Tại Hội nghị Geneva năm 1954, một trong những vấn đề nan giải và mang nhiều toan tính của các nước lớn là thời hạn tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam. Quan điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước trong vòng 6 tháng, nhưng cuối cùng, trong bối cảnh phức tạp của tình hình, thời hạn đó được quyết định kéo dài đến hai năm và trên thực tế chẳng có cuộc tổng tuyển cử nào cả, chúng ta phải thống nhất đất nước bằng sự hy sinh to lớn và dài lâu đến 21 năm của cả dân tộc
Các nước lớn với vấn đề thời hạn tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam
Về phía Mỹ, ngay từ đầu đã phản đối tổng tuyển cử tự do để thống nhất Việt Nam. Nếu Mỹ không ngăn chặn được tổng tuyển cử thì cố gắng trì hoãn càng lâu càng tốt.
Ngày 29/6/1954, Mỹ đã cùng Anh thảo luận và đi đến thỏa thuận 7 điểm gửi Chính phủ Pháp với nội dung: 1) Giữ Lào và Miên; 2) Giữ ít nhất một nửa Việt Nam cho phương Tây, giới tuyến phân vùng chạy ngang qua Đồng Hới, cố gắng giữ một vùng ở Bắc Bộ; 3) Lào, Miên và phần còn lại của Việt Nam không bị hạn chế về chủ quyền, đặc biệt là quyền nhập vũ khí và thuê cố vấn nước ngoài; 4) Không có điều khoản nào có thể làm mất phần còn lại của ba nước Đông Dương; 5) Không loại trừ khả năng thống nhất Việt Nam; 6) Tự do lựa chọn vùng cho dân; 7) Kiểm soát quốc tế có hiệu lực[1].
Trong 7 điều kiện cho giải pháp về Đông Dương, điều 5 nhấn mạnh “Không loại trừ một sự thống nhất sau này của nước Việt Nam bằng con đường hoà bình”. Trong Điện ngày 07/7/1954 của Ngoại trưởng Mỹ Dulles gửi B.Smit, Trưởng đoàn Mỹ ở Geneva, viết: “Chắc chắn là tuyển cử thì cuối cùng có nghĩa là thống nhất nước Việt Nam dưới quyền ông Hồ Chí Minh, do đó điều quan trọng hơn hết là phải trì hoãn càng lâu càng tốt cuộc tổng tuyển cử tự do”[2].
Về phía Pháp, lúc đầu chỉ muốn bàn về quân sự, không bàn về chính trị, nhưng sau Pháp chủ trương có thể thoả hiệp giữa đòi hỏi của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là 6 tháng và dự kiến của Pháp là 22 đến 23 tháng sau khi ngừng bắn. Anh ủng hộ quan điểm của Pháp.
Quan điểm của Liên Xô và Trung Quốc về vấn đề tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, ban đầu không nhắc gì đến thời hạn tổng tuyển cử. Nhất là Trung Quốc, cho đến phút cuối cùng sắp đi đến thoả thuận hai bên, vẫn còn nêu những khó khăn. Điện ngày 30/5/1954, Chu Ân Lai nói chỉ cần nêu cao nguyên tắc thống nhất, không nói đến thời hạn tổng tuyển cử, còn nhấn mạnh thêm: “Các đồng chí Liên Xô nói rõ việc tuyển cử tự do là khó có thể làm được trong một thời gian ngắn”[3].
Ngoại trưởng Anh Anthony Eden (trái), Thủ tướng Pháp Pierre Mendes- France (giữa) và Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles (phải) chào nhau trước cuộc họp riêng tại Paris nhằm thảo luận về các vấn đề của Hội nghị Geneva (Ảnh: Bettmann/Getty Images)
Ngày 16/7/1954, ba phái đoàn Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô thảo luận nhất trí phải có thời hạn bầu cử ở Việt Nam, trước tiên đề ra tháng 6/1955, sau nhượng bộ nói là trong năm 1955. Nếu phía Pháp vẫn không đồng ý thì đề ra việc thành lập một cơ quan có tư cách để nghiên cứu vấn đề bầu cử. Hai bên sẽ hiệp thương để quy định thời hạn bầu cử, làm biện pháp cuối cùng. Đến ngày 19/7/1954, đoàn Việt-Xô-Trung ở Geneva đưa ra phương án thời hạn tổng tuyển cử trong vòng hai năm, một năm sau ngừng bắn có Hội nghị hiệp thương giữa hai miền Nam-Bắc Việt Nam để bàn về vấn đề tổng tuyển cử.
