Cách đây 70 năm, ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, mở ra cục diện mới tại Hội nghị Geneva, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương. Trong thắng lợi to lớn đó, có đóng góp nhỏ bé của quân và dân Quảng Bình
Quảng Bình thực hiện kháng chiến “toàn dân, toàn diện”, từng bước phát triển “thế và lực”, cùng với cả nước đi đến trận đánh quyết định ở Điện Biên Phủ
Quảng Bình là tỉnh hẹp nhất cả nước, thuộc miền Trung, có vị trí chiến lược quan trọng ở Liên khu IV. Trong lịch sử 420 năm hình thành và phát triển, mảnh đất Quảng Bình đã chứa đựng những “đau thương” của chiến tranh, ranh giới chia cắt “đôi bờ” đất nước. Nhận thấy tầm quan trọng của Quảng Bình, sau khi xâm lược miền Nam và một số tỉnh ở miền Trung, ngày 27/3/1947, thực dân Pháp đánh vào Quảng Bình nhằm tái xâm lược, hòng chia cắt đất nước, làm bàn đạp tiến công vùng Thanh- Nghệ-Tĩnh hậu phương chiến lược của Liên khu IV và toàn quốc.
Trước tình thế đó, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến của Đảng, tổ chức lãnh đạo nhân dân thực hiện kháng chiến “toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh”. Theo đó, Quảng Bình đã thực hiện song song hai nhiệm vụ cách mạng “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, tổ chức kháng chiến toàn diện trên tất cả các mặt, huy động toàn dân, với phương châm “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng, mỗi xã là một pháo đài”, tổ chức theo ba bước “cầm cự, phòng ngự, phản công”, lấy những thắng lợi trên chiến trường làm bước chuyển trong kháng chiến.
Trong những năm đầu kháng chiến (1947-1949), để thực hiện kháng chiến lâu dài, quân và dân Quảng Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thành lập và xây dựng các chiến khu ở vùng phía Tây, thực hiện “vườn không, nhà trống” chuyển toàn bộ lực lượng, cơ sở vật chất lên vùng rừng núi, thực hiện chiến tranh du kích. Đồng thời, Quảng Bình tổ chức chiến tranh nhân dân bằng việc thành lập các làng chiến đấu, nhiều làng đã trở thành làng chiến đấu “kiểu mẫu” như Cự Nẫm, Cảnh Dương....gây rất nhiều khó khăn cho thực dân Pháp.
Thất bài trong thực hiện chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, thực dân Pháp chuyển sang chiến lược “tằm ăn lá” “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, thực dân Pháp mở nhiều cuộc hành quân càn quét, bắt lính, nhằm cô lập lực lượng kháng chiến của ta.
Đối với Quảng Bình, sau 2 năm thực hiện kháng chiến, phong trào chiến tranh du kích từng bước phát triển, tuy nhiên phong trào chưa đều khắp trong toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở phía Bắc, còn ở phía Nam hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (vùng hậu phương chiến lược) địch vẫn thực hiện được kế hoạch đánh phá bình định, chia cắt, thành lập các hội tề làm tay sai.
Trong bối cảnh đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II (5/1949), quyết định phát động phong trào “Quảng Bình quật khởi” (ngày 15/7/1949) với phương châm hành động: “Rời chiến khu thực hiện hạ sơn, bám dân bám làng hoạt động”. Toàn quân, toàn dân thực hiện khẩu hiệu: “Miền Nam mạnh là Quảng Bình mạnh”[1], đã tiến công các cơ sở của địch, giải tán nhiều hội tề, phát triển rộng phong trào kháng chiến về phía Nam.
Sau tuần lễ Quảng Bình quật khởi, phong trào chiến tranh du kích ở Quảng Bình phát triển mạnh, giành những chiến thắng liên tiếp như Chiến thắng Xuân Bồ (2/1950), Chợ Chè, Sen Bàng, Mỹ Hoà, Ba Đồn, Phú Trịch… tạo nên một chuỗi chiến thắng liên hoàn có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
Năm 1952, huyện Quảng Trạch được giải phóng, hậu phương của ta tiếp tục được mở rộng nối liền với vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến của quân và dân Quảng Bình.
