Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là kết quả của nhiều nhân tố hợp thành, trong đó sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định. Nghiên cứu, đánh giá tương quan lực lượng của ta và địch, bám sát thực tiễn chiến trường, dựa chắc vào đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính” để đưa ra những quyết định rất quan trọng mang đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ
Chọn nơi địch mạnh nhất làm trận quyết chiến chiến lược
Nói đây là một quyết định mang tính lịch sử bởi ban đầu trong Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954 của ta cũng như Kế hoạch Navarre của thực dân Pháp đều không nhắc tới địa danh Điện Biên Phủ. Chỉ đến khi quân và dân ta triển khai Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954, bộ dội chủ lực của ta (Đại đoàn 316) tiến công lên Tây Bắc, Trung đoàn 101, Trung đoàn 66 tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với quân giải phóng Lào, biết sẽ bị uy hiếp ở chỗ sơ hở nhất, quân Pháp mới bị động đối phó.
Ngày 20/11/1953, Navarre điều 6 tiểu đoàn nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ với mục đích bảo vệ Lai Châu, chặn đường quân ta tiến sang Thượng Lào và đưa Binh đoàn số 2 ở Trung Bộ tăng cường cho Thượng Lào.
Ngày 25/11/1953, theo lệnh của Navarre, 6 tiểu đoàn đánh chiếm Mường Ngòi, Mường Khoa, xây dựng phòng tuyến sông Nậm U để nối liền Thượng Lào với Điện Biên Phủ.
Ngày 29/11/1953, Nava và Cogny – Tư lệnh Bắc Bộ cùng bay lên Điện Biên Phủ. Ngày 30/11/1953, Đại tá De Castries được bổ nhiệm chỉ huy quân đồn trú ở Điện Biên Phủ. Đến đầu tháng 12/1953, lực lượng phòng giữ Điện Biên Phủ từ 6 tiểu đoàn lên 9 tiểu đoàn bộ binh và 3 tiểu đoàn pháo, được bố trí thành 49 cứ điểm, 8 cụm, chia làm 3 phân khu (Phân khu Bắc, Phân khu Trung Tâm, Phân khu Nam). Mỗi cụm có hệ thống hoả lực nhiều tầng, hệ thống hầm ngầm che chắn ngang dọc, sở chỉ huy, bao bọc bởi thép gai dày 50m đến 200m với vô số các loại mìn. Hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm máy bay vận tải hạng nặng có thể đáp được, với phi đội 12 chiếc thường trực tại sân bay để có thể khống chế cả bầu trời, tự do nối Hà Nội, Hải Phòng, lại thêm sự yểm trợ tối đa của Mỹ ở các sân bay Gia Lâm, Cát Bi và tàu bay của Mỹ.
Tận mắt chứng kiến sự đồ sộ của nó, Navarre đã rất tự tin khẳng định: “Điện Biên Phủ là tập hợp những gì được phòng thủ mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương”. Các chính khách và giới quân sự Pháp cũng rất tự tin. Tướng Blance – Tham mưu trưởng Lục quân Pháp khẳng định “đấy là một Véc đoong ở Đông Nam Á”; Tướng Daniel – Trưởng phái đoàn cố vấn và viện trợ quân sự Mỹ cho Pháp sau chuyến thị sát 6 tuần, “ông ta lên tất cả các điểm tựa, chui vào hầm cố thủ, kiểm tra từng ụ pháo” và khẳng định “Việt Minh chắc chắn sẽ bị đè bẹp”. Giới chức Pháp huênh hoang khẳng định “Điện Biên Phủ là bất khả xâm phạm”, “chúng ta sẽ thắng trong cuộc chiến tranh Đông Dương tại mặt trận Điện Biên Phủ”.
