70 năm đã qua, quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 để lại những bài học quý mà có lẽ rút kinh nghiệm từ những bài học ấy mà ngoại giao Việt Nam trong những năm gần đây giành được những thành tựu lớn, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế
Với Hội nghị Geneva, lần đầu tiên ngoại giao Việt Nam tham gia một diễn đàn đàm phán đa phương phức tạp, chịu sự chi phối của các nước lớn. Kết quả đạt được tại Hội nghị là thắng lợi to lớn của cách mạng nước ta. Đây là lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương.
Sau khi Hiệp định được ký kết, ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Lời kêu gọi đồng bào toàn quốc cùng toàn thể quân đội và cán bộ, trong đó nêu rõ: “Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”[1].
Ngày 27/7/1954, Ban Bí thư có Chỉ thị “Tuyên truyền về những Hiệp định của Hội nghị Giơnevơ, Tình hình và nhiệm vụ mới”, nhìn nhận: “Hội nghị Giơnevơ kết thúc ngày 21/7/1954 đã đi đến những Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Khơme, Pathét Lào và nước Pháp phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của ba dân tộc ở Đông Dương. Đó là một thắng lợi lớn của nhân dân Việt Nam, Khơme, Lào, nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới; và là một thất bại lớn của đế quốc Mỹ, hiếu chiến và tay sai của chúng”[2].
Thứ trưởng Tạ Quang Bửu & thiếu tướng Delteil kí kết Hiệp định (Ảnh tư liệu)
Quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định để lại những bài học kinh nghiệm quý giá cho công tác đối ngoại hiện nay.
- Một là, kiên định về nguyên tắc, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết
Mặc dầu trong quan hệ quốc tế, quốc gia nào cũng muốn có lợi cho mình nhưng trên bàn hội nghị, trong khi tìm giải pháp cho cái chung có khi phải chấp nhận có nhân nhượng, biết thắng từng bước, nhưng phải trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc.
Mặc dù chịu nhiều sức ép từ các nước lớn, kết quả đạt được chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của ta, nhất là về xác định ranh giới quân sự tạm thời và thời hạn tổng tuyển cử ở Việt Nam, nhưng về cơ bản trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Geneva, chúng ta đã kiên định nguyên tắc cao nhất là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; quân đội Pháp phải rút khỏi Việt Nam, vấn đề chính trị của Việt Nam phải do chính người Việt Nam tự quyết định. Cuối cùng những yêu cầu này đã được đáp ứng.
Đây là thắng lợi quan trọng nhất tạo cơ sở pháp lý để nhân dân Việt Nam tiếp tục đấu tranh trong 21 năm tiếp theo để thống nhất đất nước. Đây cũng là tư tưởng chỉ đạo đối với công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Yêu cầu có tính nguyên tắc của công tác đối ngoại hiện nay vẫn là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
- Hai là, giữ vững độc lập tự chủ trong đối ngoại
Thực tế việc triệu tập Hội nghị Geneva khởi đầu do sự thỏa thuận của Ngoại trưởng các nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, có sự tham gia của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để bàn về vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thông báo chỉ 6 ngày trước khi Hội nghị chính thức bàn về vấn đề Đông Dương. Điều này khiến cho chúng ta có phần bị động trong việc chuẩn bị các đối sách khi đàm phán và nhất là đã phải chịu sức ép từ các nước lớn, không chỉ với các nước đế quốc Mỹ, Anh, Pháp mà cả với Liên Xô và Trung Quốc.
Bài học kinh nghiệm từ Hội nghị Geneva để lại cho công tác đối ngoại hiện nay là phải thể hiện tinh thần độc lập tự chủ, chủ động. Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của đất nước, nhưng phải nâng cao bản lĩnh không để rơi vào bị động phụ thuộc, tuyệt đối không để Việt Nam bị trở thành quân cờ của các nước lớn, bị các các nước lớn can thiệp, tác động.
Nhân dân Việt Nam vui mừng với việc triệu tập Hội nghị Geneva (Ảnh tư liệu)
- Ba là, xác định đúng thế, lực đã có cùng với xu thế chung của thế giới để đạt được lợi ích cao nhất cho dân tộc.
