Thách thức suy thoái kinh tế
Theo báo cáo mới đây của tổng cục thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP trong quí 1 năm 2020 của Việt Nam đạt 3,82%, tăng trưởng GDP trong quý 2 giảm xuống 0,36%. Tính cả sáu tháng đầu năm nay thì GDP của Việt Nam chỉ tăng 1,81%, là mức tăng trưởng kinh tế sáu tháng thấp nhất kể từ năm 1986.
Tăng trưởng kinh tế giảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo Bộ tài chính, tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019, và thấp nhất kể từ năm 2013. Thực trạng này là do các nguồn thu trọng điểm đều giảm như: thu từ dầu thô giảm 28,7%; thu nội địa giảm 7%, và thu từ cân đối hoạt động xuất nhập khẩu giảm 23%.
Theo nhận định của các nhà quan sát, trước tương lai ảm đạm của kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không thể loại trừ kịch bản nền kinh tế rơi vào suy thoái trong ngắn hạn. Quả thật, các động lực tăng trưởng kinh tế bao gồm đầu tư, xuất khẩu, và tiêu dùng đang phải đối diện những thách thức nan giải.
Xuất khẩu, vốn là một trụ đỡ chủ lực cho nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, đang rơi vào tình trạng rối bời, cho dù đã có những nét khởi sắc trong tháng 5-7/2020. Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia khiến khả năng mở cửa trở lại của các thị trường quốc tế rất khó đoán định. Chừng nào dòng chảy thương mại với các đối tác chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…chưa trở lại bình thường thì chừng đó chưa thể kỳ vọng vào vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế của ngành xuất khẩu.
Tiêu dùng nội địa, mặc dù còn nhiều hạn chế, trong thời gian qua cũng phải gánh vác trách nhiệm cứu cánh cho sự phục hồi kinh tế trong nước. Tuy thế, thị trường nội địa không đủ lớn để hấp thụ được lượng hàng hóa đáng ra là để xuất khẩu, bên cạnh những thách thức do đại dịch đã và đang gây ra đối với các hoạt động kinh tế trong nước.
Theo những báo cáo mới nhất của phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, thậm chí phá sản; số người lao động phải nghỉ việc gia tăng đột biến. Thu nhập của người lao động nói chung do vậy sẽ có thể giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng. Thực tế thời gian qua, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp cũng đã áp dụng nhiều biện pháp, nỗ lực kích cầu nội địa nhưng đến nay vẫn chưa thấy được tín hiệu thực sự khả quan.
Và như chúng ta chứng kiến, làn sóng dịch Covid-19 thứ hai thật sự là một cú đánh mạnh vào thị trường và các hoạt động kinh tế nội địa, sau một khoảng thời gian ngắn các hoạt động này được khôi phục sau đợt dịch thứ nhất.
Trước bối cảnh đó, vai trò của đầu tư công đối với nền kinh tế trong thời điểm hiện nay là vô cùng quan trọng. Tuy thế, với đầu tư công, một vấn đề lớn (và có tính nan y) là tình trạng chậm hoặc không giải ngân các nguồn vốn. Tính đến nay, đang có khoảng 30 tỷ USD, tương đương với 700 ngàn tỷ đồng đang chờ được giải ngân. Cụ thể hơn thì có tới 34 Bộ/ngành và 37 địa phương mới chỉ giải ngân được dưới 20% ngân sách đầu tư công. Dù được giao từ sớm nhưng cũng có tới 22 tỉnh/thành không giải ngân được đồng nào từ nguồn vốn ODA. Xét cả kế hoạch 5 năm (2016-2020) thì đến nay chúng ta mới chỉ giải ngân được 2/3 nguồn vốn khoảng hai triệu tỷ đồng đầu tư công. Một thực tế nhãn tiền là chúng ta rất khó có thể giải ngân nốt 1/3 số ngân sách công còn lại trong mấy tháng cuối năm 2020.
Đòn bẩy đầu tư công
Nhận thức kịp thời vai trò của đầu tư công đối với sự phục hồi kinh tế, ngày 29/5, Bộ chính trị đã ban hành kết luận số 77-KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Lãnh đạo Đảng và nhà nước đã xác định đầu tư công phải là đòn bẩy chủ đạo nhằm ngăn đà suy thoái và từng bước vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Chính quyền các cấp được chỉ đạo phải “Đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính, đẩy nhanh thủ tục phê duyệt, điều chỉnh các chính sách mới. Khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan toả đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, vùng và ngành, lĩnh vực”.