Về phía ta, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp, sau khi nghe Tổng Quân uỷ báo cáo tình hình, Bộ Chính trị phân tích và kết luận: “Về địch, Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng có cái yếu cơ bản là bị cô lập, mọi việc tiếp viện, tiếp tế phải dựa vào đường hàng không. Về ta, với chất lượng đã được nâng cao thêm một bước… với những kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về trang bị kỹ thuật, quân đội ta tới đây có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Vấn đề đường sá, tiếp tế cho chiến dịch đúng là những khó khăn. Nhưng với quyết tâm của toàn đảng, cả hậu phương…nhất định sẽ bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến”[1].
Bộ đội ta hành quân lên Tây Bắc chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Đến đây, một quyết định lịch sử được Bộ Chính trị đưa ra với quyết tâm “dốc toàn lực tiêu diệt bằng được quân địch ở Điện Biên Phủ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chiến dịch này là chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”[2].
“Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”[3].
Chọn người Chỉ huy trưởng xứng tầm cho một trận đánh quyết định
Ngay sau quyết định chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng uỷ mặt trận. Ngày 01/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh được giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng Chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ.
Việc cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm người cầm cân cho một chiến dịch có tính quyết định ở Điện Biên Phủ là một sự lựa chọn “rất đắt” của Đảng ta. Bởi với những kiến thức được hội tụ trong quá trình tự học tập, nghiên cứu, rèn luyện, sự đúc rút kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam, lịch sử quân sự trên thế giới và tài năng quân sự xuất chúng cùng những kinh nghiệm từ thực tiễn chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng trước đó, như: Chiến dịch Biên Giới (9-10/1950), Trung Du (12/1950), Đồng Bằng (5/1951), Hòa Bình (12/1951- 2/1952), Tây Bắc (10-12/1952), Thượng Lào (4-5/1953), chỉ có Đại tướng mới có thể gánh vác được trọng trách khó khăn này. Trong hồi ký của mình, Đại tướng đã chia sẽ về cảm xúc khi nhận nhiệm vụ đầy vinh dự, nhưng trọng trách rất lớn lao mà Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng giao nhiệm vụ, nhất là sau cái tầm tay căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, không chắc thắng, không đánh”[4].
Bản lĩnh, thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thể hiện trong thay đổi về phương châm tác chiến – vấn đề có tính quyết định cho thắng lợi của chiến dịch. Ban đầu, khi quân địch mới nảy dù xuống, lực lượng của địch chưa được tăng cường, bố trí của chúng còn tương đối sơ hở, quân ta thực hiện bao vây Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, thời gian Chiến dịch dự kiến 3 đêm 2 ngày, nổ súng vào ngày 20/01/1954. Nhưng với nhãn quan của một nhà quân sự trong đánh giá, dự báo chiến lược về âm mưu, phương thức, thủ đoạn tác chiến của quân Pháp, Đại tướng nhận thấy địch không còn ở trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố, pháo binh của ta là hỏa lực chủ yếu của Chiến dịch lại không kéo được vào trận địa đúng thời gian, yêu cầu, “nếu đánh nhanh giải quyết nhanh thì tổn thất sẽ rất lớn, chắc chắn sẽ thất bại”[5].
Sau nhiều ngày suy nghĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết đinh: Để bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch, phải tạm ngừng nổ súng, kéo pháo ra, chuẩn bị thêm để đánh theo phương châm tác chiến mới là “đánh chắc, tiến chắc”.
Một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi bộ đội ta đã được chuẩn bị để đánh nhanh, bộ binh đã triển khai đội hình, phần lớn pháo binh đã vào trận địa nay lại rút ra làm cho tư tưởng bộ đội dễ hoang mang. Hơn thế, mọi công tác chuẩn bị đều phải làm lại từ đầu, những khó khăn về cung cấp, vận tải tiếp tế khi mùa mưa đến... sẽ tăng lên.
