Ngay sau khi thành lập, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương đã bắt tay ngay vào đào tạo đội ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước, phục vụ trực tiếp sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954
Đáp ứng yêu cầu đào tạo lý luận cho cán bộ để kịp thời bổ sung nguồn cán bộ phục vụ nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc; Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu (tháng 1/1949) chủ trương: “Nâng cao trình độ chính trị và lý luận của đảng viên. Tất cả đảng viên phải học tinh thông đường lối, chính sách của Đảng”[1]; đồng thời, chủ trương mở trường trường huấn luyện cán bộ tập trung ở cấp Trung ương và các khu, tỉnh. Trên cơ sở đó, tháng 2/1949, Trung ương Đảng thành lập Trường Nguyễn Ái Quốc. Địa điểm xây dựng Trường đầu tiên là tại làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên[2].
Trong giai đoạn 1949 - 1954, do Trường mới thành lập và hoạt động nên đội ngũ giảng viên còn trong quá trình xây dựng, chưa có đội ngũ giảng viên cơ hữu. Giảng viên chủ yếu do Trung ương Đảng phân công, là các đồng chí lãnh đạo và cán bộ cao cấp của Đảng như: đồng chí Trường Chinh, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Trần Đăng Ninh, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Lê Văn Lương, đồng chí Tố Hữu.
Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ, Trường Nguyễn Ái Quốc tiến hành công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ trực tiếp phục vụ sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc”.
Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Mihn đề tặng Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, tháng 9/1949 (Ảnh tư liệu)
Mục tiêu, nội dung đào tạo
Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung - cao cấp cho Đảng và Nhà nước nên nội dung chương trình được xây dựng đảm bảo trang bị lý luận đầy đủ, toàn diện cho học viên.
Nội dung nghiên cứu, học tập được tập trung theo hai vấn đề cơ bản: (1) Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Các bài học được phân theo những nội dung về chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa duy vật biện chứng, kinh tế chính trị, những vấn đề lý luận về cách mạng vô sản, về vai trò của đảng cộng sản, sứ mệnh của giai cấp công nhân, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa... (2) Quan điểm, chủ trương, đường lối và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương/Đảng Lao động Việt Nam[3], chính sách của Chính phủ; cụ thể gồm Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Luận cương tháng 10/1930; Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ nhất (1935), lần thứ hai (1951); Chánh cương của Đảng Lao động Việt Nam; đường lối kháng chiến, kiến quốc; chính sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, đối ngoại.... (3) Vận dụng lý luận vào thực tiễn Việt Nam, cụ thể là thực tiễn để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi. (4) Huấn luyện phương pháp cách mạng, phương pháp hoạt động thực tiễn; bồi dưỡng lý tưởng, niềm tin cho học viên.
Chương trình và kết quả đào tạo
Trong giai đoạn 1949-1954, các lớp huấn luyện lý luận chính trị cán bộ cho Đảng, Nhà nước thường xuyên được mở, thay thế các khóa huấn luyện cán bộ do Trung ương mở không định kỳ ở giai đoạn trước.
Ngay trong năm 1949, Trường mở liên tiếp 2 khóa bồi dưỡng: Khóa I được mở từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 4/l949, với tổng số 40 học viên; Khóa II được mở vào tháng 9/1949, với 175 học viên[4]. Ngoài học viên là các đồng chí Khu ủy viên các khu, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh, các cán bộ cao cấp trong quân đội…; khóa II còn có nhiều đồng chí học viên được tuyển lựa từ các liên khu, các ban ngành Trung ương tham dự để chuẩn bị sang học tập, nghiên cứu tại Trung Quốc. Đây chính là sự chuẩn bị đội ngũ cán bộ chuyên trách, đội ngũ giảng viên cho Nhà trường trong giai đoạn tiếp theo.
Năm 1950, thực hiện Nghị quyết, ngày 1/5/1950 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Về cuộc vận động đào tạo cán bộ, học tập lý luận nhằm nâng cao trình độ lý luận, trình độ chính trị cho cán bộ, đảng viên và đào tạo cán bộ cho mọi ngành hoạt động của Đảng”[5]; Trường đã tổ chức các lớp cho cán bộ Trung ương học chương trình cao cấp, trong thời gian cuộc vận động diễn ra từ ngày 19-5-1950 đến ngày 19-5-1951.