Những chiến sĩ tiêu biểu vừa góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đến chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1954 (Ảnh tư liệu)
Quảng Bình phối hợp với chiến trường chính, chi viện sức người, sức của, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Sau 7 năm thực hiện kháng chiến, thế và lực của ta đã có sự phát triển vượt bậc, trong khi đó, thực dân Pháp ngày càng gặp khó khăn, đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào chiến tranh Đông Dương.
Mùa hè, 1953, Pháp cử tướng Navarre sang làm Tổng chỉ huy các lực lượng quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, tiến hành thực hiện Kế hoạch Navarre với hi vọng “chuyển bại thành thắng” trên chiến trường. Nhằm đánh bại âm mưu của địch, Bộ Chính trị họp (9/1953) quyết định mở chiến cuộc Đông-Xuân (1953-1954).
Để thực hiện chủ trương, Quảng Bình đã chuyển các đơn vị chủ lực ra vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh để huấn luyện, thành lập Đại đoàn. Lực lượng vũ trang tại chỗ chỉ còn 1 tiểu đoàn và 5 đại đội địa phương, nhưng được sắp xếp, chỉnh đốn, bổ sung đủ số lượng.
Thực hiện Kế hoạch Navarre, Pháp đã tăng cường phương tiện chiến tranh nhằm đánh chiếm đất đai, ngăn chi viện của Khu IV cho chiến trường chính Bắc Bộ và Điện Biên Phủ. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Quân khu IV đề ra kế hoạch bảo vệ căn cứ tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh, với 8 nhiệm vụ, đồng thời, Trung ương Đảng giao Liên khu IV phối hợp với nước bạn Lào mở chiến dịch Trung Lào nhằm bảo vệ hậu phương, xây dựng lực lượng và bảo đảm cung cấp phục vụ chiến dịch, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở chiến trường Bình-Trị-Thiên, tiêu hao, tiêu diệt và kìm chân địch, phối hợp với chiến trường chính.
Thực hiện chủ trương nêu trên, quân và dân Quảng Bình đã huy động lực lượng dân công thực hiện vận tải với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, tăng cường chi viện lực lượng phục vụ chiến dịch, nông thôn vùng tự do đã huy động được 60.663 kg thóc, 16.000kg gạo, vận chuyển ra mặt trận 4.000 tấn gạo từ Nghệ An vào các hướng phục vụ chiến dịch[2]…Đồng thời, quân và dân Quảng Bình đã phối hợp các lực lượng của cả nước và nước bạn Lào góp phần giành thắng lợi ở chiến dịch Trung Lào sau 11 ngày liên tục chiến đấu, đã làm phá sản kế hoạch tập trung quân của Navarre, buộc phải phân tán lực lược đối phó với ta trên toàn Đông Dương, tạo điều kiện cho ta tiến công lực lượng địch ở Điện Biên Phủ.
Song song với đó, quân dân tỉnh Quảng Bình liên tục tiến công địch trên tất cả các mặt quân sự, kinh tế, chính trị để phân tán, thu hút địch. Đẩy mạnh tuyên truyền kêu gọi ngụy quân trở về với cách mạng, chống địch thu thuế, lập tề, bắt lính, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, tuyển chọn thanh niên nhập ngũ. Đầu năm 1954, Quảng Bình có 700 thanh niên nhập ngũ[3]. Đồng thời, quân và dân toàn tỉnh đã liên tục phục kích các tuyến giao thông, chống địch càn quét và bao vây tiến công các đồn, lô cốt của địch ở các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh…
Để phối hợp, chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân hai huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch đã đóng góp hơn 15.000 người với gần 300.000 ngày công phục vụ các chiến dịch. Đại đội dân công xã Hưng Hóa, đoàn vận tải thuyền Tuyên Hóa, đoàn vận tải Cảnh Dương, La Hà (Quảng Trạch), Hưng Đạo (Lệ Thủy) là những đơn vị lập nhiều chiến công. Với tinh thần “ Tất cả cho Điện Biên Phủ”, quân và dân Quảng Bình vừa chống địch càn quét, bình định, dồn làng, tập trung dân, phục vụ tiền tuyến; vừa đoàn kết, giúp đỡ nhau tăng gia sản xuất. Vụ chiêm năm 1954, Quảng Bình đã vỡ hoang thêm được 750 hec-ta đất trồng trọt. Tỉnh tạm cấp 3.500 mẫu ruộng đất của Pháp và Việt gian, chia 1.000 mẫu ruộng vắng chủ cho nhân dân cày cấy. Nông dân nhiều vùng đấu tranh đòi giảm tô, giảm tức, thu lại được 380 tấn lúa, 4.120 thùng khoai, sắn, 2.014.850 đồng tiền ngân hàng[4].
