Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) là tỉnh có phong trào diễn ra mạnh mẽ nhất, giáng cho quân Pháp những đòn chí tử. Cũng chính vì vậy, Mỹ Tho là nơi thực dân Pháp tiến hành khủng bố cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước tàn bạo nhất. Mặc dù cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Mỹ Tho đối với phong trào cách mạng vẫn mãi ghi dấu ấn đậm nét vào lịch sử hào hùng của dân tộc
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã giương cao ngọn cờ cách mạng, lãnh đạo nhân dân ta tiến lên, chống ách xâm lược của thực dân giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Trong không khí sôi nổi của luồng sinh khí cách mạng vô sản mới, vào cuối tháng 4/1930, các hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Mỹ Tho cũng đã gấp rút chuẩn bị, tập hợp lại thành lập Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Mỹ Tho.
Ra đời trong những ngày đầu của không khí cách mạng sục sôi, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ Tho ngày càng phát triển, góp phần to lớn vào cổ vũ phong trào cách mạng chung cả nước.
Trải qua thực tiễn lãnh đạo phong trào cách mạng 1930-1935, 1936-1939, Đảng bộ Mỹ Tho ngày càng vững mạnh, giàu kinh nghiệm trong tổ chức quần chúng nhân dân đứng dậy chống kẻ thù xâm lược.
Trong quá trình lãnh đạo chuẩn bị khởi nghĩa và tiến hành khởi nghĩa, Đảng bộ Mỹ Tho đã lãnh đạo quần chúng trong tỉnh nổi dậy khởi nghĩa, tiểu biểu cho ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
Vai trò của Đảng bộ Mỹ Tho thể hiện trên một số phương diện sau:
Lãnh đạo xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức Đảng bộ chặt chẽ, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý chí quyết tâm cao độ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc
Theo báo cáo của Xứ ủy Nam Kỳ, đến tháng 02/1939, Đảng bộ Mỹ Tho nằm trong Liên Tỉnh ủy Mỹ Tho, có 11 chi bộ với 54 đảng viên, trong đó có 02 nữ và 4.603 hội viên các đoàn thể quần chúng[1]. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng, Đảng bộ Mỹ Tho không ngừng được củng cố và có bước nhảy vọt về chất, được Xứ ủy đánh giá là một trong những Đảng bộ vững mạnh trong toàn Nam Kỳ lúc bấy giờ.
Chiến tranh thế giới nổ ra, tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị của Trung ương tháng 11/1939, Xứ ủy Nam Kỳ đã họp tháng 3/1940, phát hành bản “Đề cương chuẩn bị bạo động”, trong đó, xác định nhiệm vụ của Đảng phải kêu gọi nhân dân đứng lên tham gia chuẩn bị mọi điều kiện đánh đổ đế quốc, củng cố và phát triển lực lượng cách mạng; đồng thời phải khẩn trương tiến hành xây dựng Đảng để đáp ứng nhu cầu cách mạng.
Thực hiện chủ trương của Trung ương và Xứ ủy Nam Kỳ, Đảng bộ Mỹ Tho không ngừng tiến hành xây dựng củng cố tổ chức Đảng. Đến đầu năm 1940, về cơ bản, bộ máy tổ chức Đảng được kiện toàn. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lúc này có 11 đồng chí: đồng chí Phan Văn Khỏe (Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ) làm Bí Thư, đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Văn Ghè, Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Văn Chương, Lê Văn Quới cùng các đồng chí Phong, Đê, Khuê, Tốt.
Công tác củng cố các quận ủy được tiến hành một cách khẩn trương. Lúc này Quận ủy Châu Thành được giao cho đồng chí Nguyễn Văn Ghè (Bảy Ghè) làm Bí thư. Quận ủy Cai Lậy do đồng chí Huỳnh Văn Chính làm Bí thư[2].
Các chiến sĩ tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ trong một lần về thăm nhà bà Năm Dẹm (tại xã Tân Hương, quận Châu Thành) - nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ngày 23/11/1940 (Ảnh tư liệu)
Ở những địa phương chưa có hệ thống lãnh đạo cấp quận, Đảng bộ đã chủ động, linh hoạt tiến hành thành lập quận ủy lâm thời. Quận ủy lâm thời Chợ Gạo ra đời để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng là một trong những cách làm sáng tạo đó.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng tăng cường cán bộ lãnh đạo của tỉnh cho quận Cái Bè, quận An Hóa để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Công tác củng cố xây dựng chi bộ, liên chi bộ được Tỉnh ủy chỉ đạo sát sao. Đối với các xã chưa có đảng viên, các quận ủy cử đảng viên ở các xã lân cận đến để lãnh đạo phong trào.
Công tác phát triển đảng củng được Đảng bộ đặc biệt chú ý, không ngừng tiến hành đào tạo cán bộ, lựa chọn những thành viên ưu tú trong quá trình đào tạo và hoạt động thực tiễn để bổ sung vào hàng ngũ của Đảng.
Song song với việc tiến hành xây dựng củng cố hệ thống tổ chức, nhằm tạo ra sự thống nhất cao về mặt tư tưởng, hành động, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp thường xuyên nhanh chóng triển khai tất cả các nghị quyết Trung ương, của Xứ ủy, của Tỉnh ủy cho từng đảng viên, lãnh đạo từng cấp xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa. Đồng thời giáo dục vai trò tiền phong, tinh thần kiên cường bất khuất của người cộng sản trong cuộc đấu tranh sống còn với quân thù.
