Khẳng định vai trò không thể thiếu được của ngành thanh tra trong cơ cấu tổ chức các cơ quan Nhà nước
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng nhấn mạnh muốn công tác thanh tra tiến hành thường xuyên, sâu rộng và có hệ thống thì cần phải thành lập cơ quan thanh tra chuyên trách. Cơ quan này có nhiệm vụ giúp cấp lãnh đạo kiểm tra việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và cấp mình. Đồng chí phê phán quan điểm cho rằng chỉ cần cán bộ lãnh đạo quan tâm và thực hiện công tác thanh tra là đủ, do đó có địa phương đã thành lập cơ quan thanh tra chuyên trách rồi lại giải thể (như tỉnh Hà Đông). Nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo hết sức nặng nề, không thể đảm đương hết mọi công việc, nên việc tổ chức cơ quan thanh tra chuyên trách là cần thiết. Các cơ quan thanh tra chuyên trách phải thấu suốt chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động và tích cực phục vụ vô điều kiện đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, công tác thanh tra nói riêng. Cơ quan thanh tra chuyên trách cần nắm vững và thực hiện nhiệm vụ của mình, tránh việc chồng chéo và lẫn lộn nhiệm vụ với Ủy ban kiểm tra của Đảng và Viện kiểm sát nhân dân. Cán bộ làm công tác thanh tra chuyên trách cần nhận rõ trách nhiệm của mình. Mỗi cán bộ thanh tra phải luôn chú ý đến việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường tư tưởng, không ngừng trau dồi nghiệp vụ và ra sức làm tròn nhiệm vụ, không lùi bước trước bất kỳ một khó khăn nào.
Quan điểm này của đồng chí hoàn toàn chính xác vì trong thực tế, năm 1965, trước tình hình đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại, Trung ương Đảng chủ trương chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức, cải tiến bộ máy, sửa đổi lề lối làm việc ở tất cả các cấp cho phù hợp với tình hình có chiến tranh. Thực hiện chủ trương đó, Đảng và Nhà nước quyết định thay đổi tổ chức một số cơ quan Nhà nước. Mặt khác, do chưa nhận thức đúng vai trò công tác thanh tra đối với đời sống xã hội, Đảng và Nhà nước đã quyết định giải thể cơ quan thanh tra của Chính phủ và Ban Thanh tra các tỉnh, thành. Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, ngày 11/10/1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc giải thể Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, công tác thanh tra giao cho thủ trưởng các cơ quan, các ngành, các cấp phụ trách để gắn liền công tác thanh tra với việc chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Công tác thanh tra ở Trung ương do các Văn phòng của Phủ Thủ tướng đảm nhiệm. Tại các khu, tỉnh, thành phố, công tác thanh tra do Ủy ban hành chính các cấp đảm nhiệm.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)
Sau khi giải thể cơ quan thanh tra của Chính phủ và Ban Thanh tra các tỉnh, thành, một số bộ, ngành tuy vẫn duy trì tổ chức thanh tra, nhưng hoạt động cầm chừng, không đúng chức năng, chỉ tập trung vào nhiệm vụ xét khiếu tố và chống tham ô, chưa tập trung vào nhiệm vụ theo dõi, thanh tra việc tổ chức thực hiện kế hoạch Nhà nước, chấp hành đường lối, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Thậm chí ngay cả việc xét khiếu tố cũng còn nhiều hạn chế, nhiều cấp ủy và đảng đoàn coi nhẹ công tác này, có nơi hầu như buông trôi, nhiều việc đáng lẽ Ban Thanh tra phải giải quyết, lại chuyển sang cho Ủy ban kiểm tra của Đảng, khiến cho công tác kiểm tra của Đảng càng thêm bề bộn và lúng túng.
