Báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1939-1945 phát triển khá mạnh mẽ cả về nội dung, hình thức, thể loại, đối tượng báo chí, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám
Báo chí tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng của cuộc đấu tranh giành chính quyền
Mục tiêu hàng đầu của báo chí cách mạng là tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác Lênin, đường lối, chính sách của Đảng, của Mặt trận Việt Minh cho cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ và thực hiện.
Báo thường có những mục thông tin cho bạn đọc tình hình chính trị thế giới, trong nước, đăng tải những Nghị quyết quan trọng, những chủ trương, chính sách hướng đảng viên và quần chúng vào những hoạt động cách mạng thiết thực, tránh tư tưởng mơ hồ, hoài nghi, dao động.
Báo Cờ giải phóng số 2 ngày 26/8/1943 đăng bài “Vấn đáp về chính sách của Đảng”, trả lời hai câu hỏi tập trung vào nội dung chính của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 5/1941 và Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2/1943 là đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu với khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết” và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất.
Cũng trong số này, báo có bài “Chủ trương liên minh với Pháp Đờgôn” phân tích bản chất yêu nước, tiến bộ của những người Pháp theo phái Đờgôn, lý do và điều kiện liên minh với họ, nhằm mở rộng hơn nữa mặt trận dân chủ chống phát xít.
Tiếp đó, trong báo Cờ giải phóng số 4 (ra ngày 13/4/1944), số 6 (ra ngày 28/7/1944), số 13 (ra ngày 16/5/1945) tiếp tục làm rõ thêm những khía cạnh của chủ trương liên minh với Pháp Đờgôn của Trung ương Đảng. Báo Cờ giải phóng số 14 (28/6/1944) phổ biến 10 chính sách lớn trong khu giải phóng của Mặt trận Việt Minh.
Báo Cờ Giải phóng (Ảnh tư liệu)
Báo chí cách mạng vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn, tội ác của thực dân, đế quốc và tay sai, qua đó cổ vũ lòng yêu nước, căm thù giặc, kêu goi nhân dân đứng lên làm cách mạng, đánh đổ ách phát xít Nhật, Pháp và tay sai, giải phóng dân tộc. Ngày 15/2/1944, báo Cờ giải phóng số 3 đăng bài: “Bóc trần mưu gian của đế quốc Nhật, thống nhất hành động đánh đổ thù chung” phân tích bản chất xâm lược của phát xít Nhật với những thủ đoạn lừa bịp nhân dân, tiếp tục chính sách cướp bóc, tắm phong trào độc lập dân chủ trong bể máu…kêu gọi nhân dân ta cảnh giác, đoàn kết đấu tranh cho khẩu hiệu “dân tộc độc lập” thật sự.
Báo Việt Nam độc lập số 190, ra ngày 01/4/1944 có bài “Vạch mặt bọn bán nước nói láo” phân tích và làm rõ bản chất những luận điệu của các thế lực Việt gian phản động, từ đó làm cho nhân dân hiểu rõ thế nào là những người cộng sản, những người theo Việt Minh, bản chất nước Nga Xô viết, sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc.
Báo Cờ giải phóng số 12 , ra ngày 12/4/1945 đăng bài “Phải nhằm đúng kẻ thù”, phân tích những âm mưu và thủ đoạn xảo quyệt của phát xít Nhật, kêu gọi nhân dân Việt Nam tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính, trước mắt là phát xít Nhật và tay sai.
Báo chí cách mạng góp phần đấu tranh chống những tư tưởng phi vô sản. Trong quá trình đấu tranh cách mạng vô cùng gay go quyết liệt, trong Đảng nảy sinh những tư tưởng phi vô sản, tiêu biểu là những người theo phái Trôtxkit có những tư tưởng và hoạt động trái với chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng, bị kẻ thù lợi dụng. Báo chí cách mạng đã kiên quyết đấu tranh bảo vệ đường lối của Đảng, chống những tư tưởng trái với chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng, góp phần xây dựng sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng. Tiêu biểu cho những người theo phái Trôtxkit ở Hà Nội là “nhóm Hàn Thuyên”, có những hoạt động xuất bản sách, báo với nội dung chia rẽ mặt trận văn hóa dân tộc, xuyên tạc lịch sử. Đồng chí Trường Chinh đã vạch rõ và phê phán tư tưởng của “nhóm Hàn Thuyên” trên báo Cờ giải phóng và nhất là bài “Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hoá Việt Nam” trên tạp chí Tiên Phong, số ra ngày 23/9/1944. Bài viết đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, trong đó phê phán “nhóm Hàn Thuyên” đội lốt chủ nghĩa Mác để xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác.