Chính nhờ sự quyết liệt, khẩn trương trong việc thực hiện chủ trương của Trung ương, của Xứ ủy trong việc xây dựng củng cố hệ thống tổ chức Đảng từ cấp tỉnh xuống cấp xã, cho nên tính đến tháng 10/1940, trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, Đảng bộ Mỹ Tho có 70 chi bộ hoặc liên chi bộ trên tổng số 114 làng (tăng 7 lần so với 02/1939) với 456 đảng viên (tăng gấp 8 lần so với tháng 02/1939)[3]. Đây là một con số ấn tượng, phản ánh sự lớn mạnh vượt bậc của Đảng bộ Mỹ Tho lúc bấy giờ. Trong khoảng thời gian ngắn, trong điều kiện bị thực dân Pháp tiến hành kiểm soát, khủng bố đàn áp gắt gao, với tinh thần quật khởi, ý chí quyết tâm cao độ, Đảng bộ Mỹ Tho đã xây dựng cho mình một lực lượng lãnh đạo cách mạng hùng hậu, hoạt động không những trên địa bàn tỉnh mà còn gây ảnh hưởng đến những địa phương khác. Có thể nói, đây chính là nhân tố quyết định sự thắng lợi ban đầu của cuộc khởi nghĩa tháng 11/1940 ở Mỹ Tho.
Lãnh đạo xây dựng lực lượng chính trị, huy động sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân tham gia khởi nghĩa
Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng và của Xứ ủy, đồng thời nhận thức sâu sắc vai trò của lực lượng quần chúng nhân dân trong tiến hành cách mạng, Đảng bộ Mỹ Tho đã không ngừng tổ chức truyền truyền vận động quần chúng dưới nhiều hình thức và biện pháp khác nhau.
Về việc mở rộng Mặt trận phản đế Đông Dương, Đảng bộ Mỹ Tho đã khẩn trương lãnh đạo các cấp tập hợp quần chúng dưới nhiều hình thức như: Hội Thanh niên phản đế, Phụ nữ phản đế, Nông hội phản đế, Binh sĩ phản chiến, Nhi đồng cứu vong… Một ủy ban vận động Mặt trận phản đế được thành lập để tuyên truyền truyền phổ biến mục đích, tôn chỉ, cương lĩnh đấu tranh của Mặt trận và tiến hành thành lập Mặt trận từ làng xã, lên quận huyện, lên tới tỉnh.
Song song với công tác vận động mở rộng Mặt trận, Đảng bộ Mỹ Tho cũng đã nhanh chóng triển khai các mặt hoạt động tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo quần chúng đứng lên đấu tranh, với những hình thức phong phú như: cho lưu hành rộng rãi trong tổ chức tờ báo “Tiến lên” là cơ quan tuyên truyền đấu tranh của Mặt trận phản đế Đông Dương; in truyền đơn kêu gọi nhân dân phản đối đế quốc Pháp khủng bố, chống phát xít Nhật xâm lược, chống bắt lính, chống giá cả đắt đỏ. Ngoài ra, ở những nơi các làng xã của huyện có phong trào phát triển mạnh như Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, các cấp ủy Đảng cũng đã tiến hành tổ chức mít tinh, diễn thuyết vạch trần tội ác của Pháp, Nhật xâm lược. Ở Châu Thành, Cai Lậy, quận ủy, chi bộ lập những đội tuyên truyền xung phong trương băng, treo cờ và nói chuyện ở nơi đông người, gây không khí náo động, cổ vũ phong trào quần chúng nhân dân vùng dậy đấu tranh…
Công tác vận động kêu gọi binh lính Đông Dương, lính Pháp, cảnh sát, mật thám… cũng được các cấp ủy đảng lưu ý tiến hành. Các em thiếu nhi, nam nữ thanh niên, các bà mẹ ca vang những bài ca cách mạng làm kích động lòng người và náo nhiệt trong các thôn xóm. Với mục tiêu là giành chính quyền về tay nhân dân, chính vì vậy vấn đề tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân trong cả tỉnh đứng lên khởi nghĩa là một trong những vấn đề trọng tâm của cuộc khởi nghĩa, Đảng bộ phải tập trung lực lượng cách mạng khắp cả tỉnh, tạo nên thế mạnh áp đảo của nhân dân sẵn sàng đánh chiếm tất cả các cơ quan đầu não của địch. Một không khí cách mạng sục sôi khẩn trương chờ lệnh khởi nghĩa diễn ra khắp cả tỉnh.
[1] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang: Mỹ Tho - Gò Công trong khởi nghĩa Nam Kỳ 23 tháng 11 năm 1940, 2001, Tiền Giang, tr 25
[2] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang Mỹ Tho - Gò Công trong khởi nghĩa Nam Kỳ 23 tháng 11 năm 1940, Sđd, tr 38
[3] [3] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang: Mỹ Tho - Gò Công trong khởi nghĩa Nam Kỳ 23 tháng 11 năm 1940, Sđd, tr 56