Theo tư liệu của Hội Cựu chiến binh Tỉnh, Quảng Bình có 56 chiến sí trực tiếp tham gia chiến dịch, có 5 liệt sĩ hy sinh anh dũng. Ảnh: Cựu chiến sĩ Điện Biên Lê Bá Hùng minh họa hành động kêu gọi địch đầu hàng tại Điện Biên Phủ, Nguồn: báo quangbinh.vn)
Khi nhận được lệnh hỏa tốc của Chính phủ về Chiến dịch mở màn, Quảng Bình đã phát lệnh tổng động viên, dốc người, dốc của ra mặt trận với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, mọi ngành, mọi giới đều dồn hết sức lực cho Điện Biên Phủ. Có gia đình, cả cha con, dâu rể cùng ra tiền tuyến. Nhiều thiếu niên chưa đến tuổi thanh niên cũng hăng hái gia nhập bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Nhiều cụ già cũng tham gia phục vụ chiến dịch.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, các chiến trường trên toàn quốc phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ. Từ ngày 19/12/1953 đến ngày 31/3/1954, với phương châm “đánh nhỏ, chắc ăn” bộ đội địa phương Tỉnh phối hợp với bộ đội địa phương các huyện đánh 265 trận, tiêu diệt 73 tên, làm bị thương 137 tên, bắt sống 66 tên, thu 104 súng các loại với 1.447 viên đạn, phá 16 xe và 4 lô cốt. Tiêu biểu là các trận phá địch càn quét ở La Hà, Tiên Lang (Quảng Trạch), Hưng Đạo, Duy Tân (Lệ Thủy), An Ninh, Tân Ninh, Trường Ninh (Quảng Ninh), Nam Trạch, Bắc Trạch, Trung Trạch (Bố Trạch)[5]. Tính chung trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, quân và dân Quảng Bình đã loại khỏi vòng chiến đấu 763 tên địch, làm bị thương 137 tên, bắt sống 66 tên, thu nhiều súng đạn các loại, phá huỷ nhiều xe cơ giới. Riêng lực lượng du kích đã tổ chức hoạt động 217 lần, diệt 58 tên, làm bị thương 56 tên, phá huỷ 4 xe vận tải[6]...
Song song với việc tập trung sức người sức của chi viện chiến trường Điện Biên cũng như các hoạt động tác chiến của bộ đội địa phương, dân quân du kích ở vùng sau lưng địch phối hợp với chiến trường chính làm thất bại các kế hoạch của địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có những người con ưu tú của quê hương Quảng Bình đã tham gia trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ, nhiều người đã anh dũng hi sinh. Đặc biệt, Quảng Bình có Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng chỉ huy quân và dân ta, góp phần đánh bại đội quân xâm lược của thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Có thể nói, Quảng Bình không phải là chiến trường chính, trực tiếp diễn ra chiến dịch nhưng “dưới sự lãnh đạo của Đảng, hòa cùng tiếng súng tiến công địch trên khắp các chiến trường Đông Dương, tiếng súng của quân và dân Quảng Bình trong Đông Xuân 1953-1954 đã góp phần làm nên chiến thắng vang dội ở Điện Biên Phủ, đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp”[7]. Tinh thần ấy là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, anh dũng, kiên trung của nhân dân Quảng Bình trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển.
Lịch sử càng trôi xa qua, có thể xóa đi những dấu vết nhưng không thể xóa những giá trị cao đẹp. Hòa chung không khí 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 420 năm thành lập tỉnh, trong vận thế mới, khí thế mới, cần thiết phải phát huy các giá trị lịch sử trong bối cảnh mới để hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, tập I (1930-1954), tr.224-225
[2] Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Pháp xâm lược, Nxb Thuận Hóa, 1994, tr.96-97
[3] Quảng Bình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954, Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh, 1991, tr.246
[4] Quảng Bình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954, Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh, 1991, tr.254
[5] Quảng Bình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954, Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh, xuất bản 1991, tr.256
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, tập I (1930-1954), tr.279-280.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, tập I (1930-1954), tr.282