Ngày 31-5-1951,Trường mở khóa học mới, tại địa điểm mới của Trường ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang - nơi diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng. Khóa học diễn ra 5 tháng rưỡi, có 222 học viên[6] gồm các cán bộ chính trị, quân sự, cán bộ công tác vùng địch tạm chiếm và vùng tự do, cả Bắc, Trung, Nam và cán bộ làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào và Campuchia. Chương trình khóa học đã có bước cải tiến, nâng cao, gồm một số quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về quy luật phát triển của xã hội, lý luận xây dựng Đảng, đường lối và những chính sách của Đảng do Đại hội đại biểu lần thứ II đề ra. Sau khi khóa học kết thúc, Trường ra tờ nội san Kinh nghiệm học tập. Tuy nội dung còn đơn sơ, hình thức giản dị, song nội san ra đời đánh dấu sự cố gắng trong việc trau dồi nghiệp vụ và trao đổi kinh nghiệm với các trường, các lớp huấn luyện khác ở các cấp khu, tỉnh, huyện.
Năm 1952, nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong nhận thức và hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên, Đảng quyết định mở cuộc chỉnh huấn trong toàn Đảng, trong quân đội, chính quyền, đoàn thể, với hình thức tập trung. Mục đích nhằm thống nhất ý chí, hành động, tập trung mọi hoạt động vào nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến kiến quốc đến thắng lợi. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Trường Nguyễn Ái Quốc chuyển đổi nhiệm vụ đào tạo đáp ứng yêu cầu mới, đó là tập trung phục vụ công tác chỉnh huấn, chỉnh Đảng. Trung ương Đảng đã mở 03 khóa chỉnh huấn tại Trường[7]:
Di tích Trường Nguyễn Ái Quốc tại Làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên
- Khóa chỉnh huấn thứ nhất tiến hành từ ngày 11/5/1952 đến tháng 8/1952, gồm hơn 200 học viên của Khu IV, công tác trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí Lê Văn Lương được Trung ương phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo khóa học. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Hồ Chí Minh, Trường - Chinh, Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Phạm Văn Đồng,… trực tiếp tham gia giảng dạy tại khóa học. Tham gia chỉ đạo khóa học chỉnh huấn, Trung Quốc cử một số cán bộ làm cố vấn chỉnh Đảng và cố vấn chính trị cho lớp học. Đồng chí Đào Nguyên Cát được Trung ương phân công giúp Ban Chỉ đạo khóa học theo dõi thường xuyên và báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình học tập, sinh hoạt của các học viên tại Trường Đảng[8].
- Khóa chỉnh huấn thứ hai tiến hành từ tháng 9/1952 đến 31/01/1953
- Khóa chỉnh huấn thứ ba tiến hành từ tháng 3/1953 đến 24/6/1953.
Xuyên suốt cả ba khóa chỉnh huấn, mục đích được đặt ra là làm cho mỗi cán bộ, đảng viên hiểu được sự cần thiết phải “chỉnh huấn, chỉnh Đảng”, gia tăng tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, nắm vững lập trường chính trị và các chính sách căn bản của Đảng, lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi chủ trương, công tác và tư tưởng hàng ngày; chống các bệnh cá nhân chủ nghĩa, xa quần chúng, chủ quan, khuynh tả, khuynh hữu. Nội dung chính và xuyên suốt các bài giảng tại 03 khóa chỉnh huấn là phổ biến và thi hành Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II và Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt; tính chất, nhiệm vụ và động lực cách mạng Việt Nam (nói chung và riêng trong giai đoạn hiện tại); các chính sách đối với kháng chiến, chính quyền, mặt trận dân tộc, quân đội, kinh tế tài chính, ruộng đất, và bảo vệ hòa bình thế giới; những vấn đề chính về Đảng là: Tính chất của Đảng, phương châm xây dựng Đảng và tư cách, nhiệm vụ người đảng viên. Các giảng viên chỉ ra những khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên là chưa nhận thức đúng quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của Đảng và của nhân dân, dẫn đến việc nặng về lợi ích cá nhân mà không nghĩ đến lợi ích của Đảng và của nhân dân…; trên cơ sở đó, học viên được trau dồi nhận thức đúng đắn về vai trò lãnh đạo của Đảng, về lập trường và quan điểm giai cấp của Đảng, về tình hình thế giới và Việt Nam, về nhiệm vụ hàng đầu đang đặt ra của cách mạng Việt Nam.
