Cách đây 75 năm, ngày 15/7/1949, trên mảnh đất Quảng Bình đã diễn ra cao trào “Quảng Bình quật khởi” trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở thế giằng co quyết liệt. Đây là một sự kiện trọng đại của quân dân Quảng Bình, “hàm chứa” những giá trị lịch sử hết sức to lớn, vẫn vẹn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh hôm nay
Quảng Bình trong những năm đầu kháng chiến
Quảng Bình là tỉnh hẹp nhất nước ta, thuộc miền Trung, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng ở Liên khu IV trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhận thấy “vị trí đặc biệt”, ngay sau “nổ súng” tái xâm lược Việt Nam lần thứ hai, Quảng Bình trở thành “mục tiêu” trọng yếu để thực dân Pháp tập trung lực lượng đánh chiếm nhằm chia cắt chiến trường, làm bàn đạp mở rộng chiến tranh ra các tỉnh phía Bắc Liên khu IV.
Ngày 27/3/1947, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn, kết hợp các loại vũ khí, trang bị hiện đại đánh vào Quảng Bình, ngày này trở thành ngày Quảng Bình kháng chiến.
Sau khi thực hiện chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” thất bại, thực dân Pháp chuyển sang thực hiện chiến lược thâm độc “tằm ăn lá”, dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam, thiết lập một hệ thống “vành đai trắng” với nhiều đồn bốt dày đặc, chia cắt các vùng tự do, vùng giải phóng và kháng chiến, thực hiện các cuộc càn quét, bắt lính và tài sát đẫm máu, Quảng Bình trở thành vùng “khói lửa” ác liệt của cuộc chiến tranh
Nhằm bảo vệ quê hương, quân và dân Quảng Bình đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ quê hương ngay khi thực dân Pháp vừa đặt chân lên đất Quảng Bình. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Liên khu ủy IV, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến, thực hiện kháng chiến “toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính” phù hợp với thực tiễn địa phương, từng điều kiện, hoàn cảnh của cuộc kháng chiến.
Trong những năm 1947-1948, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã lãnh đạo quân và dân thực hiện kháng chiến lâu dài, xây dựng các chiến khu ở vùng phía Tây, chuyển toàn bộ lực lượng, cơ sở vật chất lên rừng núi, thực hiện chiến tranh du kích, vừa đánh vừa xây dựng, bồi bổ mọi “nguồn lực” cho kháng chiến...
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau 2 năm thực hiện kháng chiến, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quân và dân Quảng Bình đã đoàn kết một lòng, anh dũng chiến đấu tạo nên những chiến thắng vang dội, những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử như Cự Nẫm, Cảnh Dương, Hiển Lộc...Cuộc kháng chiến của quân dân Quảng Bình đã phát triển, đặc biệt chiến tranh du kích, phong trào “rào làng chiến đấu”, gây nhiều khó khăn cho thực dân Pháp, các nguồn lực kháng chiến được bồi đắp ngày càng lớn...
Tuy nhiên phong trào kháng chiến chưa đều khắp trong toàn tỉnh chủ yếu tập trung ở một số huyện phía Bắc như Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa. Trong khi đó, ở phía Nam tỉnh, hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy phong trào gặp nhiều khó khăn, một số nơi địch chiếm và thiết lập chính quyền tay sai, nhất là lập các hội tề ở các địa phương, hơn nữa đây lại là vùng hậu phương chiến lược, trọng điểm về nhân tài vật lực của kháng chiến.
Di tích lịch sử tiếng bom Lộc Long- một trong những nơi mở đầu của Cao trào “Quảng Bình quật khởi” (nguồn: baoquangbinh.vn)
Cao trào “Quảng Bình quật khởi”
Nhằm thúc đẩy phong trào chiến tranh nhân dân ra khắp toàn tỉnh, đưa cuộc kháng chiến lên một bước mới, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II (5/1949), đã phân tích sâu sắc tình hình quyết định phát động cao trào “Quảng Bình quật khởi” với phương châm hành động: “Rời chiến khu thực hiện hạ sơn, bám dân bám làng hoạt động”. Toàn quân, toàn dân thực hiện khẩu hiệu: “Miền Nam mạnh là Quảng Bình mạnh”[1].
Để tăng cường chỉ đạo phong trào, Đại hội quyết định chuyển cơ quan lãnh đạo của tỉnh vào vùng Lệ Ninh, đồng thời nghiên cứu tình hình, tích cực chuẩn bị các nguồn lực ở các địa phương để phát động tuần lễ “tích cực cầm cự, chuẩn bị phản công”, mở đầu cao trào. Theo đó, đến cuối tháng 6/1949, Tỉnh ủy Quảng Bình họp và quyết định phát động tuần lễ “Tích cực cầm cự chuẩn bị tổng phản công” và lấy ngày 15/7/1949 làm ngày “Quảng Bình quật khởi”, trọng tâm chủ yếu là phá tan hệ thống chính quyền địch ở Quảng Ninh và Lệ Thủy.
Thực hiện chủ trương, rạng sáng ngày 15/7/1949, từ Hiển Lộc và thôn Thượng (Võ Xá) vang lên những hồi trống lớn thông báo cho quân và dân Ninh Châu lệnh tiến công của Ủy ban kháng chiến hành chính. Nhân dân ở các địa phương ở Quảng Ninh và Lệ Thủy đồng loạt nổi dậy phối hợp với du kích, bộ đội tiến công địch ở nhiều nơi.
