Chiến thắng Điện Biên Phủ - Chiến công chói lọi, tạo ra bước ngoặt lịch sử vĩ đại cho dân tộc ta nói riêng và các dân tộc thuộc địa trên thế giới nói chung. Chiến thắng này có một nguyên nhân vô cùng quan trọng là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Những đóng góp của Bình Định, với vai trò hậu phương và trực tiếp góp phần đánh bại chiến dịch Át Lăng (Atlante), chia lửa với mặt trận Điện Biên Phủ là một minh chứng sống động cho điều đó
Từ tiếng bom cảm tử của cảm tử quân Ngô Mây
Đóng góp quan trọng đầu tiên của lực lượng vũ trang Bình Định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là tiếng bom của chiến sĩ cảm tử quân Ngô Mây.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đầu năm 1947, tại Gia Lai, ta tổ chức lại lực lượng vũ trang chống lại các mũi tiến công mở rộng địa bàn chiếm đóng của quân Pháp. Ngày 24/10/1947, Ngô Mây, chiến sĩ Đại đội Quyết tử 51A, Trung đoàn 94 đã anh dũng hy sinh khi đánh bom cảm tử tại trận Rộc Dứa, Suối Vối, An Khê, Gia Lai.
Tiếng bom của chiến sĩ cảm tử quân Ngô Mây, quê ở thôn Vân Triêm - nay là thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã có sức cổ vũ hết sức to lớn về mặt tinh thần cho Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Định, anh dũng kháng chiến, thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Năm 1955, chiến sĩ cảm tử quân Ngô Mây được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng danh hiệu Anh hùng Quân đội.
Anh hùng Ngô Mây, biểu tượng cho tinh thần kháng Pháp của quân và dân Bình Định
Đến làm tròn vai trò hậu phương với các chiến trường
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954), Bình Định thuộc vùng tự do Liên khu V. Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo xây dựng hậu phương liên hoàn gồm 4 tỉnh: Nam, Ngãi, Bình, Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), đồng thời, xây dựng hậu phương toàn diện (Kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, giáo dục, xây dựng Đảng…).
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, trực tiếp là Khu uỷ Khu V, Đảng bộ tỉnh Bình Định đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh làm tròn vai trò của hậu phương trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trên cơ sở xây dựng hậu phương vững mạnh về mọi mặt, Bình Định đã bảo đảm chi viện tối đa sức người, sức của cho các chiến trường; đồng thời, tiếp nhận và nuôi dưỡng thương binh từ các chiến trường đưa về; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; Bình Định còn đảm nhận nghĩa vụ quốc tế khi tiếp nhận và chăm sóc, bảo vệ Hoàng thân Souphanouvong của Chính phủ kháng chiến Lào.
Và đánh bại chiến dịch Át Lăng
Tháng 5/1953, Henri Navarre được điều sang chiến trường Đông Dương, ông ta đã đề ra một kế hoạch quân sự mới. Mục đích chính của kế hoạch này là giành một chiến thắng quân sự trên chiến trường để chiếm ưu thế trên bàn đàm phán, tạo điều kiện cho Pháp rút khỏi cuộc chiến tranh Đông Dương trong danh dự.
Trước âm mưu mới của thực dân Pháp, tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp thông qua Kế hoạch tác chiến Đông – Xuân (1953 – 1954) của Quân ủy Trung ương, với nội dung cốt lõi là: Tiến hành một số đòn tấn công vào một số hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối sơ hở, nhằm đạt hai mục đích: thứ nhất, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của địch, thứ hai, buộc địch bị động, phân tán lực lượng thành nhiều điểm đóng quân khác nhau.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, quân và dân ta trên các chiến trường đã tiến hành 5 đòn tiến công chiến lược, buộc địch bị động phân tán lực lượng thành 5 nơi đóng quân lớn, trước khi vào quyết chiến tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Một trong năm đòn tiến công chiến lược ấy là Tây Nguyên.
Quân Pháp ra hàng tại An Khê, Gia Lai, Bắc Tây Nguyên (Ảnh tư liệu)
Đầu tháng 2/1954, ta tiến công địch ở Bắc Tây Nguyên, giải phóng Kon Tum, uy hiếp Pleiku. Navarre điều quân từ Nam Tây Nguyên lên ứng cứu Pleiku, biến Pleiku thành nơi tập trung binh lực thứ tư. Để cứu vãn tình thế này địch đã thực hiện cuộc hành quân Át Lăng lần thứ hai đánh vào Bình Định.
Tuy nhiên, “Sau hơn 3 tháng (từ ngày 10/3 đến ngày 18/6/1954), phối hợp chặt chẽ với chiến trường chính và cả nước ở Điện Biên Phủ và chiến trường chính của Liên khu V ở Tây Nguyên, quân và dân Bình Định đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.500 tên địch, trong đó, có 1.000 tên bị thương, 51 bị bắt (có 31 biệt kích), 30 tên ra hàng, ta phá hỏng 6 xe quân sự; thu 55 súng các loại. Ta không những phá tan âm mưu nhanh chóng chiếm Nam Bình Định làm bàn đạp đánh chiếm toàn tỉnh của địch mà còn bảo vệ được tính mạng và tài sản của nhân dân ở các vùng chiến sự” 1.
Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, không những là chiến thắng của dân tộc Việt Nam mà còn của nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý, một trong những chiến công hiển hách, được ví như Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa thế kỷ XX, chúng ta cùng nhìn lại sự phối hợp quan trọng của Đảng bộ, quân và dân Bình Định với chiến trường cả nước nói chung, chiến trường Điện Biên Phủ nói riêng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính và dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu uỷ Khu V, Đảng bộ tỉnh Bình Định đã lãnh đạo quân và dân tỉnh nhà hoàn thành xuất sắc vai trò của hậu phương - Vùng tự do Liên Khu V, huy động sức người, sức của tới mức cao nhất cho cuộc kháng chiến nói chung, chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng.
Không dừng lại ở đó, Đảng bộ, quân và dân Bình Định còn trực tiếp cầm súng bảo vệ hậu phương. Điển hình rõ nhất là góp phần làm phá sản chiến dịch Át Lăng, làm phá sản âm mưu của địch và trực tiếp “chia lửa” với chiến trường chính Điện Biên Phủ.
Những đóng góp to lớn của quân và dân Bình Định là bằng chứng sinh động minh chứng cho sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn được khơi dậy, phát huy tới cao độ bởi đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam.
Những đóng góp to lớn ấy còn chứng tỏ lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân Bình Định, luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, cho dù phải hy sinh tới đâu, quyết chiến đấu giải phóng quê hương, đất nước.
Chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng rằng, phát huy truyền thống quý báu ấy, trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay, Đảng bộ tỉnh Bình Định tiếp tục lãnh đạo quân và dân tỉnh nhà, tiếp tục nỗ lực tới mức cao nhất, thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu để Bình Định sớm trở thành “tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung”.
Văn Minh
____________________
1. Ban Chấp hành Đảng Bộ tỉnh Bình Định: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định, tập 2, Công ty in Nhân dân Bình Định, xuất bản năm 2018, tr.165.