Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của công tác tuyên truyền, trong đó có tuyên truyền lịch sử Đảng, nhờ đó, đường lối chính sách của Đảng đến với quần chúng nhân dân, nhờ đó những tấm gương anh dũng, những bài học lịch sử quý báu trong lịch sử dân tộc trở thành nguồn sức mạnh, cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phong trào cách mạng
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền và công tác tuyên truyền
Tiếp thu những giá trị của C. Mác - V.I. Lênin về công tác tuyên truyền và nhiệm vụ của những người làm công tác tuyên truyền là: “tiếp tục quan tâm làm sao cho việc tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản được tiến hành trong mỗi nước, và tuyên truyền sao cho nhân dân có thể hiểu được”[1]. Sau khi nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, Nguyễn Ái Quốc cho rằng phải nhanh chóng truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước để hướng dẫn phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân. Người khẳng định chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn ở châu Âu và kiên quyết cho rằng “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa”[2]. Do đó, Nguyễn Ái Quốc tìm mọi cơ hội, tranh thủ mọi điều kiện để kịp thời truyền bá tư tưởng lý luận mới vào trong nước.
Trong Dự thảo báo cáo của Tiểu ban Đông Dương thuộc Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đề nghị: “Công tác tuyên truyền này thực hiện:
a, bằng các báo chí xuất bản ở Pháp.
b, bằng diễn đàn của các đại hội của chúng ta và khi cần, bằng diễn đàn của nghị viện.
c, bằng các hội nghị.
d, bằng mọi phương thức thích hợp với đối tượng, với trình độ giáo dục và văn minh của quần chúng bản xứ ở các thuộc địa”[3].
Từ đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tìm mọi cách, mọi phương thức để tuyên truyền cho nhân dân thế giới và nhân dân Việt Nam đang bị kìm kẹp dưới ách nô lệ thực dân, hiểu rõ để cùng đoàn kết, đứng lên đánh đổ sự thống trị của đế quốc, giành độc lập cho dân tộc.
Báo chí là phương tiện tuyên truyền hiệu quả, được Người sử dụng để tố cáo tội ác của thực dân Pháp gây ra cho nhân dân Đông Dương, tranh thủ sự ủng hộ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thức tỉnh tinh thần yêu nước của bà con Việt kiều và cũng qua họ tìm cách đưa một số tài liệu báo chí về nước bằng nhiều con đường khác nhau.
Người đã lựa chọn một số thanh niên tiêu biểu sang đào tạo tại Liên Xô, mở nhiều lớp bồi dưỡng chính trị ngắn ngày cho một số thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc), chuẩn bị đội ngũ cán bộ trở về nước để tổ chức hoạt động, đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.
Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền để tuyên truyền, giác ngộ đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của Đảng.
Ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8” lên án chiến tranh đế quốc, kêu gọi giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân vùng lên chống đế quốc xâm lược, chống áp bức bóc lột, phản đối chiến tranh phi nghĩa, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xôviết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Tài liệu này cùng với nhiều hoạt động tuyên truyền vận động cách mạng khác góp phần thổi bùng lên phong trào cách mạng.
Trang đầu tác phẩm "Lịch sử nước ta" của Nguyễn Ái Quốc
Năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đội viên tuyên truyền xung phong:
“1) Phải biết rõ mục đích tuyên truyền của mình và trước khi định công tác ở đâu phải đặt rõ kế hoạch.
2) Phải biết chịu kham khổ.
3) Phải biết nhẫn nại. Nói với người nghe một lần người ta không hiểu thì nói đến hai lần, ba lần...
4) Chớ có lên mặt “quan cách mạng”. Chớ có tưởng đi tuyên truyền đây là đi dạy người ta chứ không cần học lại người ta; lãnh đạo người ta chứ không chịu người ta phê bình.
5) Chú ý đến cách phô diễn ý tưởng. Hết sức phổ thông. Cố vào sâu trong dân chúng. Lấy những thí dụ tầm thường trông thấy trước mắt mà nói. Tránh những danh từ khó hiểu. Làm sao cho được 50 người hiểu rõ còn hơn là được 500 người chỉ hiểu lờ mờ.”[4].
Phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền lịch sử Đảng hiện nay
Với mục đích ghi lại những thành tích của Đảng, tổng kết kinh nghiệm, bồi dưỡng truyền thống cách mạng, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao lòng tin tưởng vào Đảng, ngày 24/1/1962, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 01-NQ/TW thành lập Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng trực thuộc Trung ương.
Tiếp đó, ngày 18/9/1962, Ban Bí thư ra Thông tri thành lập Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng ở các khu, thành, tỉnh (chủ yếu ở miền Bắc) và ngày 30/7/1965, Ban Bí thư ra Thông tri về nhiệm vụ và quyền hạn của các Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng địa phương miền Nam. Ngày 10/3/1978, Ban Bí thư ra Chỉ thị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng bộ các đảng bộ tỉnh, thành có nhiệm vụ nghiên cứu và biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương; giúp các cấp ủy địa phương tổng kết những kinh nghiệm lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, góp phần biên soạn lịch sử của toàn Đảng.
Ngày 18/1/2018, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 20-CT/TW về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng[5], nêu rõ những thành tích của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng là đã góp phần tổng kết thực tiễn lịch sử cách mạng qua các thời kỳ, rút ra kinh nghiệm, bài học, quy luật cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo; giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Chiếc bàn đá tại Pác Bó, nơi Bác Hồ làm việc và dịch cuốn "Lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô"
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng còn có những hạn chế, nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ chưa được chú trọng đúng tầm mức. Do đó, Ban Bí thư nhấn mạnh nhiệm vụ “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong Đảng và toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ với phương pháp, cách thể hiện đa dạng, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”[6].
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền lịch sử Đảng, triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 26/01/2022, trong Kết luận số 723-KL/HVCTQG của GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương tại Hội nghị sơ kết toàn quốc 03 năm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW nêu rõ nhiệm vụ của các cấp ủy đảng là: “Thông qua kết quả nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử Đảng, các cấp ủy đảng tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương cho cán bộ, địa phương và nhân dân”[7].
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, Viện Lịch sử Đảng, các bộ, ban, ngành, các cấp ủy địa phương đã tích cực triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn và hoàn thành, xuất bản nhiều công trình lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử ban, ngành, đoàn thể. Kết quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống thấm sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân, giúp bạn bè quốc tế hiểu ngày càng đầy đủ, chân thực, sâu sắc hơn về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đạt được nhiều kết quả cả về số lượng và chất lượng. Công tác tuyên truyền lịch sử Đảng được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đã chuyển tải nội dung lịch sử đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy đã biên soạn đề cương, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động trưng bày hình ảnh, hiện vật liên quan đến lịch sử Đảng bộ; tổ chức các cuộc thi viết, thi trắc nghiệm tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ; các đợt sinh hoạt chính trị, hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ điển hình, xây dựng phim tài liệu về lịch sử Đảng bộ; tích cực tuyên truyền các sự kiện lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, truyền thống lịch sử của ngành, đơn vị đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền, kể từ khi được thành lập đến nay, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương (1962), nay là Viện Lịch sử Đảng (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cùng với các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể Trung ương và các Tỉnh, Thành ủy địa phương luôn đặt lên vị trí hàng đầu công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng, nhất là từ sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 20- CT/TW, nhiệm vụ tuyên truyền lịch sử Đảng ngày càng quan trọng, cấp thiết. Theo đó, các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương cũng luôn luôn đổi mới nhận thức, tư duy để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, góp phần củng cố niềm tin, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, lòng yêu nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.
Minh Dương
[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t, 39, tr 373.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 1, tr 35.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 1, tr 476.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr.72.
[5]Trước đó, ngày 28/8/2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 15-CT/TW Về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa đặt ra nhiệm vụ tuyên truyền lịch sử Đảng.
[6] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng: 60 năm Ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng và phát triển (1962-2022), Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2022, tr 37.
[7] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Viện Lịch sử Đảng: 60 năm Ngành lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng và phát triển (1962-2022), Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2022, tr 76.