Liên tiếp trong mấy ngày của tuần lễ phát động, nhiều nơi ở Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch...đã tổ chức nhiều trận đánh nhỏ, tiêu diệt địch, phá nhiều đồn bốt, phá hoại giao thông ngăn chặn tiếp tế, phá các kho vũ khí, thiêu hủy lương thực dự trữ...gây cho địch nhiều thiệt hại, buộc chúng phải rút lui một số nơi. Đồng thời, kết hợp các mặt đấu tranh quân sự, chính trị, kinh tế và địch vận, quân dân đã giành lại chính quyền, giải tán các hội tề của địch và làm chủ nhiều nơi. Trong tuần lễ “ Cao trào đồng khởi” từ ngày 15-22/7/1949, quân và dân trong toàn tỉnh đã đánh 120 trận, diệt 49 lính Pháp, 128 lính ngụy (Việt binh đoàn), làm bị thương 120 tên; bắt sống 1 lính Pháp, 4 ngụy binh; phá 22 xe quân sự, bắn chìm 2 đò, phá 34 cầu, 670m đường giao thông, 70.150m dây điện thoại, đốt 186 nhà công của địch; giải tán 225 hội tề trong tổng số 268 ban, thu được nhiều vũ khí, đạn dược[2]...
Một góc Quảng Bình hôm nay (nguồn: nhiepanhdoisong.vn)
Giá trị lịch sử to lớn
Thắng lợi của cao trào “ Quảng Bình quật khởi” đã tạo bước ngoặt, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Quảng Bình bước sang giai đoạn mới, từ thế cầm cự sang thế phản công. Qua cao trào, hệ thống ngụy quyền do thực dân Pháp dựng lên bị xóa bỏ ở nhiều nơi, quần chúng phấn khởi từ các vùng di cư chạy loạn trở về làm chủ quê hương, cuộc kháng chiến phát triển đều khắp trong toàn tỉnh.
Đặc biệt, sự “bứt phá” của phong trào ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, đã tạo thế và lực, tăng thêm các nguồn lực mới về sức người, sức của để đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn diện, phong trào du kích phát triển đều rộng khắp, mạnh mẽ, các khu kháng chiến, các vùng du kích được mở rộng, nối liền mạch máu giao thông liên lạc từ Bắc vào Nam.
Đồng thời, cao trào đã tác động tích cực đến các địa phương ở Liên Khu IV, thúc đẩy kháng chiến, tạo tiền đề điều kiện để quân và dân Quảng Bình tiếp tục tạo nên những thắng lợi to lớn, cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng quê hương, đất nước
Thắng lợi của cao trào “Quảng Bình quật khởi” là biểu tượng cao đẹp về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất, gan dạ của nhân dân Quảng Bình. Trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn, gian khổ của một chiến trường bị chia cắt, bốn bên luôn bị kẻ thù bao vây, vũ khí, trang bị thô sơ, lực lượng ít, chủ yếu là bộ đội địa phương, dân quân du kích kết hợp với sự “nổi dậy” của quần chúng nhân dân nhưng bằng tinh thần “gan vàng, dạ sắt”, quyết chiến quyết thắng, tự lực tự cường, vừa kháng chiến vừa kiến quốc với sức sáng tạo và quyết tâm cao, đã làm nên thắng lợi có ý nghĩa to lớn. Đồng thời, đó cũng là thắng lợi của tinh thần đoàn kết chiến đấu, lòng dũng cảm, phát huy cao độ truyền thống bất khuất, anh dũng được “hun đúc” từ bao đời trên mảnh đất Quảng Bình anh dũng.
Thắng lợi của cao trào “Quảng Bình quật khởi” cũng minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình trong bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến của Đảng, tổ chức chủ động linh hoạt, sáng tạo, đánh thức niềm tin, khát vọng chiến thắng bằng sức mạnh của quần chúng nhân dân. Đại hội II của Đảng bộ tỉnh đã phân tích sâu sắc tình hình, chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến thực tế “miền Nam vẫn là hậu phương của địch”, thẳng thắn thừa nhận là “do Tỉnh ủy chưa quan tâm đúng mức việc chỉ đạo phòng trào kháng chiến ở Quảng Ninh và Lệ Thủy, chưa nhận rõ vị trí quan trọng của Quảng Ninh và Lệ Thủy, chưa thấy được đây là vùng trọng điểm nhân tài vật lực của Quảng Bình”[3], đồng thời “phê phán nghiêm khắc tư tưởng cầu an, ngại khó, ngại khổ của một số cán bộ đảng viên”. Từ đó, Đảng bộ thực hiện “Hạ sơn”, tiên phong đưa các đảng viên trở về làng, thực hiện “bám dân, bám đất”, liên kết, móc nối xây dựng lại phong trào, tăng cường đảng viên có kinh nghiệm chiến đấu cho chiến trường miền Nam của tỉnh, thúc đẩy phong trào phát triển…Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự nhạy bén, chủ động của Đảng bộ, kịp thời khắc phục khó khăn, uốn nắn những khuyết điểm, lệch lạc, giải quyết yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Thông qua đó, các tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên tiếp tục được thử thách, rèn luyện, trưởng thành, đáp ứng yêu cầu kháng chiến…đó là nguyên nhân cơ bản đưa đến thắng lợi của Cao trào.
Ngày nay, quê hương, đất nước sau gần 40 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, song bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, thách thức. Trong vận thế mới, điều kiện mới, khí thế mới, cần thiết phải phát huy cao độ các giá trị lịch sử, tinh thần kháng chiến của Cao trào “Quảng Bình quật khởi” năm xưa trong thời đại mới nhằm từng bước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh và đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Văn Giang
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, tập I (1930-1954), tr.224-225
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, tập I (1930-1954), tr.224
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, tập I (1930-1954), tr.218