Nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 về “chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” (Quy định số 144-QĐ/TW) với 5 chuẩn mực
Sự ra đời của Quy định số 144-QĐ/TW là phù hợp lý luận và thực tiễn
Chuẩn mực đạo đức cách mạng được coi là những điều quy định làm căn cứ để đánh giá nhân cách của người cán bộ, đảng viên, để xem người đó có xứng đáng là thành viên trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, xứng đáng đảm nhận trọng trách với sự nghiệp cách mạng mà Đảng và nhân dân giao phó. Theo như tư tưởng Hồ Chí Minh, thì đạo đức là “gốc” của người cách mạng; và do đó, xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng Đảng từ “gốc”, “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”. Nội hàm đạo đức cách mạng đó chính là: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”; “Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân”;
Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 144-QĐ/TW là hết sức cần thiết, kịp thời vừa đảm bảo tính lý luận và thực tiễn của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, góp phần thực hiện có hiệu quả và thực chất các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; các quy định định về trách nhiệm nêu gương và những điều đảng viên không được làm. Bởi việc xây dựng chuẩn mực đạo đức trong Đảng không phải là chưa có tiền lệ. Ngay trong những trang đầu tiên của Đường Cách mệnh (tập hợp các bài giảng tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925-1927), tài liệu lý luận chính trị chuẩn bị cho việc thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã xác định luôn các chuẩn mực - tư cách một người cách mạng. Trong suốt quá trình lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều không quên nhắc tới những chuẩn mực đạo đức của một người cách mạng và chính người là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng. Tại các chỉ thị về việc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong tổ chức thực hiện Đảng ta đều yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ đảng viên đều cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức cách mạng lấy đó là thước đo, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên. Việc ban hành Quy định số 144-QĐ/TW chính là tạo sự đồng bộ, thống nhất thực hiện trong toàn Đảng, tạo “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” trong hiện thực hoá chủ trương xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, củng cố niềm tin son sắc của Nhân dân đối với Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Có được thành quả đó một phần là do, trong Đảng, đa số đảng viên giữ được phẩm chất đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh, giữ gìn được phẩm giá, khí tiết cộng sản trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhiều cán bộ, đảng viên là những tấm gương bình dị mà cao quý, được nhân dân tin tưởng, yêu mến. Nhiều tấm gương sáng về đạo đức cách mạng luôn đi đầu trong các phong trào, mẫu mực trong ứng xử; kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực, thẳng thắn tham gia góp ý xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Nhưng đâu đó còn không nhỏ một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng, dẫn đến vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp bị suy thoái về chính trị, đạo đức do không giữ vững được bản lĩnh chính trị và phẩm chất cách mạng, bị sa vào cạm bẫy của đồng tiền, những lợi ích vật chất, bị các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc dẫn tới thiếu gương mẫu trong thực hiện trách nhiệm của người đảng viên, các nghĩa vụ công dân,...
5 kỳ đại hội Đảng (từ Đại hội IX đến Đại hội XIII), các nghị quyết Trung ương 4 về công tác xây dựng Đảng, mệnh đề “tình trạng suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên” liên tục được nhắc đến, như gióng lên một hồi chuông. Nếu Đảng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời sự suy thoái về đạo đức thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò lãnh đạo và năng lực cầm quyền, bào mòn hệ giá trị đạo đức mà Nhân dân và Đảng ta đã dày công tạo dựng. Pháp trị chỉ xử lý được khi thói hư, tật xấu, cái ác đã hiện hình, đã gây ra tổn hại. Khi chuẩn mực đạo đức trở thành lẽ sống, lúc đó mới có tác dụng phòng ngừa, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tránh khỏi sai lầm. Và thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thì việc sử dụng đức trị trong giáo dục một con người vẫn còn nguyên giá trị, là yếu tố cốt lõi “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.
Trong bối cảnh chung của thực hiện đường đổi mới và hội nhập quốc tế, mỗi cá nhân không thể đứng ngoài vòng xoáy của thời cuộc. Mỗi cán bộ, đảng viên chịu không ít những tác động tiêu cực, trong đó tác động trực tiếp và mạnh nhất chính là mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và quyền lực. Mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ta đã thấy hiện hữu ngay trong đời sống xã hội. Nhưng sự cộng hưởng mặt trái của quyền lực và kinh tế thị trường gây đến hậu quả tai hại là những tiêu cực, suy thoái về đạo đức trong cán bộ, đảng viên, huỷ hoại chính cá nhân một con người từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư tình cảm, niềm tin của cả một hệ thống. Thực tế đó đòi hỏi những chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cần có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Chính vì lẽ đó, Đại hội XIII của Đảng nêu yêu cầu phải “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.
