Thống nhất đất nước là khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam khi đất nước còn chia cắt. Ngày 30/4 hằng năm là dịp để chúng ta ôn lại những cống hiến, hy sinh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có khát vọng cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời
Khát vọng thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cả cuộc đời của Lãnh tụ Hồ Chí Minh đều mong muốn thiết tha Bắc - Nam sum họp một nhà. Người luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam, bởi “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”.
Với quyết tâm tìm con đường mang lại tự do, độc lập cho dân tộc, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến Cảng Nhà Rồng năm 1911, mang theo một quyết tâm cháy bỏng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.
Từ khi tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiến hành sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, dành được độc lập năm 1945, bước tiếp vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ.
Khi đồng bào miền Bắc được giải phóng, đồng bào miền Nam vẫn trong nỗi đau chia cắt, Người luôn sát cánh, chia sẻ đau thương, mất mát với đồng bào miền Nam anh dũng kiên cường - Thành đồng Tổ quốc. Trong trái tim rộng lớn của Người, mỗi câu nói, mỗi việc làm, mỗi khi ở đâu, làm gì, đều ghi đậm dấu hình Nam Bộ. Người nói: “Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”[1] và “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên.”[2].
Trước chuyến thăm Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, giải đáp những băn khoăn của đồng bào Nam Bộ, ngày 1/6/1946, Bác đã gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định: “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”[3].
Kỷ niệm 6 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến, Người viết: “Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam Bộ”[4].
Kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng, nhưng miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu để bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (9/1954) với một lời hứa và cũng là niềm mong mỏi của Người: “Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó, rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”[5].
Tháng 2/1958, trong Tuyên bố tại cuộc họp báo ở New Deli (Ấn Độ) về vấn đề thống nhất nước Việt Nam, quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Miền Nam là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi”[6].
Ngày 23/10/1963, trong Lời chào mừng các đoàn đại biểu công đoàn quốc tế, Người bày tỏ tình cảm đối với Đoàn đại biểu Hội Lao động giải phóng miền Nam Việt Nam: “Trái tim của tôi và 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn luôn đập một nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam”[7].
Bác Hồ với cây vú sữa mang nặng tình cảm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam (Ảnh tư liệu)
Gần 20 năm, hết đấu tranh chống thực dân Pháp, lại đấu tranh chống Mỹ - Diệm, đồng bào miền Nam thật là những người con anh hùng của dân tộc anh hùng Việt Nam. Miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu "Thành đồng của Tổ quốc" và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất. Vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”[8].
Tháng 8/1969, dù nằm trên giường bệnh nhưng Bác vẫn nghe báo cáo tình hình chiến trường, vẫn theo dõi bản đồ chiến sự miền Nam. Trước lúc đi xa, trong Bản Di chúc, Bác đã dành tình cảm, niềm tin mãnh liệt cho đồng bào miền Nam, cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Người viết: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”[9] và dặn dò: “Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam”[10].
Hoàn thành khát vọng của Người và của cả dân tộc
Sau Hiệp định Geneva, hòa bình lập lại trên miền Bắc nhưng trái tim Hồ Chí Minh chưa phút nào yên, vì miền Nam còn trong nỗi đau chia cắt. Người luôn trăn trở khôn nguôi về miền Nam, về sự nghiệp giải phóng đất nước vẫn còn chưa hoàn tất. Giải phóng miền Nam, thống nhất non sông, trở thành mục tiêu hàng đầu của mọi người Việt Nam yêu nước và đó cũng chính là quyết tâm không gì lay chuyển được của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Cách mạng nước ta đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong Người cháy bỏng hơn lúc nào hết. Để biến khát vọng đó thành hiện thực, Người cùng Trung ương Đảng luôn trăn trở tìm đường lối, phương pháp cách mạng cho từng giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đầu năm 1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 đã xác định con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Bác Hồ với các dũng sĩ nhỏ tuổi miền Nam (Ảnh tư liệu)
Đầu năm 1965, bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến, đồng thời dùng không quân, hải quân tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đứng trước thử thách nghiêm trọng, bạn bè quốc tế lo ngại liệu Việt Nam có thể đương đầu với Mỹ. Song với tư duy khoa học và biện chứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã đánh giá đúng tương quan lực lượng ta-địch và đề ra chủ trương động viên cả nước kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào.
Khi đế quốc Mỹ dùng máy bay ném bom Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, ngày 17/ 7/1966, Người ra lời kêu gọi khẳng định quyết tâm chống Mỹ của nhân dân Việt Nam: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quí hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”[11].
Quán triệt tinh thần đó của Người, miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội với khí thế mới, nhiều nhà máy, xí nghiệp, công - nông trường được xây dựng, chỉ trong một thời gian ngắn, “miền Bắc đã hoàn toàn thay da đổi thịt”.
Ở miền Nam, cuộc đấu tranh đã chuyển qua một giai đoạn mới - kết hợp chặt chẽ trên cả ba mặt đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và đấu tranh ngoại giao. Năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đánh thẳng vào đô thị hầu hết các tỉnh, thành trên toàn chiến trường miền Nam, làm chấn động thế giới.
Sau những thất bại nặng nề trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 và tiếp sau đó là Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (năm 1971), nhất là sau cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, trước tình thế cách mạng và thời cơ đã đến, Đảng quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên với trận đột phá chiến lược Buôn Ma Thuột (ngày 10/3/1975). Chiến thắng Tây Nguyên mở ra cơ hội giải phóng miền Nam sơm hơn dự định, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Sau khi Huế được giải phóng (26/3) và Đà Nẵng được giải phóng (29/3), đến ngày 3/4/1975, giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (ngày 26/4/1975). Vào thời khắc lịch sử 11h 30 phút trưa ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ kính yêu toàn thắng, sự nghiệp giải phóng miền Nam kết thúc thắng lợi.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Sự kiện trọng đại này đã thỏa nỗi khát khao cháy bỏng của hàng triệu người dân Việt Nam yêu nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ tiếc là Người không còn sống đến ngày chiến thắng để vui chung niềm vui của toàn dân tộc Việt Nam.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.14, tr 224.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr 470.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr 280.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr 496.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr 60.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr 266.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr 190.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr 80.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr 613.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr 614.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr 131.