Ngay cả Cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh cũng khẳng định: “Nếu không tranh thủ đánh sớm khi địch còn đứng chân chưa vững, để nay mai chúng tăng quân và củng cố công sự thì không đánh được, ta sẽ bỏ mất thời cơ”. Để thấy việc thay đổi phương châm tác chiến là một quyết định vô cùng khó khăn, đòi hỏi người cầm quân phải có nhãn quan quân sự cá nhân sắc sảo, bản lĩnh, dũng cảm, quyết đoán, táo bạo, sáng suốt, thể hiện trách nhiệm rất cao trước vận mệnh của dân tộc trong thời điểm có tính bước ngoặt.
Thực tiễn chiến dịch Điện Biên Phủ đã minh chứng cho bản lĩnh, tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ta đã điều chỉnh lực lượng và thế trận, cô lập địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cắt chi viện bằng đường không, vây hãm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và từng trung tâm đề kháng của Pháp, tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới đánh bại toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Bộ đội ta đánh chiếm cứ điểm đồi A1 (Ảnh tư liệu)
Chọn cách đánh công kiên để giành thắng lợi quyết định
"Đánh công kiên là đánh địch phòng ngự trong công sự kiên cố. Đây là cách đánh theo lối chính quy, hiện đại, có sự phối hợp quân binh chủng…" (Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam). Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh đầu tiên ta quyết đinh đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Bởi trước đó, quân ta chủ yếu sử dụng lối đánh du kích ("dùng phương pháp đánh úp, mai phục, hoặc đánh chớp nhoáng thiệt mau làm cho quân địch hoảng khiếp, dao động, làm cho quân ta chiến thắng quân địch một cách dễ dàng..."[6]).
Đánh giá về cách chọn cách đánh này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: "Đây là trận công kiên có quy mô lớn nhất từ khi quân đội ta thành lập cho đến thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi mở đầu chiến dịch ta mới chỉ đánh từng trung tâm đề kháng, từng tiểu đoàn đóng riêng lẻ, lần này ta đánh vào một khu vực gồm nhiều trung tâm đề kháng với nhiều tiểu đoàn" [7].
Để có được quyết định này, Đảng ta đã đánh giá đúng tương quan lực lượng ta – địch, trong đó khẳng định ta có ưu thế về bộ binh với 9 trung đoàn trực thuộc 3 Đại đoàn (308, 312, 316), có một Đại đoàn Công - Pháo (351) và một Trung đoàn pháo cao xạ (367), chưa kể sau đó (vào 20 giờ, ngày 6/5/1954, lần đầu tiên 12 dàn hoả tiễn 6 nòng đã xung trận. Quân ta gọi là hoả tiễn H.6).
Trên cơ sở phân tích khoa học tương quan lực lượng giữa ta và địch, Trung ương Đảng, Tổng quân uỷ đã triển khai cách đánh rất linh hoạt: khi quân Pháp muốn tập trung binh lực thì ta quyết định xé nhỏ binh lực. Nhưng khi quân Pháp muốn xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thành một “cái nhọt hút độc”, để “nghiền nát chủ lực Việt Minh” thì ta lại quyết định đánh thẳng vào đó. Không phải như ngày trước là đánh chỗ yếu, tránh chỗ mạnh mà lần này quân ta đánh thẳng vào chỗ mạnh nhất, chuyển từ vận động chiến sang trận địa chiến, đánh một công kiên với kẻ thù.
Có thể nói, với những quyết định tài tình, sáng suốt của Đảng, sau 56 ngày đêm chiến đấu oanh liệt “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non” chiến đấu vô cùng gian khổ, hi sinh anh dũng, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, tướng Tướng De Castries và toàn bộ Bộ Tham mưu quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị bắt. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Cao Hiệu
[1] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I (1930-1954)/Quyền 2 (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.439-440.
[2] Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tháng 12/1953.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.88.
[4] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Quyết định khó khăn nhất”, Báo Nhân dân Chủ nhật, ngày 8/5/1989.
[5] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ xưa và nay, Tạp chí Xưa và Nay, số 2, tháng 5/1994.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr. 278.
[7] Theo Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.