Ngày 06/2/1953, nhà trường khai giảng lớp Chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với lớp học. Người hoan nghênh sự hiện diện của đại biểu Chính phủ, Quốc hội tại buổi khai mạc lớp học; đồng thời, biểu dương những cố gắng của cán bộ, công nhân viên chức nhà trường trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ lớp học.
Ngày 29/7/1952, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông tri Về việc đào tạo cán bộ lý luận gửi các Liên khu ủy Việt Bắc, III, IV, Tả ngạn sông Hồng, Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội, yêu cầu cử các cán bộ từ Thường vụ Tỉnh ủy trở lên tham dự lớp đào tạo trình độ lý luận, thời gian học từ một năm trở lên; nhập học tại Trường Đảng vào ngày 05/10/1952[9]. Tuy nhiên, do tập trung phục vụ công tác “chỉnh huấn, chỉnh Đảng”, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, nhà trường tạm dừng mở các lớp lý luận trong năm 1953.
Mùa Hè năm 1953, sau lớp chỉnh Đảng khóa ba, Trường mở lớp học lý luận chính trị với hơn 200 học viên được; lớp này được kết thúc sau hòa bình lập lại ở miền Bắc. Đây là lớp huấn luyện lý luận học tập trung thời gian học tập hơn một năm. Kết quả của lớp học đã đạt được mục tiêu Trung ương Đảng đề ra là: vừa nâng cao một bước trình độ lý luận chính trị cho người học, vừa đánh giá khách quan, chân thực phẩm chất chính trị của cán bộ.
Ngoài các khóa đào tạo chính quy, từ năm 1949 đến năm 1954, Trường Nguyễn Ái Quốc còn mở các lớp/đợt bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ theo chỉ đạo, yêu cầu của Trung ương Đảng như: lớp giảng viên chuyên nghiệp cho các tỉnh (từ ngày 01/5 đến ngày 30/6/1949), lớp thu hồi thành thị năm 1951..., với tổng số 437 học viên[10].
Trong hoàn cảnh kháng chiến, gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất, nhưng Trường Nguyễn Ái Quốc đã phát huy vai trò hàng đầu trong hệ thống các trường đào tạo cán bộ của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ. Trường đã mở được 03 khóa đào tạo lý luận chính trị ngắn hạn (từ 3 đến 5 tháng rưỡi trong năm 1949, 1951) và một khóa dài hạn trên một năm (1953-1954). Bên cạnh đó, Trường còn đảm nhận mở 03 khóa “chỉnh huấn, chỉnh Đảng” tập trung do Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo (những năm 1952-1953); mở một số lớp huấn luyện nghiệp vụ.
Từ năm 1949 đến năm 1954, Trường đã đào tạo, bồi dưỡng được 5.750 cán bộ. Các cán bộ tham gia huấn luyện về lý luận chính trị, về tư tưởng, đạo đức, tác phong; củng cố niềm tin, xốc thêm dũng khí để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc.
Nhẫn Ngân
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quôc sgia, Hà Nội, 2001, t.10, tr.21.
[2] Theo ý kiến của đồng chí Đào An Thái, học viên khóa II của Trường cho rằng địa điểm đầu tiên của Trường là ở xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
[3] Các tên gọi trước của Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảng Cộng sản Đông Dương (1930-1951); Đảng Lao động Việt Nam (1951-1976).
[4] Phông số 96 mục lục số 01 đơn vị bảo quản 307 số trang 257. Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.11, tr.314.
[6] Phông số 96, mục lục số 01, đơn vị bảo quản 307, số trang 257. Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng
[7] Phông số 96, mục lục số 01, đơn vị bảo quản 307, số trang 257. Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.
[8] Cố vấn là các đồng chí: Nguyễn Chí Trương, Vi Quốc Thanh.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.13, tr.214.
[10] Phông số 96, mục lục số 01, đơn vị bảo quản 307, số trang 257. Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.