Không phải đến khi Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc được thành lập, công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ của Đảng mới được tiến hành, mà ngay từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã trực tiếp đào tạo, huấn luyện cán bộ, chuẩn bị cho sự thành lập Đảng Cộng sản và công việc đó được tiếp tục ngay trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (trước năm 1930)
Trong quá trình chuẩn bị các điều kiện để thành lập chính Đảng cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đặc biệt ý thức về vai trò quan trọng của học tập lý luận và ý nghĩa chiến lược của việc đào tạo cán bộ.
Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô đến Quảng Châu (Trung Quốc) để thực hiện việc mở lớp huấn luyện cho những thanh niên yêu nước Việt Nam có mặt tại Quảng Châu về con đường cứu nước giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.
Tháng 2/1925, Người lựa chọn một số thanh niên tích cực trong Tâm tâm xã (một tổ chức yêu nước do một số thành niên yêu nước thành lập ở Quảng Châu) để truyền bá lý luận, đường lối và phương pháp hoạt động cách mạng cho họ[1]. Số thanh niên này sau khi học xong được phân công về nước hoạt động và tuyển chọn người học các lớp sau.
Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc). Trong Chương trình hoạt động của Hội, có nội dung huấn luyện cho các hội viên. Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tổ chức các lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách; phái người về nước vận động, lựa chọn để đưa một số thanh niên tích cực sang Quảng Châu đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng về chính trị, tổ chức. Những lớp đầu diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau, từ sau tháng 6/1926, các lớp học được đặt ở nhà số 13A, 13 B, đường Văn Minh (nay là số nhà 248-250, đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc). Sau cuộc phản biến của Tưởng Giới Thạch, Tổng bộ Thanh niên chuyển vào hoạt động bí mật, các lớp học được tổ chức bí mật ở Bản Đáy (Quảng Tây, Trung Quốc), ở Đông Bắc Xiêm...
Nguyễn Ái Quốc đào tạo cán bộ ở Quảng Châu, Trung Quốc (Tranh tư liệu)
Từ năm 1926 đến cuối năm 1927, Tổng bộ Thanh niên mở tiếp 5 lớp, đào tạo nhiều cán bộ chủ chốt cho phong trào cách mạng. Lớp thứ nhất mở vào tháng 3/1926, có các học viên: Lê Duy Điếm, Vũ Nam Hồng, Ngô Chính Quốc, Trương Vân Lĩnh, Hà Huy Tập, Nguyễn Sinh Thân, Đặng Thái Thuyến...; Lớp thứ hai mở vào tháng 7/1926, có các học viên: Trần Phú, Phan Trọng Bình, Phan Trọng Quảng, Nguyễn Ngọc Ba, Nguyễn Văn Lợi...; Lớp thứ ba mở vào khoảng tháng l0/1926, gồm các học viên: Phạm Văn Đồng, Đỗ Ngọc Du, Trần Văn Cung, Nguyễn Sĩ Bách, Lê Mạnh Trinh, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Thiệu...; Lớp thứ tư mở vào tháng 3/1927, có các học viên: Nguyễn Hới, Ngô Thiêm, Nguyễn Văn Ngọ…; Lớp thứ năm mở vào tháng 9-1927, có các học viên: Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Đăng Huyến, Trường Chinh, Nguyễn Văn Hoan.... Số học viên được huấn luyện, đào tạo là 75 đồng chí.
Nội dung, chương trình huấn luyện ở các lớp học này rất phong phú nhưng thiết thực. Học viên được nghiên cứu tình hình thế giới, lịch sử tiến hóa nhân loại, phong trào giải phóng dân tộc ở Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam, chủ nghĩa Tam dân và chủ nghĩa Mác - Lê nin có liên hệ với cuộc các mạng Nga; lịch sử Pháp chiếm Đông Dương và phong trào cách mạng. Học viên cũng được nghe giảng về Quốc tế Cộng sản, các hình thức tổ chức của đảng cộng sản, công tác bí mật, hình thức tuyên truyền và cổ động...[2].
