặc máy bay tiêm kích bảo vệ máy bay B-52, buộc chúng phải quay ra đối phó, đội hình bay rối loạn, để lộ máy bay B-52 tạo điều kiện cho tên lửa tiêu diệt...Vỉệt Nam đã phát huy được sức mạnh phòng không nhân dân tạo nên lưới lửa dày đặc, nhiều tầng, nhiều nấc, không cho máy bay địch chạy thoát. Từ xa đến gần, trên mọi tầng cao, cả chính diện, bên sườn, phía sau, máy bay địch luôn bị hệ thống hỏa lực phòng không dày đặc được ví như “rồng lửa Thăng Long” vây chặt.
Hà Nội linh thiêng và hào hoa trở thành “Thăng Long chiến địa”, là vùng chết của kẻ thù; đúng như John P. McConnell, Tham mưu trưởng không quân Mỹ trong những năm 1965-1969, thú nhận “Lực lượng phòng không của Bắc Việt là đáng sợ nhất và hoàn chỉnh nhất mà phi công Mỹ chưa bao giờ gặp phải”. Còn thiếu tá phi công Jhon Gauder sau mấy lần thoát chết đã khiếp đảm thốt lên: “Bay vào vùng châu thổ sông Hồng, chúng tôi đã gặp phải một lưới lửa nhiều tầng, trên tất cả mọi độ cao. Bay thấp thì bị đạn cao xạ bắn. Bay độ cao trung bình thì lại bị tên lửa SAM2 và máy bay MIG truy đuổi”. Chẳng thể mà trong chiến dịch “Bão táp sa mạc” năm 1991, Mỹ cũng sử dụng máy bay B-52 oanh tạc I-rắc trong khi đó I-rắc có hệ thống ra đa, tên lửa mạnh hơn Việt Nam vào thời điểm năm 1972 nhiều lần, nhưng I-rắc không bao giờ có được 1 xác máy bay B-52 (chỉ có 1 chiếc hỏng động cơ rơi ở Ấn Độ Dương) còn ta có cả một bảo tàng chiến thắng B-52.
Với phương châm “mỗi khu phố là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ” nên ngay cả trong tiếng đạn bom rung trời, chuyển đất, trong khói lửa mịt mùng và đổ nát vẫn có những nam nữ thanh niên tiếp đạn, tải thương, thay lá ngụy trang; vẫn có các mẹ già tiếp tế đến từng khẩu đội thăm hỏi, động viên; vẫn có những nghệ sĩ xuống từng trận địa, mang lời ca tiếng hát phục vụ các chiến sĩ bên mâm pháo nóng bỏng; vẫn có những dân công không sợ hiểm nguy, xông lên trong bom đạn san lấp các hổ bom, sửa chữa các đường băng, ụ pháo, trận địa cho đạn tên lừa, đạn cao xạ của ta lại vạch trời đêm lao đi tìm diệt máy bay Mỹ.
Chỉ cần thấy thấp thoáng những cánh dù của giặc lái Mỹ rơi, lập tức hàng chục, hàng trăm người từ các hầm trú ẩn vọt ra, kẻ gậy, người dao, rầm rập kéo nhau đi như trẩy hội lùng bắt giặc lái Mỹ. Sức mạnh của sự đoàn kết, đồng lòng đã được huy động góp phần làm nên chiến thắng. Đồng thời, ờ khắp các địa phương đã tổ chức tốt hàng trăm đài quan sát từ xa đến gần, hệ thống thông báo báo động bằng còi, kẻng, loa khắp các bản làng, thôn xóm, công sở, nhà máy; tổ chức tốt việc ngụy trang, trồng cây xanh và đào công sự ven đường, dọc phố, xây dựng trận địa giả nghi binh lừa địch, sơ tán gần 30 vạn dân Hà Nội ra khỏi khu vực đánh phá trọng điểm trong trật tự, an toàn.
Không phải ngẫu nhiên báo “Thể giới” của Pháp viết “đối diện với quân đội Mỹ là cả một dân tộc kiên quyết với tinh thần dũng cảm vô song không hề biết sợ trước bất kể kẻ thù nào”. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara thừa nhận “những cuộc ném bom hủy diệt của Mỹ đã không thể nào tiêu diệt được ý chí của cả một dân tộc”. Còn Jhoreed Ival, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng của Hà Lan thì nhận xét “đã từng chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh, nhưng tôi chưa thấy ở nơi nào trên thế giới mà cả dân tộc kết thành một khối cùng đánh giặc như ở Việt Nam”. Đây chính là nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc để đánh thắng kẻ thù xâm lược, không chịu khuất phục trước máy bay B-52, trước bom đạn của đế quốc Mỹ.
Trong Chiến dịch Phòng không tháng 12/1972, chiến tranh nhân dân đất đối không được phát triển lên đến đỉnh cao, cộng với trí thông minh và ý chí quyết tâm của quân và dân ta tạo thành điểm tựa, là cái gốc của mọi sức mạnh để làm nên chiến tích oanh liệt, thần kỳ như một Điện Biên Phủ thứ hai. Đó cũng chính là biểu tượng sáng ngời của ý chí quật cường dựng nước đi đôi với giữ nước trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Đức Tiến - Đức Thương