Nhiều dự án trọng điểm quốc gia, điển hình như dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam, được chuyển sang hình thức đầu tư công.
Trước sự chậm chễ của việc giải ngân nguồn vốn công, ngày 7/7, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tài chính và ngân sách 6 tháng đầu năm, thủ tướng chính phủ đã phải thúc giục lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương hơn nữa trong việc giải ngân.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ được coi là căn cứ để đánh giá việc hoành thành nhiệm vụ năm nay. Tuy nhiên, từ chỉ đạo đến chuyển động thực tiễn là khoảng cách không nhỏ. Cho đến nay, chưa có cơ sở để tin rằng các dự án đầu tư công sẽ nhanh chóng được triển khai nhằm tạo động lực cho nền kinh tế.
“Vì sao chỉ có tiêu ngân sách mà cũng không tiêu được” là câu hỏi không dễ trả lời. Vì sao đã có chỉ đạo của Bộ chính trị, thúc giục của thủ tướng mà các Bộ/ngành/địa phương vẫn không thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn công? Thực sự điều gì đang ngáng trở những chỉ đạo từ cấp cao nhất của Đảng và nhà nước? Cụ thể hơn, trong bối cảnh gấp rút hiện nay, Việt Nam có thể và nên làm gì để cải thiện hiệu quả của đầu tư công trong tất cả các khâu, hỗ trợ phục hồi kinh tế?
Một số hướng tiếp cận
Thứ nhất, theo một số nhà quan sát kinh tế lâu năm, vấn đề số một cần giải quyết ngay là các thủ tục hành chính nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ từ chính phủ.
Lực lượng chủ đạo của nền kinh tế Việt nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được khẩn trương hỗ trợ để nhanh chóng tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính. Vì thế, đề xuất mới đây về việc thành lập “Ban chỉ đạo chống suy thoái kinh tế” của Bộ trưởng bộ kế hoạch và đầu tư là một động thái đúng đắn.
Một ban chỉ đạo trực tiếp điều hành thống nhất các hoạt động phục hồi kinh tế sẽ có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa cho cả nền kinh tế. Thách thức với Ban chỉ đạo này là mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động để làm sao không bị chi phối, cản trở bởi lợi ích của các ngành hay địa phương trong một nỗ lực quốc gia nhằm vực đậy nền kinh tế.
Thứ hai, bối cảnh nan giải hiện nay cũng đang đòi hỏi bản lĩnh dám nghĩ dám làm của lãnh đạo các cấp cũng như những điều chỉnh quyết đoán về mặt chính sách. Với những dự án đầu tư công đã bị ngưng trệ kéo dài thì có thể xem xét cho phép các nhà đầu tư tư nhân tham gia, thậm chí chuyển nhượng hẳn cho tư nhân, cho dù giá có thể rẻ.
Nhà máy thép Thái Nguyên có thể là một ví dụ điển hình. Dự án này đã bị đắp chiếu suốt 7-8 năm nay, gây lãng phí tài sản của nhà nước. Để phục hồi hoạt động và cho ra sản phẩm, theo một số ước tính, công trình này cần khoảng 100 triệu USD từ nguồn vốn công và quỹ thời gian khoảng 20 tháng. Tuy nhiên, vì là vốn ngân sách nên các thủ tục rất phức tạp, và do đó việc đưa ra các quyết định nhìn chung rất khó khăn. Đến nay, dự án vẫn bị treo sau nhiều năm, gây thiệt hại vô cùng lớn. Trước tình hình đó, mạnh dạn mở rộng cánh cửa cho tư nhân tham gia có thể là một giải pháp hiệu quả.
Cũng như chống dịch, Việt Nam cần thể bản lĩnh và hành động đúng đắn để có thể chống suy thoái và phục hổi tăng trưởng kinh tế. Mặc dù còn nhiều vấn đề với đầu tư công, đây quả thật là một công cụ quan trọng để giải bài toán kinh tế của đất nước trong bối cảnh hiện nay. Để tận dụng có hiệu quả công cụ này, một mặt cần rà soát lại các thủ tục hành chính để cải thiện hiệu quả quá trình đưa vốn đầu tư công vào hoạt động; mặt khác, trước những vướng mắc có tính kinh niên cần tháo gỡ đối với đầu tư công, rất cần bản lĩnh trong lãnh đạo, quản lý để có thể đưa ra những quyết sách thật sự đột phá.
Minh Hoàng