Điều 1 Quy định số 144 - QĐ/TW
Những giá trị cốt lõi của Quy định số 144-QĐ/TW
Trước thực trạng tha hóa đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sự tự rèn luyện bản thân có phần bị xem nhẹ thì vấn đề tu dưỡng đạo đức cá nhân theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng đang đặt ra như một yêu cầu bức thiết đối với cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay. Với việc ban hành Quy định số 144-QĐ/TW vào đúng dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã phát đi thông điệp là: Đảng vẫn kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên và rất nghiêm túc, quyết liệt khi đề ra những tiêu chuẩn đạo đức ở mức rất cao với cán bộ, đảng viên. Việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức cách mạng không chỉ là căn cứ để cán bộ, đảng viên rèn luyện, tự điều chỉnh nhận thức và hành vi ứng xử trong công việc và cuộc sống hằng ngày. Đó còn là cơ sở cho việc giáo dục đạo đức cách mạng, hình thành đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, đủ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Với Quy định số 144-QĐ/TW, những quan điểm, chủ trương và yêu cầu của Đảng về phẩm chất đạo đức với cán bộ, đảng viên nhưng được trình bày khái quát và rõ ràng hơn (Điều 1: Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Điều 2: Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Điều 3: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Điều 4: Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Điều 5: Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời). Cùng với đó, quy định cụ thể hơn về một số phẩm chất đang được coi trọng trong bối cảnh hiện nay, đó là “sáu dám”: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung” và nhấn mạnh tới tiêu chí “danh dự, lòng tự trọng” có lẽ là nét đặc biệt và tầm chiến lược hơn cả. Việc đề cao “sáu dám” không chỉ cho thấy Đảng đã nhận thức đúng về tình hình đất nước trong bối cảnh mới, mà còn thể hiện quan điểm rất tiến bộ, coi đó là tiêu chuẩn để sử dụng cán bộ hiệu quả, chất lượng, kỳ vọng vào một thế hệ cán bộ, đảng viên có đạo đức, bản lĩnh sẽ tạo ra những thay đổi đột phá chiến lược. Điều 3 chính là đề cập tới các tiêu chí văn hoá liêm chính. Vấn đề “liêm chính” và xây dựng “Văn hóa liêm chính” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người đứng đầu Đảng ta nhắc đến nhiều lần trong các Hội nghị của Trung ương Đảng khi nói về công tác xây dựng Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng. Nêu cao lòng tự trọng, phẩm giá của cán bộ, đảng viên “thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín” là nhằm để “bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức Đảng.” Các cán bộ dù ở địa phương hay Trung ương, ở cấp thấp hay cấp cao, đều phải có ý thức tự nguyện rời khỏi vị trí khi không còn đủ khả năng, uy tín, tạo thành “văn hóa từ chức”. Đây là hành động cần thiết của những người có lòng tự trọng và cũng là giải pháp tối ưu trong bối cảnh cụ thể để bảo toàn danh dự cho bản thân và tổ chức mà họ đang lãnh đạo.
Có thể thấy, nội dung của Quy định số 144-QĐ/TW đã khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng là luôn coi trọng đạo đức của cán bộ, đảng viên, “đức là gốc” trong công tác cán bộ; thể hiện nhận thức và thái độ của Đảng trước tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao trong thời gian gần đây. Quy định số 144-QĐ/TW không chỉ chứa đựng những giá trị, chuẩn mực về đạo đức được Đảng đề cao, mà đó cũng chính là thước đo để đánh giá, sử dụng cán bộ, đảng viên; là lời nhắc nhở với mỗi cán bộ, đảng viên về ý thức giữ gìn phẩm chất đạo đức. Bên cạnh những phẩm chất truyền thống thì Đảng còn yêu cầu thêm về tinh thần dấn thân và phụng sự, ý thức và hành động chịu trách nhiệm, không thụ động hay núp bóng tập thể, luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới để có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Việc ban hành Quy định số 144-QĐ/TW chính là lời hiệu triệu toàn Đảng cùng toàn quân, toàn dân hăng hái thi đua xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; góp phần hiện thực hoá “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Quy định số 144 có sớm trở thành “cẩm nang xây dựng Đảng về đạo đức” hay không, điều đó phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện của các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị và tinh thần gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Dương Thị Bích