Nếu chúng ta không có thực lực trong 9 năm kháng chiến, không mở đợt tiến công cuối cùng vào Điện Biên Phủ (01/5/1954), sự thất bại không thể cứu vãn của quân Pháp đã quá rõ ràng thì sẽ không có chuyện ngày hôm sau (02/5/1954), Anh, Pháp, Mỹ mới thông báo qua Liên Xô chấp nhận sự có mặt chính thức của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Geneva.
Các nước lớn sẽ tự thương lượng, mặc cả với nhau trên bàn Hội nghị. Đại diện lực lượng kháng chiến Pathet Lào và Khmer Itsarak tuy đã có mặt ở Geneva và tại phiên họp thứ nhất Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng đã đưa ra đề nghị Hội nghị mời đại biểu kháng chiến Lào và Campuchia, nhưng 2 đoàn đại biểu này vẫn không được các đoàn phương Tây và ngay cả Trung Quốc chấp nhận cho tham dự Hội nghị[3].
Về cơ bản, những kết quả đạt được tại Hội nghị đã phản ánh được tương quan lực lượng trên chiến trường của ta so với Pháp; đồng thời phản ánh tương quan lực lượng giữa các đoàn trên bàn hội nghị và xu thế quốc tế lúc bấy giờ. Bài học rút ra được từ Hội nghị này là phải lấy thực lực làm cơ sở, vì ngoại giao phụ thuộc trước hết vào sức mạnh của đất nước nên thực lực mạnh sẽ nâng cao vị thế của đất nước trong đối ngoại, sẽ làm cho tiếng nói trong đàm phán ngoại giao có trọng lượng. Hiện nay, công tác đối ngoại của chúng ta phải ở một tâm thế mới, bởi chúng ta “đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới”, và “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[4]. Phải đánh giá đúng tình hình, biết mình, biết người, biết thời, biết thế để luôn giữ thế chủ động, biết cương, biết nhu, biết tiến biết thoái trước những diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình[5].
- Bốn là, phải nâng cao công tác nghiên cứu chiến lược để chủ động xử lý các mối quan hệ trong đối ngoại.
Trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta phải lo tập trung nhiều hơn cho nhiệm vụ tối quan trọng là mặt trận quân sự nên chưa có điều kiện để đầu tư nhiều cho ngành ngoại giao. Số cán bộ ngoại giao bấy giờ rất mỏng, chưa được đào tạo bài bản nên thiếu kinh nghiệm, cơ quan đại diện ở nước ngoài ít. Cả khi Đoàn ngoại giao sang tham gia Hội nghị ở Geneva thì ở Bộ Ngoại giao cũng không tổ chức Nhóm Nghiên cứu hỗ trợ cho Đoàn. Chính vì thế nên hầu như chúng ta không có khả năng nắm bắt được ý đồ của các cường quốc có vai trò tại Hội nghị, không đủ thông tin và cũng không phân tích thật thấu đáo các thông tin có được để làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp đàm phán.
Hạn chế này cũng là lý do dẫn đến những bất cập về kết quả đạt được tại Hội nghị Geneva. Khác với về sau, một trong những yếu tố góp phần không nhỏ vào thành công của Hội nghị Paris năm 1973 là có vai trò quan trọng của cơ quan nghiên cứu chiến lược, phục vụ vừa đánh vừa đàm. Từ bài học kinh nghiệm này, yêu cầu đặt ra cho công tác đối ngoại hiện nay là phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, thấy được các xu hướng và đặc điểm của cục diện thế giới mới; xử lý đúng đắn, linh hoạt, hiệu quả trong mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng; đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ. Phát huy nét đặc sắc và độc đáo của trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam": “Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, "tuỳ cơ ứng biến", "lạt mềm buộc chặt"!”[6].
Ngô Văn Minh
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.1.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.15, tr.238.
[3] Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam: Lịch sử Chính phủ Việt Nam, t1 (1945-1955), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.283.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021, Hà Nội, tr.25.
[5] Bùi Thanh Sơn: 3 bài học kinh nghiệm giá trị của ngành ngoại giao Việt Nam, 2024, Dẫn theo Thanh Hà, link: https://laodong.vn/thoi-su/3-bai-hoc-kinh-nghiem-gia-tri-cua-nganh-ngoai-giao-viet-nam-1136374.ldo [truy cập ngày 14/4/2024].
[6] Nguyễn Phú Trọng (2024), Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc, ngày 14/12/2021. Link: https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-doi-ngoai-toan-quoc-102305526.htm, [truy cập ngày 16/4/2024].