Báo chí cách mạng kêu gọi, hướng dẫn đảng viên và quần chúng phương pháp hoạt động cách mạng và đấu tranh cách mạng. Trong bối cảnh kẻ thù tăng cường đàn áp, phương pháp hoạt động cách mạng trở thành rất quan trọng để tránh thiệt hại. Báo Việt Nam độc lập số 136-137 tháng 8 và 9/1942 có bài “Những diều cán bộ cần biết” nói về nhiệm vụ và phương pháp hoạt động của cán bộ.
Cũng trên báo Việt Nam độc lập các số 129, 133, 164, 203, 204… đăng bài hướng dẫn cán bộ và nhân dân phương pháp chống địch khủng bố.
Báo Cứu quốc (Ảnh tư liệu)
Báo Cờ giải phóng số 8 ngày 10/11/1944 có bài “Chống khủng bố” nói về phương pháp bảo toàn lực lượng, chống địch khủng bố. Báo Cờ giải phóng số 5 (14/6/1944) và số 6 (23/7/1944) có bài nói về kinh nghiệm tổ chức các cơ quan Đảng, Mặt trận và tổ chức giao thông liên lạc…
Trong những năm 1944-1945, trong không khí tích cực chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền, báo Cờ giải phóng số 6, ngày 23/7/1944 có bài “Hãy nắm lấy khâu chính” nêu rõ 5 nhiệm vụ chủ yếu trước mắt chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Tiếp đó, Cờ giải phóng số 7, ngày 28/9/1944 có bài của đồng chí Trường Chinh “Bồi bổ điều kiện vật chất cho cuộc khởi nghĩa” nói về công tác phát triển các đội tự vệ, chuẩn bị vũ khí trang bị, huấn luyện quân sự một cách tích cực, chủ động … để khi thời cơ đến, kiên quyết đứng lên khởi nghĩa.
Mặc dù chủ trương báo chí tập trung cho công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị là chủ yếu nhưng đồng thời Đảng ta cũng chủ trương nội dung báo chí phải phong phú, nhiều mục, phản ánh toàn diện các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, nghệ thuật, thể dục thể thao… để hấp dẫn quần chúng, tránh sự khô khan, nhàm chán. Bên cạnh việc giải thích vấn đề chính trị, báo chí cần đề cập, giải thích các vấn đề thiết thực có liên quan mật thiết đến đời sống của quần chúng. Quan điểm của báo chí cách mạng là “Bài vở cần viết ngắn, lời văn giản dị, dễ hiểu và chú ý giải thích những vấn đề thiết thực đối với đời sống quần chúng như sinh hoạt đắt đỏ, vấn đề lúa gạo, tiền tệ…”.
Mở rộng đối tượng tuyên truyền, vận động của báo chí
Trước hết, báo chí của Đảng hướng vào tuyên truyền, vận động, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, đó là nhiệm vụ của những tờ báo như Tạp chí Cộng sản, báo Cờ giải phóng …đồng thời quan điểm của Đảng là báo chí hướng tới mọi đối tượng có thể vận động, tập hợp phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Chính vì thế, Trung ương Đảng đã có những chỉ thị, Nghị quyết nêu rõ phải có báo chí cho mọi giai cấp, tầng lớp cụ thể là cho công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh lính, người dân tộc thiểu số …hay nói chính xác hơn là các tổ chức quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng phải xuất bản báo chí để vận động giai cấp, tầng lớp mình. Ngoài ra, báo chí còn phải chú ý đến vận động các giai cấp, tầng lớp trên như tư sản dân tộc, nhân sĩ trí thức ủng hộ cách mạng, mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất.
Tháng 3/1944, Hội nghị cán bộ Bắc Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra những nhiệm vụ về chuẩn bị khởi nghĩa. Nghị quyết nhấn mạnh công tác vận động các giới, trong đó báo chí giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Nghị quyết Hội nghị nêu rõ báo Lao động phải ra cho đều phục vụ công tác vận động công nhân, tiếp tục xuất bản báo Chiến đấu để vận động binh lính, xuất bản tờ báo của thanh niên toàn xứ để vận động thanh niên, xuất bản báo của phụ nữ …
Quỳnh Chi (Còn tiếp)