Ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn trong xã hội để đưa đất nước phát triển bền vững và thịnh vượng. Ảnh minh họa: doanthanhnien.vn.
Lệch chuẩn trên không gian mạng
Hiện nay, việc sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) đã trở nên phổ biến. Từ bác nông dân, công chức, viên chức đến các em học sinh, sinh viên, đủ mọi lứa tuổi, giới tính đều sử dụng thành thạo các tính năng của chiếc điện thoại thông minh để truy cập các nền tảng mạng xã hội lớn (tiêu biểu là Facebook, Youtube, Tiktok, và gần đây là Twitter, Instagram), nơi có hàng tỷ thông tin, hình ảnh, video với mọi thể loại, mọi chủ đề.
Trên các nền tảng mạng xã hội, bên cạnh những thông tin, hình ảnh, video hữu ích, tích cực còn chứa đựng rất nhiều thông tin, hình ảnh, video có nội dung xấu độc, tiêu cực. Điều đáng lo ngại là những video, hình ảnh, bình luận phản cảm, sai trái, giật gân lại thu hút nhiều người xem và chia sẻ. Ngược lại, những video, hình ảnh, thông tin bổ ích, cái hay, cái đẹp lại ít người like, chia sẻ; những việc tốt, người tốt lại ít được lan tỏa trên cộng đồng mạng... Nguy hại hơn, với giới trẻ, thanh thiếu niên đang trong quá trình định hình nhân cách, lối sống, cũng là thành phần chủ yếu tham gia mạng xã hội, sự “dẫn dắt” của những sản phẩm lệch chuẩn trên khiến cho không ít người, nhất là giới trẻ, thanh thiếu niên có cái nhìn lệch lạc, thiếu chuẩn mực dẫn tới hành động sai trái. Một bộ phận giới trẻ hiện nay có lối sống, suy nghĩ, nhận thức thiếu chuẩn mực, thậm chí trái với truyền thống trong cách ăn mặc, ứng xử, hành động với mục đích tăng view, tăng follow, like, share...
Vì muốn video của mình lên xu hướng (trend), có những bạn trẻ đã bất chấp danh dự, nhân phẩm đưa cả gia đình lên video clip tham gia diễn xuất với nội dung lệch chuẩn, ngôn từ, cách ứng xử không phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Có video clip khi vợ chồng mâu thuẫn trong lúc ăn, người vợ bưng cả mâm ném ra sân. Có video diễn cảnh con rể biếu gia đình nhà vợ cây quất ngày Tết, bố vợ không ưng, chê cây xấu, rẻ tiền nên bê cả cây quất ném ra ngoài đường tỏ vẻ khinh thường, không trân trọng tấm lòng của con cái, điều mà trong văn hóa và ứng xử của người Việt chưa từng thấy. Một số bạn trẻ bắt chước “hot trend” khoe “thành tích” sau khi ra tòa ly hôn, coi việc ly hôn là bình thường, thậm chí vui mừng như trút được “gánh nặng”. Trên mạng còn xuất hiện nhiều video “đánh ghen”, “clip nóng” thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của nhiều người, kèm theo đó là những bình luận, chỉ trích, xúc phạm nghiêm trọng đến các nhân vật trong video. Không ít các bạn trẻ do “nghiện” mạng xã hội dẫn tới thiếu ngủ, mất ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và học tập; có những trường hợp bị trầm cảm, muốn "giải thoát".
Có những video xây dựng chủ đề, nội dung nói quá lên, không đúng với thực tế để “đánh vào” tính tò mò, hiếu kỳ của người xem. Có những video clip kích động bạo lực tràn lan trên mạng xã hội mà mọi người vẫn thường gọi là “giang hồ mạng”. Một số người lên mạng livestream thách đố, đe dọa nhau giải quyết mâu thuẫn, mỗi buổi livestream như vậy thu hút hàng nghìn người xem nên ảnh hưởng rất lớn tới giới trẻ về nhận thức và hành vi. Nhiều đoạn phim mang tính bạo lực được cắt đoạn hoặc một nhóm người tự làm video đã được đăng phát trên mạng xã hội, trong đó có không ít những hành động, lời thoại thiếu tính giáo dục, tác động xấu tới tâm lý, nhận thức của các cháu nhỏ.
Có những bạn trẻ miệt mài “cày” TikTok nhằm xây dựng cộng đồng người hâm mộ và để kiếm tiền. Họ “cày” thâu đêm suốt sáng, kéo theo hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người xem, người hâm mộ cùng thức với “idol” của mình. Có những Tiktoker quay clip ở những vị trí bị cấm (lòng đường, đường băng máy bay) để sống ảo, quay clip thu thút người xem, tăng follow, like, share và comment.
