Dấu ấn về công tác xây dựng Đảng với việc “đốt lò” chống tham nhũng
Tham nhũng được Đảng và Nhà nước ta xác định là “giặc nội xâm”. Để bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới thành công đất nước tiến nhanh, tiến mạnh lên con đường giàu mạnh, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì chống tham nhũng phải được thực hiện thành công. Thời kỳ đổi mới đất nước với sự tăng trưởng nhanh về kinh tế thì tham nhũng cũng xuất hiện là điều khó tránh khỏi, vấn đề là Đảng ta thực hiện chống tham nhũng lãng phí như thế nào.
Ngay từ Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ tháng 01/1994, Đảng ta đã nêu lên 4 nguy cơ đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trong đó có nguy cơ tham nhũng. Trong 30 năm đổi mới tiếp theo, tham nhũng ngày càng trở nên phổ biến ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực với sự tha hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, đến sự phát triển của đất nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Chính vì thế, để công cuộc đổi mới tiếp tục tiến lên, để đất nước ta tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa, công cuộc chống tham nhũng phải được phát động và đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công cuộc chống tham nhũng, từ khi được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và liên tục giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong 13 năm qua, đồng chí Nguyễn Phú Trọng chính là người đã phát động phong trào đấu tranh chống tham nhũng vô cùng mạnh mẽ, không có vùng cấm, trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, từ Trung ương đến địa phương.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương đảng đã ban hành những nghị quyết quan trọng về xây dựng Đảng với mục tiêu tập trung chống tham nhũng, lãng phí như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay năm 2012, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ năm 2016.... Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
Đồng thời với việc ban hành và lãnh đạo việc thực hiện những nghị quyết về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố các cơ quan Đảng nòng cốt trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương. Những cơ quan đó đã giúp đỡ đắc lực cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và XIII cũng ban hành hàng trăm quy định, siết chặt lại kỷ luật của Đảng, đề cao công tác nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp Trung ương và cấp địa phương, làm nền tảng cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Tổng số văn bản liên quan đến xây dựng Đảng và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí được ban hành dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên tới 250 văn bản, một con số khổng lồ.
Có thể nói, chưa bao giờ cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh như dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng lãng phí được biết đến với cái tên nôm na là “đốt lò” với câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”, đã có tác dụng củng cố kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước và lấy lại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm và do đó chưa bao giờ chúng ta thấy rằng có những cán bộ cấp cao vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước bị xử lý nhiều như dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ tính từ năm 2012 đến năm 2022, đã có 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên bị thi hành kỷ luật (trong đó có 7.390 do tham nhũng). Trong 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, có 4 ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 29 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can; truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can; xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo; xử lý hình sự 37 cán bộ diện Trung ương quản lý[1].
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và công cuộc chống tham nhũng hiện nay, không còn quan niệm “bất khả xâm phạm” đối với cán bộ cấp cao, hay quan niệm “hạ cánh an toàn” đối với những cán bộ đã nghi hưu từng có hành động tham nhũng.
Nhân dân hồ hởi, phấn khởi và bày tỏ quyết tâm ủng hộ cao độ đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng vì khi loại bỏ được cán bộ tham nhũng, thoái hóa biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống ra khỏi bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước là đất nước ta có thêm cơ hội để tiến lên giành những thắng lợi lớn hơn nữa trên con đường xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà từ “đốt lò” chống tham nhũng đã trở thành một từ phổ biến trên báo chí quốc tế như một số từ Việt Nam khác trong quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế và chính trị quốc tế. Người nước ngoài giờ đây biết rõ “dot lo” là gì, cũng giống như những từ “pho”, “banh mi” mà họ từng quen thuộc.
Như trên đã phân tích, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều dấu ấn, đặc biệt là trong 13 năm trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có hai dấu ấn đậm nét là thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, mang lại cơ hội phát triển mạnh mẽ mới cho đất nước và về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đó là phát động công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng, củng cố Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành người lãnh đạo thực sự xuất sắc, có uy tín, tiếp tục đưa nhân dân Việt Nam tiến lên trên con đường xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, tiến tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2030 và 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2045.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi về với thế giới người hiền, nhưng những dấu ấn của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trong đó có hai dấu ấn về ngoại giao và xây dựng Đảng nói trên, chắc chắn sẽ được lịch sử ghi nhận. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi vào lịch sử như là một trong những Tổng Bí thư xuất sắc nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng gần 100 năm qua.
Trong số các bậc vĩ nhân của Đảng và dân tộc đã đi vào lịch sử, có 3 người tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh tiêu biểu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, khai sinh đất nước Việt Nam hôm nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiêu biểu cho sự nghiệp kháng chiến bảo vệ đất nước, thống nhất đất nước, thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong tiêu biểu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Những đóng góp to lớn, xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên nhiều phương diện, trong đó có phương diện ngoại giao và trong công tác xây dựng Đảng, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí những năm vừa qua hoàn toàn xứng đáng với sự ghi nhận đó của nhân dân.
Bình Nguyễn
[1] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2023, tr. 26-27.