Đấu tranh tại hội nghị
Về tổng tuyển cử ở Việt Nam, Trung Quốc có thái độ muốn hoà giải như vấn đề ranh giới hay vấn đề Lào, Campuchia. Trong cuộc hội đàm tại Berne ngày 23/6/1954, Chu Ân Lai đã nhận rằng, một khi đã đạt được đình chiến, giải pháp chính trị có thể chia ra nhiều bước trong một thời gian khá dài. Điều này được Thủ tướng Pháp Mendes France xem như một kết quả rất tích cực của cuộc hội đàm với thủ tướng Trung Quốc. Về phía mình, đoàn đại biểu Pháp cho rằng cần thiết ra là 2 năm để chính phủ Sài Gòn có thời gian chuẩn bị, đã đưa ra con số từ 2 đến 3 năm là ít nhất.
Ngày 13/7/1954, trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng đã gặp Trần Văn Đỗ, Ngoại trưởng Chính phủ quốc gia Việt Nam trao đổi về vấn đề tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Trần Văn Đỗ tỏ lập trường muốn hoà bình thống nhất. Khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị trong vòng 6 tháng hai bên hiệp thương với nhau nhưng Trần Văn Đỗ không đồng ý.
Ngày 15/7/1954, Ngoại trưởng Liên Xô, đồng Chủ tịch Hội nghị Geneva Molotov đề nghị với Mendes France phải ghi rõ thời hạn tổng tuyển cử trong văn bản hiệp nghị là cuối năm 1955, nhưng Mendes France lảng tránh và còn nhận định bây giờ không định được thời hạn bầu cử và chủ trương vấn đề bầu cử ở Việt Nam tách rời vấn đề bầu cử ở Lào và Miên.
Ngày 16/7/1954, Mendes France yêu cầu ta nhượng bộ nhiều về quân sự để đổi lấy tuyển cử sớm, hé lộ từ trưởng đoàn Pháp về thời hạn tuyển cử có thể là ngày 31/12/1956.
Ngày 17/7/1954, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và Thủ tướng Pháp Mendes France chỉ đề cập sơ qua về vấn đề thời hạn tổng tuyển cử ở Việt Nam. Thủ tướng Trung Quốc nhận xét rằng đây là một trong “những vấn đề quan trọng” phải được thương thuyết trực tiếp giữa Pháp và Việt Minh[4]. Tuy nhiên, ngày 19/7/1954, Chu Ân Lai đưa ra “đề nghị hợp lý là cuộc tuyển cử nên hoãn lại hai năm cho đến năm 1956, còn thời hạn chính xác sẽ do đại biểu hai miền Nam Bắc thoả thuận với nhau”[5].
Trong điện của Chu Ân Lai gửi phái đoàn Việt Nam ngày 20/7/1954 có nói: “Chiều 17/7/1954, M. France còn cho rằng: vấn đề đau óc nhất là vấn đề chia ranh giới và bầu cử. M. France trước sau nhất định không chịu qui định thời hạn bầu cử và nói nếu phải định thời hạn thì cũng phải đợi đến khi quân ngoại quốc rút xong rồi. Ông ta tỏ ra hứng thú với phương pháp của cơ quan hiệp thương tổ chức bầu cử. Ông ta nói phải đi bàn với Trần Văn Đỗ. Eden cũng ủng hộ việc lập cơ quan đó, sau khi quân đội hai bên rút đến đường ranh giới, sẽ lại hiệp thương để định thời hạn bầu cử bằng phổ thông đầu phiếu”[6].
Ngày 18/7/1954, Trần Văn Đỗ lên tiếng chống chia cắt Việt Nam. Đại biểu Ấn Độ nói với phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rằng chỉ cần có một thời hạn nhất định cho tuyển cử. Thời hạn đó có thể xa. Nếu tổ chức Uỷ ban tuyển cử thì có thể định ngày tổng tuyển cử đến sớm hơn.
Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Vyacheslav Molotov bắt tay Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Chu Ân Lai tại Geneva, ngày 25/4/1954 (Ảnh: Bettmann/Getty Images)
Cuối cùng, trong phiên họp ngày 20/7/1954, Liên Xô đưa ra đề nghị tuyển cử sau hai năm và trong vòng một năm hai bên hiệp thương bàn về tổng tuyển cử. Pháp và phái đoàn ta đều thoả thuận nhất trí như đề nghị trên. Thoả thuận được vấn đề thời hạn tổng tuyển cử cũng có nghĩa là thoả thuận được vấn đề phân vùng. Hiệp nghị về Việt Nam được ký kết vào lúc 3 giờ 20 sáng ngày 21/7/1954 (nhưng theo đề nghị của M. France, vẫn để thời gian ghi trong văn bản hiệp nghị là ngày 20/7/1954 để bảo đảm lời hứa của ông ta với cử tri Pháp thành sự thật).
Đấu tranh chống xuyên tạc về Hiệp định Geneva
Hiệp định Geneva là một văn bản có tính pháp lý quốc tế cho một giải pháp đồng bộ về quân sự, chính trị nhằm kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Nó không phải chỉ đơn giản là một thoả thuận ngừng bắn của các bên tham chiến. Hiệp định về cơ bản đã thể hiện được phương hướng, lập trường và mục tiêu của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khi bước vào thương lượng: “Hoà bình, độc lập, thống nhất và dân chủ”.
Các văn bản đạt được trong Hội nghị Geneva về Đông Dương mang lại hệ quả to lớn đó là quân đội nước ngoài phải rút hết khỏi lãnh thổ ba nước Đông Dương và ba nước Đông Dương không tham gia liên minh quân sự với bên ngoài. Điều đó rất quan trọng bởi nó tạo lập lên một môi trường ổn định, hoà bình cho Đông Dương sau chiến tranh. Ngoài ra còn làm thay đổi tương quan lực lượng, cục diện Đông Dương và Đông Nam Á, có lợi cho xu hướng chống ách thống trị và lệ thuộc phương Tây, chống các liên minh quân sự với bên ngoài, vì độc lập, tự do, hoà bình của chính dân tộc mình, đất nước mình.
Với Việt Nam, Hiệp định Geneva có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với cách mạng Việt Nam trong việc thúc đẩy tiến trình đấu tranh của nhân dân ta vì tự do, độc lập, thống nhất, hoà bình. Hiệp định ghi nhận thắng lợi to lớn có tính chất bước ngoặt trong cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam. Nó xác nhận trên phạm vi thế giới sự thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn của một thực dân hùng mạnh, đánh dấu bước mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn hệ thống thực dân phương Tây, góp phần cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trên thế giới.
Có ý kiến cho rằng, chúng ta ký Hiệp định Geneva 1954 không phản ánh đúng thắng lợi và tương quan lực lượng trên chiến trường, làm đất nước ta bị chia cắt và phải 21 năm sau mới thống nhất được. Ý kiến trên dựa vào thế thắng của ta trên chiến trường, muốn thừa thắng xông lên giành thắng lợi hoàn toàn về quân sự. Tuy nhiên, về cơ sở thực tế lúc bấy giờ đây là điều không thể. Bởi lẽ bối cảnh quốc tế không cho ta giành thắng lợi cuối cùng. Các nước đồng minh của ta đều đi vào xu thế hoà hoãn, không ủng hộ ta đến cùng, trong khi Mỹ sẵn sàng tham chiến trực tiếp tại chiến trường Đông Dương. Cách mạng Việt Nam sau chiến dịch Điện Biên Phủ cũng đang cần có thời gian hoà hoãn để xây dựng, củng cố lực lượng.
Hiệp định Geneva đã trở thành một trong những nhân tố quyết định hình thành đường lối chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nó cũng là cơ sở để ta đấu tranh và tranh thủ sự ủng hộ của chính giới và các lực lượng yêu chuộng hoà bình trên thế giới trong cuộc kháng chiến về sau.
Kim Dung
[1] Lưu Văn Lợi: Ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.162-163
[2] Trung tâm thông tin khoa học kỹ thuật – Bộ quốc phòng: Văn kiện 15 Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ ngày 15/08/1953, bản dịch.
[3] Bộ Ngoại giao: Đấu tranh ngoại giao trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (1945-1954), Lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2002, tr 543.
[4] Francois Joyaux: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (Gionevo – 1954), Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1981, tr. 294
[5] Francois Joyaux: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (Gionevo – 1954), Sđd, tr. 295.
[6] Bộ Ngoại giao: Đấu tranh ngoại giao trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (1945-1954), Lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2002, tr 545.