Việc giải thể tổ chức ngành thanh tra trong những năm 1966-1968 rõ ràng là thiếu hợp lý, do vậy, sau khi đế quốc Mỹ buộc phải chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, Đảng và Nhà nước chủ trương khôi phục tổ chức ngành thanh tra và đến ngày 11/8/1969, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 780/ NQ-TVQH thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ. Tổ chức bộ máy ngành Thanh tra dần được kiện toàn, đến năm 1971 đã có trên 500 cán bộ.
Phê phán những quan điểm sai trái trong nhận thức và hoạt động công tác thanh tra, luôn nghiêm khắc tự kiểm điểm bản thân trên cương vị người đứng đầu ngành thanh tra, rút kinh nghiệm để củng cố tổ chức, tăng cường công tác thanh tra
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng phê phán quan điểm sai lầm của cán bộ lãnh đạo ở một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương, coi nhẹ công tác thanh tra, kiểm tra, cho rằng đó là công tác “làm cũng được, không làm cũng chẳng chết ai”, từ đó buông lơi công tác thanh tra.
Trong hoạt động thanh tra, đồng chí phê bình một số ban thanh tra địa phương còn coi nhẹ công tác giải quyết thư khiếu tố của nhân dân, không những không khuyến khích mà còn có thái độ và hành động hạn chế tính tích cực của nhân dân trong việc phát huy ý thức làm chủ của họ. Đồng chí cho rằng, các ban thanh tra cần nhận thức đúng đắn đối với thư tố giác của nhân dân, vì đó là cách nhân dân thể hiện quyền làm chủ của họ, thể hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Bản thân đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn nghiêm khắc tự kiểm điểm. Đồng chí nêu rõ: “Từ ngày thành lập cơ quan thanh tra, tuy nhận thức của tôi đã xác định đây là một cơ quan làm tai mắt của Đảng và Chính phủ, nhưng thực ra tôi chưa hiểu rõ, hiểu hết vị trí, nhiệm vụ và chức trách, chức năng của nó. Ngay phần hiểu biết hạn chế đó cũng chưa thực hiện đầy đủ. Nghiêm cứu lại các bản sắc lệnh, nghị định, thông tư mà chính mình đã đọc nhiều lần và đã góp phần vào việc xây dựng các văn kiện đó, càng thấy mình có nhiều thiếu sót trong việc lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện dù bản thân những văn kiện đó chưa được hoàn bị”.
“Nhiệm vụ, chức trách nói chung tôi còn hiểu lờ mờ chưa rõ ràng đầy đủ. Do những thiếu sót đó mà tôi chưa nhận thức đầy đủ quan điểm làm chủ và quán triệt quan điểm đó trong công tác thanh tra chuyên nghiệp. Cũng do những thiếu sót đó nên đã tác hại đến mọi mặt công tác của ngành thanh tra chuyên nghiệp”.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (người ngồi giữa) (Ảnh tư liệu)
Về nhận thức công tác trung tâm trong từng giai đoạn cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng kiểm điểm: “Mặc dù các đồng chí bạn (chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc- TG) đã giới thiệu kinh nghiệm cho tôi về vấn đề này, nhưng tôi vẫn chưa hình dung thế nào là công tác trung tâm một cách thực chính xác…Còn cách đi vào phục vụ công tác trung tâm như thế nào, tuy bạn có giới thiệu một cách đại khái nhưng tôi chưa nắm chắc được nên còn hiểu lờ mờ lắm. Do đó, khi chủ trương công tác chưa vận dụng quan niệm phục vụ công tác trung tâm một cách đúng đắn vào ngành thanh tra chuyên nghiệp thì còn lúng túng chưa có lối ra. Quá trình công tác tôi vẫn có ý thức phục vụ công tác trung tâm, nhưng quan niệm về công tác trung tâm thì chưa rõ ràng và cũng chưa biết cách đi vào phục vụ công tác trung tâm như thế nào là đúng”1.
