Cuối tháng 2/1975, một phái đoàn dân biểu Hoa Kỳ đến tìm hiểu tình hình ở miền Nam Việt Nam nhằm xem xét giải ngân khoản viện trợ khẩn cấp 300 triệu USD của Hoa Kỳ cho chính quyền Sài Gòn. Nhưng cuối cùng, Hoa Kỳ đã quyết định rút hoàn toàn khỏi cuộc chiến. Không có viện trợ Mỹ, đúng hai tháng sau, chính quyền Sài Gòn sụp đổ
Tình hình bi đát sau khi mất Phước Long
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, với số lượng phương tiện chiến tranh khổng lồ do Hoa Kỳ để lại và khẩn trương viện trợ ngay trước những ngày ký hiệp định, chính quyền Sài Gòn đã tiến hành các cuộc hành quân bình định, lấn chiếm vùng giải phóng Hàng nghìn xã ấp giải phóng với hàng trăm nghìn dân đã bị chính quyền Sài Gòn kiểm soát trở lại.
Trong thời điểm cuối năm 1973 và trong năm 1974, chính quyền Sài Gòn vẫn đủ sức chiếm lại các vùng đã mất và tiến hành cuộc chiến tranh với cường độ cao với quân giải phóng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 1975, tình hình đã thay đổi với sự kiện tỉnh Phước Long chỉ cách Sài Gòn khoảng 100 cây số đã bị quân giải phóng chiếm toàn bộ và chính quyền Sài Gòn không còn đủ sức mạnh để tái chiếm. Sức mạnh của quân đội Sài Gòn đã suy giảm đến mức báo động sau 2 năm tiến hành chiến tranh trong lúc viện trợ của Hoa Kỳ cho chính quyền Sài Gòn bị cắt giảm. Trong bối cảnh đó, chính quyền Sài Gòn đề nghị Hoa Kỳ viện trợ khẩn cấp 300 triệu đô la.
Trong số 300 triệu USD thì 203 triệu USD được dự tính chi tiêu cho Lục quân, trong đó: đạn, dược, xăng dầu 132 triệu USD, thuốc men 6 triệu USD, phụ tùng thay thế 48 triệu USD và các vật liệu khác 17 triệu USD.
91 triệu USD được dự tính chi tiêu cho Không quân trong đó: các phi vụ 29 triệu USD, đạn dược 13 triệu USD, đồ phụ tùng thay thế 32 triệu USD và các vật liệu khác 17 triệu USD.
Số tiền được cho là có ý nghĩa sống còn đối với chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Tuy nhiên, chủ trương rút hoàn toàn khỏi cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ lúc này đang thắng thế trong Quốc hội Hoa Kỳ. Việc thông qua viện trợ không phải dễ dàng như trước đây. Vì thế Hoa Kỳ đã cử một phái đoàn Quốc hội đến điều tra tình hình tại miền Nam Việt Nam để xem xét việc tháo gỡ khoản viện trợ khẩn cấp 300 triệu USD này.
Gói viện trợ 300 triệu USD
Ngày 24 và 25/1/1975, Tổng thống Thiệu liên tiếp gửi hai văn thư cho Tổng thống Ford nói tới tình trạng cạn kiệt đạn dược của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Nguyễn Văn Thiệu kể lể: trong trận Phước Long – quân đội Sài Gòn “phải đếm từng viên đạn trước sức mạnh hùng hậu của quân đội Bắc Việt để chiến đấu được lâu hơn.”
Thông cảm với tình cảnh khốn cùng của đồng minh, Tổng thống Geral Ford yêu cầu Quốc hội xem xét lại số tiền 300 triệu USD viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam Cộng hòa đã bị Quốc hội cắt.
Một phái đoàn gồm 6 dân biểu lưỡng đảng được phái tới Sài Gòn để “thẩm định” việc giải ngân số tiền này.
Thật không may cho Nguyễn Văn Thiệu, đa số người trong phái đoàn lại là những người có cả một quá trình chống chiến tranh, chống viện trợ, chống Chính phủ miền Nam, đòi Hoa Kỳ rút hoàn toàn khỏi cuộc chiến.
Đó là Ông Paul Mc Closkey, Đảng Cộng hòa, dân biểu California, là người đã chống đối mạnh mẽ ông Nixon khi ông này ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai vào năm 1972, chủ trương rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam .
Người thứ hai là bà Bella Savitzky Abzug, Đảng Dân chủ, dân biểu New York, một dân biểu chủ trương “chống quân dịch” và đặc biệt là cực lực chống lại sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Ông Donald Fraser, Đảng Dân chủ, dân biểu Minnesota, một người luôn chủ trương phải cắt hết viện trợ cho những quốc gia không tôn trọng ‘nhân quyền’ trong khối các nước không theo cộng sản, bất kể nước đó có ở trong tình trạng chiến tranh hay không.
Phái đoàn được dẫn đầu bởi Dân biểu John Flynt thuộc Đảng Dân chủ, một cựu quân nhân, tương đối có thiện cảm với chính quyền Sài Gòn. Nhưng sự chi phối của ông này đối với các thành viên phái đoàn điều tra hầu như không có.
Yêu cầu của phái đoàn là phải để cho họ được tự do muốn đi đâu thì đi, muốn gặp ai thì gặp. Đây là một cái thế vô cùng khó khăn với chính quyền Sài Gòn lúc đó. Bởi chính quyền Sài Gòn biết phái đoàn này không có thiện cảm với mình. Nếu đáp ứng yêu cầu này thì chắc chắn những thành viên trong đoàn sẽ “vạch lá tìm sâu”, sẽ lợi dụng cơ hội để chụp hình, ghi âm những cáo buộc họ đã được nghe về chính phủ, để chứng minh là lập trường trong quá khứ của họ là đúng.
Nhưng đang ở vào thế cầu cạnh, phía Việt Nam Cộng hòa phải chấp nhận tất cả mọi yêu sách. Cả một chương trình làm việc được sắp xếp. Phái đoàn sẽ được tự do muốn làm gì thì làm, muốn gặp ai thì gặp, tuyên bố gì thì cứ việc tuyên bố. Kể cả được tự do đi “thanh tra” những “cấm địa” như cơ sở quân sự, khám Chí Hòa, “chuồng cọp Côn Sơn.” Nghị sĩ McCloskey còn tới Sài Gòn ngày 24/2, trước tất cả các thành viên khác, để yêu cầu được đi thăm các trại giam tù nhân chiến tranh.
Cuộc họp căng thẳng
Vừa đáp xuống Tân Sơn Nhất, phái đoàn đã xé lẻ, mỗi người một ngả, đi gặp đủ mọi thành phần: chống chính phủ, phản chiến như bà Ngô Bá Thành, ông Huỳnh Tấn Mẫm, Cha Thanh, vào khám Chí Hòa phỏng vấn “tù chính trị”...
Hầu hết các câu hỏi chỉ xoay quanh những vấn đề: tham nhũng, độc tài, lạm quyền của Chính phủ Thiệu, bằng chứng chính quyền Sài Gòn đã vi phạm Hiệp định đình chiến.
Bà Abzug đang phát biểu trong một sự kiện phản chiến tại Đồi Capitol thời Chiến tranh Việt Nam (Ảnh tư liệu Getty Images)
Trong một bữa cơm chiêu đãi do Thủ tướng Trần Thiện Khiêm mời, bà Abzug công khai bày tỏ thái độ. Khi chủ nhân mời khách nâng ly rượu, bà ngồi yên, không động đậy gì cả.
Sau khi đi thăm viếng các nơi, phái đoàn trở về Sài Gòn họp với Tổng thống Thiệu ngày thứ Sáu 28/2 để kết luận tình hình. Chính quyền Sài Gòn hy vọng phái đoàn sẽ có thái độ tích cực đối với đề nghị giải ngân 300 triệu USD viện trợ quân sự khẩn cấp lấy lại sức mạnh quân đội Sài Gòn.
Nhưng hy vọng của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tiêu tan. Diễn biến buổi họp rất tiêu cực. Nhiều người, dù đã đoán trước là bầu không khí sẽ không được cởi mở, thân mật, nhưng không ngờ nó lại trở nên căng thẳng đến thế.
Không thấy phái đoàn đả động gì đến nhu cầu viện trợ mà chỉ đặt những câu hỏi để chứng minh là họ đã có một lập trường đúng trong quá khứ, tập trung công kích, moi móc Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu:
- “Tại sao ông đã vi phạm Hiệp định Paris đang khi ông lại đặt điều kiện là Bắc Việt phải thi hành Hiệp định Paris?”
- “Ông đã đòi Bắc Việt rút quân như một điều kiện điều đình, ông vẫn còn muốn viện trợ quân sự?”
- “Ông muốn viện trợ kinh tế mãi sao? Chừng bao lâu nữa?”
-“Chúng tôi nghĩ rằng viện trợ Hoa Kỳ sẽ tùy thuộc vào một số yếu tố, như việc thả tù binh chính trị, chống tham nhũng, việc thành lập một lực lượng thứ ba. Quý vị đã làm gì cho các vấn đề này? Chúng tôi rất quan tâm.”