Trong các lớp huấn luyện tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc là giảng viên chính. Các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn là phụ giảng. Riêng lớp thứ năm (mở tháng 9/1927) do sự phản bội của Tưởng Giới Thạch, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Liên Xô nên các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm, Lê Quảng Đạt phụ trách lớp học. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn mời một số nhà cách mạng Trung Quốc như: Chu Ân Lai, Trương Thái Lôi, Trần Diên Niên, Lý Phú Xuân, Bành Bái,...và một số cố vấn Liên Xô, như: M.M. Bôrôđin, V.K. Bliukhe...lúc bấy giờ làm việc tại Trường Quân chính Hoàng Phố, đến giảng bài.
Phần lớn những cán bộ được đào tạo đều được đưa về trong nước vận động công nhân, nông dân và trí thức tham gia cách mạng. Một số học viên sau khi tham dự các lớp huấn luyện được chọn cử đi học tại Trường Đại học Cộng sản phương Đông (Liên Xô), trong đó, có đồng chí Trần Phú; một số được cử đi học quân sự ở Trường Quân chính Hoàng Phố (Trung Quốc).
Nhiều đảng viên trong các tổ chức cách mạng khác như Nguyễn Đức Cảnh (Việt Nam Quốc dân Đảng), Lê Duy Điếm, Trần Phú, Nguyễn Sĩ Sách… (Hội Phục Việt, sau đổi thành Tân Việt cách mạng Đảng) sau khi học đã tiếp thu đường lối mới của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và ly khai đảng cũ. Hầu hết những người theo học ở Quảng Châu đều giác ngộ cách mạng, và trở thành người cộng sản.
Hiệu quả to lớn của các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ ở Quảng Châu là đã giúp nhiều người yêu nước từ nhiều xu hướng chính trị và tổ chức khác nhau quay về một hướng, đồng tâm, nhất trí tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường Nguyễn Ái Quốc vạch ra.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu, tháng 8/2024
Công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ của Đảng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc dân tộc (1930-1945)
Từ năm 1930, theo chỉ thị của Trung ương, các cấp bộ Đảng đã nghiên cứu, học tập, quán triệt các văn kiện quan trọng của Đảng như Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc; Luận cương chánh trị, nghị quyết của Trung ương, thư của Quốc tế Cộng sản; hoặc học những vấn đề lý luận như: Chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa cộng sản với vấn đề dân tộc, phê phán chủ nghĩa cải lương và quan điểm quốc gia hẹp hòi... Hoạt động trong điều kiện bí mật, luôn bị thực dân Pháp và tay sai khủng bố, vây lùng, truy bắt cán bộ và tiêu diệt cơ sở, Đảng Cộng sản Việt Nam (từ tháng 10/1930 đến tháng 2/1951 là Đảng Cộng sản Đông Dương) luôn quan tâm giáo dục, đào tạo, rèn luyện cán bộ, đảng viên.
Trong và sau cao trào cách mạng 1930-1931, nhiều đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt, bị cầm tù. Các đảng viên cộng sản đã anh dũng, kiên cường, chủ động, sáng tạo tự đào tạo, rèn luyện cán bộ, biến nhà tù đế quốc thành “trường học” cách mạng.“Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày ở tù để hội họp và học tập lý luận”[3]. Các lớp học ở trong nhà tù đều theo phương châm cần gì học nấy, lý luận gắn liền với yêu cầu của thực tiễn cách mạng. Tại các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Buôn Ma Thuột, Kon Tum và nhất là nhà tù Côn Đảo, là các “Trường Đại học chính trị” đã đào tạo và tôi luyện hàng nghìn cán bộ của Đảng. Trong cao trào đấu tranh dân chủ 1936-1939, đế quốc Pháp phải ân xá hàng nghìn tù chính trị Đông Dương. Tính đến ngày 06/10/1937, đã có 1.532 tù chính trị, phần lớn là những chiến sĩ cộng sản, thoát khỏi nhà tù của đế quốc Pháp.
Tháng 11/1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng lên hàng đầu. Hội nghị quyết định phải vũ trang lý luận cho cán bộ, đảng viên; phê phán tư tưởng sai lầm cho rằng “cách mạng chỉ có thực hành, không cần lý luận”. Để đào tạo cán bộ có kết quả, hội nghị quyết định mở những lớp huấn luyện lý luận cách mạng cho đảng viên, động viên họ học tập, nghiên cứu.
Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), chuẩn bị về nước để hiện thực hóa khát vọng: “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”[4]. Người chủ trương mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đầu tháng Giêng năm 1941, trước khi rời Tĩnh Tây, vượt biên giới vào Việt Nam, tại hai địa điểm Nặm Quang và Ngàm Tảy, Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí đã tiến hành huấn luyện cho 40 cán bộ người Cao Bằng vừa sang Trung Quốc để tránh sự truy lùng của thực dân Pháp. Đây là lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc chủ trương và trực tiếp tổ chức, nhằm đào tạo cán bộ cho công tác thí điểm phong trào Việt Minh ở Cao Bằng. Lớp học kết thúc vào ngày 26/01/1941 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Thân). Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, sau khi được huấn luyện, các học viên trở về Cao Bằng vận động, tổ chức thí điểm các đoàn thể cứu quốc.
Tháng 5/1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị chủ trương đẩy mạnh công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ. Hội nghị khẳng định: “Việc đào tạo cán bộ nay đã thành công tác gấp rút, không thể bỏ qua một giờ phút. Tất cả các cấp bộ chỉ huy của Đảng phải đặc biệt chú ý công tác này”[5], “dù phải đình đốn rất nhiều ngành khác, về việc đào tạo cán bộ cũng không thể sao lãng được”[6].
Sau Hội nghị Trung ương tháng 5/1941, Trung ương Đảng mở nhiều lớp huấn luyện chính trị và quân sự để đào tạo cán bộ chủ chốt cho nhiều địa phương. Các lớp huấn luyện tập trung được tổ chức tại Cao Bằng. Lớp học lý luận và đường lối do Nguyễn Ái Quốc và một số cán bộ giảng dạy. Nguyễn Ái Quốc đã biên soạn nhiều tài liệu, sách để đào tạo, huấn luyện cán bộ, như: “Cách đánh du kích”, “Kinh nghiệm du kích Nga”, “Kinh nghiệm du kích Tàu”...
Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định phát động một cao trào chống Nhật, cứu nước làm tiền đề tiến tới Tổng khởi nghĩa. Để lãnh đạo phong trào đi đến thắng lợi, trong Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12/3/1945), Ban Thường vụ Trung ương chỉ rõ: “Đề phòng phong trào lan rộng mà kém ăn sâu, nên tổ chức đến đâu phải thực hành huấn luyện theo Chương trình huấn luyện Việt Minh đến đó”[7].
Chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, các Xứ ủy và Tỉnh ủy đều mở lớp huấn luyện cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Các lớp không chỉ học lý luận, đường lối mà còn học kỹ thuật, chiến thuật quân sự. Hội nghị Cán bộ quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp từ ngày 15 đến 20/4/1945 dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, quyết định: Mở lớp huấn luyện chính trị trong các phủ, huyện, châu để đào ạo cán bộ địa phương; chọn ngay trong bộ đội một số đội viên khá huấn luyện thành đội trưởng và chính trị viên; mở Trường quân chính kháng Nhật; cán bộ phải quân sự hoá nghĩa là phải học tập quân sự…[8]. Thực hiện chủ trương của Hội nghị, Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh đã mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ chính trị, quân sự cho các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình.
Ngày 13/8/1945, được tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, Ban Thương vụ Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc. Trước ngưỡng cửa của cơn bão táp cách mạng, vấn đề cán bộ và đào tạo cán bộ càng được Đảng chú trọng. Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 14, 15/8/1945) nhấn mạnh: Trung ương cũng như các xứ uỷ phải có ban chuyên môn để đào tạo cán bộ. Mỗi tỉnh chí ít phải có một huấn luyện viên chuyên môn, đặc biệt chú ý đào tạo các bộ địa phương, cán bộ dân tộc thiểu số.
Nhờ chủ trương đào tạo cán bộ đúng đắn, Đảng đã xây dựng và rèn luyện được một đội ngũ càn bộ, đảng viên trung kiên, có năng lực. Thông qua đội ngũ cán bộ, Đảng lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
[1]Đó là các đồng chí: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Giản Khanh, Lê Cầu, Đặng Xuân Hồng, Trương Quốc Huy, Nguyễn Công Viễn (Lâm Đức Thụ), Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái.
[2]Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh- Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1 (1930-1954), Quyển 1 (1930-1945), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.91-92.
[3] “Nhân dân ta rất anh hùng”, Nxb. Văn học, Hà Nội. 1960, tr.7.
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.209.
[5]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, toàn tập, Sđd, t. 7, tr.133.
[6]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, toàn tập, Sđd, t. 7, tr.134.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 7, tr.371.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 7, tr.398.