Kiểm điểm chủ trương và hoạt động của ngành thanh tra trong những năm 1958-1960, đồng chí Nguyễn Lương Bằng thẳng thắn thừa nhận những khuyết điểm là chưa quan niệm rõ thế nào là phục vụ công tác trung tâm nhưng lại không phát huy dân chủ, bàn bạc cho ra vấn đề; không chịu nghiên cứu kỹ những nghị quyết và chương trình công tác của Chính phủ để từ đó đề ra chủ trương công tác của ngành thanh tra cho phù hợp với yêu cầu của lãnh đạo, trái lại, khi đề ra chủ trương công tác không căn cứ vào nhiệm vụ, phương châm của Chính phủ mà có phần theo chủ quan, cảm tính nên hoạt động thanh tra đôi khi chưa đúng hướng. Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ luôn nhấn mạnh nhiệm vụ chống tham ô, lãng phí, coi nhẹ các nhiệm vụ khác là không thỏa đáng, dù việc chống tham ô lãng phí trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội là một nhiệm vụ quan trọng. Những khuyết điểm đó đã hạn chế hiệu quả công tác của ngành thanh tra.
Về tổ chức, cán bộ và chỉ đạo nghiệp vụ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng kiểm điểm rằng chưa có một kế hoạch toàn diện và thích hợp trong việc kiện toàn tổ chức của ngành thanh tra, nên bộ máy tổ chức ngành chậm được củng cố, kiện toàn; công tác bồi dưỡng cán bộ chưa được chú ý đúng mức, vấn đề đúc kết kinh nghiệm và trao đổi nghiệp vụ công tác thanh tra cũng chưa thực sự tốt, việc tổng kết công tác thanh tra từ việc thanh tra các địa phương chưa kịp thời.
Về tác phong công tác, đồng chí Nguyễn Lương Bằng thừa thận, bản thân đồng chí tác phong công tác còn sự vụ, còn mang tính chất gia đình chủ nghĩa, chưa đi sâu vào nghiệp vụ, thiếu kiểm tra, đôn đốc cán bộ trong ngành, lãnh đạo thiếu toàn diện, hay chú ý việc nhỏ, bỏ việc lớn, chưa nhìn được bao quát, sâu xa, khả năng lãnh đạo còn hạn chế, trong tư tưởng cũng như trong lề lối làm việc còn những biểu hiện bảo thủ, rụt rè, giữa bảo thủ và rụt rè, giữa rụt rè và thận trọng còn chưa phân biệt được rõ ràng …
Trên cương vị người đứng đầu ngành thanh tra, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã kiểm điểm một cách hết sức nghiêm túc, chứ không kiểm điểm một cách hời hợt, qua loa, đại khái như chúng ta vẫn thường thấy, đồng chí hoàn toàn không đổ lỗi cho cán bộ trong ngành, cũng không đổ lỗi cho tình hình khách quan khó khăn, phức tạp, mới mẻ của buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc.
Chính sự kiểm điểm nghiêm túc của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, người đứng đầu ngành Thanh tra Nhà nước là cơ sở để đồng chí và cán bộ toàn ngành Thanh tra quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, phấn đấu xây dựng ngành Thanh tra xứng đáng với vị trí, chức năng, vai trò quan trọng của nó trong hệ thống các cơ quan Nhà nước.
Mặc dù trong những năm đầu miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải kiêm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước, nhưng đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển của ngành Thanh tra Việt Nam. Những đức tính cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản được hun đúc qua thực tế đấu tranh giành chính quyền và qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã góp phần tạo nên tấm gương sáng về đạo đức cách mạng và tấm gương đó càng sáng thêm khi đảm nhiệm những trọng trách của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nhiều quan điểm của đồng chí về công tác thanh tra cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đồng chí xứng đáng là người cán bộ thanh tra tiêu biểu, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bình Nguyễn
1 . Các đoạn trích trên trích từ bản kiểm điểm của đồng chí Nguyễn Lương Bằng trong cuộc vận động chỉnh huấn mùa Xuân năm 1961.