Trước những câu hỏi hóc búa của phái đoàn, thái độ Nguyễn Văn Thiệu căng thẳng tột độ. Ông ta không nghĩ tình hình buổi làm việc lại tệ hại đến thế.Vẻ mặt bà Bella Abzug thì được mô tả “đằng đằng sát khí”. Bà dân biểu Millicent Fenwick (New Jersey) thì thản nhiên hút thuốc ngay trong buổi họp và trước mặt Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Tổng trưởng Kế hoạch của chính quyền Sài Gòn, phụ tá đặc biệt của Nguyễn Văn Thiệu mô tả cảm xúc của Tổng thống: “Mắt chớp chớp, gương mặt căng thẳng. Dường như ông đang cố gắng đè nén sự phẫn nộ để giữ bình tĩnh. Nhìn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong buổi họp hôm ấy, chúng tôi cảm nhận được sự chua cay của người lãnh đạo miền Nam Việt Nam phải nhờ vả đồng minh”.
Cuộc họp kết thúc trong căng thẳng, hy vọng được viện trợ khẩn cấp 300 triệu USD của chính quyền Sài Gòn tan thành mây khói.
Bữa tiệc cuối tại Dinh Độc Lập
Chiều ngày 01/3/1975, Dinh Độc Lập mở tiệc chiêu đãi phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ tại Phòng Khánh tiết vì hôm sau phái đoàn lên đường ra về. Dù có tin đồn là một số khách sẽ không đến dự, nhưng rồi tất cả mọi người trong phái đoàn đều đã đến đúng giờ.
Phái đoàn chính quyền Sài Gòn tìm đủ cách để lấy lại thiện cảm của bà Bella Abzug, nói về những chuyến đi thăm Brooklyn (vùng phụ cận New York) nơi sinh trưởng của bà, về đường Mott Street ở Phố Tàu New York vì bà thích ăn cơm Tàu. Phòng Hành chính Dinh Độc Lập còn đặt những món ăn hấp dẫn từ nhà hàng Bát Đạt ở Chợ Lớn cho bà thưởng thức. Nhưng bà Bella Abzug không thay đổi thái độ.
Cuối bữa tiệc, Nguyễn Văn Thiệu phát biểu:
“Trong hai mươi năm qua, nhân dân miền Nam đã được nghe đi nghe lại lời nói của năm vị tổng thống Hoa Kỳ, thuộc cả lưỡng Đảng.
Những lời đó đã được các vị dân biểu nước Mỹ liên tục ủng hộ, là Hoa Kỳ quyết tâm cung cấp cho Việt Nam Cộng Hòa đầy đủ viện trợ chừng nào họ còn sẵn sàng chống lại sự xâm lăng của cộng sản để bảo vệ tự do của họ.
Lời cam kết đó đã được nhắc lại một lần nữa trong dịp ký kết Hiệp định Paris.
Vấn đề giản dị là như thế này: “Liệu những lời cam kết ấy của Hoa Kỳ có còn giá trị nào không?” Đó là thông điệp tôi muốn quý vị chuyển tới Đại hội thứ 94 của Quốc hội Hoa Kỳ”.
Phòng Khánh tiết Dinh Độc Lập, nơi diễn ra buổi tiệc chiêu đãi đoàn Quốc hội Hoa Kỳ
Cuối bài phát biểu, Nguyễn Văn Thiệu nhấn mạnh: “Tôi xin phép được ngợi khen những người bạn đích thực của chúng tôi đang hiện diện ở đây về sự khôn ngoan và tầm nhìn xa của họ. Tôi xin phép được nhắc lại ở đây ý nghĩa của một câu ngạn ngữ Việt Nam: Quà tặng đã quan trọng, nhưng cách tặng quà còn quan trọng hơn nhiều”.
Theo mô tả của ông Nguyễn Tiến Hưng thì bà Bella Abzug chẳng nghe thấy gì vì thái độ hoàn toàn lơ đãng và thậm chí còn dường như ngủ gật sau những ngày làm việc bận rộn. Nguyễn Văn Thiệu cứ nói và phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ chả ai để ý nghe.
Cuộc họp cho thấy, Hoa Kỳ muốn chấm dứt mọi dính líu đến chính quyền Sài Gòn. Quốc hội Hoa Kỳ sau đó quyết định cắt 300 triệu USD viện trợ quân sự khẩn cấp. Ngày tàn của chế độ Sài Gòn đã điểm.
Lê Minh