Trên mạng xuất hiện ngày càng nhiều “giang hồ mạng” thì trên đời thực cũng xảy ra một số vụ việc đánh nhau, hỗn chiến giữa các nhóm thanh niên, đi xe máy vác mã tấu, phóng lợn đi thanh toán nhau như phim hành động. Trên mạng xuất hiện nhiều clip học sinh đánh bạn dã man, tụ tập nhóm bạn để “dạy cho đối phương bài học” chỉ vì lời nói, cái nhìn hay bình luận không ưa trên mạng xã hội... Nhiều bậc phụ huynh do bận việc nên thường cho con nhỏ xem điện thoại, lướt TikTok, Youtube hoặc tự mở tivi để các phim, video bạo lực, thể hiện là “dân anh chị”, thậm chí coi thường pháp luật.
Trên không gian mạng, người ta tự cho mình quyền phán xét cuộc sống của người khác. Xu hướng của một bộ phận người dùng mạng xã hội thích “soi chuyện” của người khác, “cười trên nỗi đau” của người khác thay vì cảm thông, chia sẻ ngày càng đáng báo động. Một số vụ việc bị đẩy lên cao, trở nên nghiêm trọng khi những “anh hùng bàn phím” bình luận với những comment xúc phạm nhân phẩm người khác, gây ảnh hưởng nặng nề cho cá nhân, gia đình, nơi làm việc, có những trường hợp nghĩ đến chuyện tiêu cực trước “sức ép” của mạng xã hội... Nguy hiểm hơn, những vụ án giết người lại được lan truyền nhanh chóng trên mạng, thay vì cảm thương cho số phận người bị hại, nhiều bạn trẻ còn tò mò, hiếu kỳ muốn xem hình ảnh, tình tiết vụ án. Một số câu nói, hiện vật, vật chứng cũng trở thành “hot trend”, của một bộ phận giới trẻ (như “thùng xốp”).
Rất nhiều người quay, phát tán clip, bình luận vi phạm Luật An ninh mạng mà không biết mình vi phạm. Hình ảnh, thông tin cá nhân của nhiều người đang bị các cư dân mạng sử dụng không được phép, phát tán, làm tổn thương, rất nhiều trường hợp vi phạm mà chưa bị xử lý... Thậm chí các camera an ninh của các hộ gia đình, camera trên ô tô cá nhân cũng bị các hacker truy cập để thu thập hình ảnh, video về sinh hoạt hàng ngày, thậm chí cả những hình ảnh nhạy cảm riêng tư rồi đăng, phát tán lên mạng xã hội để câu like, câu view.
Trên mạng xã hội còn có những video, thông tin xấu độc liên quan đến chính trị, đòi xét lại lịch sử, kích động, nói xấu Đảng, Nhà nước, đồn đoán về nhân sự cấp cao với những suy diễn vô căn cứ. Xuất hiện một số nhóm, hội mặc đồ lính Ngụy ngang nhiên tụ họp, quay clip đưa lên mạng. Tình trạng phân biệt vùng miền trên mạng xã hội cũng đang là vấn đề nhức nhối, nguy cơ trở thành trào lưu xấu trong giới trẻ.
Dùng “trend” tốt đẩy lùi “trend” xấu
Những ngày gần đây, các nền tảng mạng xã hội lớn đăng tải, chia sẻ nhiều hình ảnh, video clip về các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), về tình đất, tình người Điện Biên. Đây là chủ đề được cộng đồng mạng, nhất là giới trẻ đặc biệt quan tâm chia sẻ, với nhiều hình ảnh, bình luận cảm động, thấm đẫm tình yêu nước, yêu quê hương, trân trọng những hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước. Điều đó cho thấy giới trẻ không hề “quay lưng” mà ngược lại, rất quan tâm đến lịch sử, truyền thống, văn hóa của dân tộc, biết phát huy tinh thần đại đoàn kết, biết ơn thế hệ ông cha đã hy sinh vì độc lập, tự do, hạnh phúc, có cuộc sống ấm no như hôm nay...
Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu là cách thức mà chúng ta đang thực hiện để chung tay đẩy lùi hành vi phản cảm, những trào lưu tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý, tư duy, lối sống của giới trẻ trên các trang mạng xã hội. Vấn đề giới trẻ cần là sự “dẫn dắt”, “định hướng” của những trend tốt với những nội dung sinh động, ngôn ngữ phù hợp với giới trẻ. Chia sẻ những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống, giáo dục thế thệ trẻ về lịch sử hào hùng, nét đẹp văn hóa, nhân văn của đất nước ta bằng những thước phim, câu chuyện, lời kể, hình ảnh sinh động để thu hút người xem. Thông qua đó, giúp thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về lịch sử, văn hóa dân tộc, yêu quê hương đất nước, sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, thi đua học tập, lao động sáng tạo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mỗi người dùng mạng xã hội, nhất là giới trẻ vừa là người dùng thông thái, vừa có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, phải luôn tỉnh táo, không chia sẻ những thông tin, hình ảnh sai trái, xấu độc, phản văn hóa. Nâng cao ý thức tự giác, sự hiểu biết của bản thân mỗi cư dân mạng để tự lựa chọn cho mình nội dung phù hợp, cái gì nên xem và cái gì không nên xem, ứng xử có văn hóa trên không gian mạng.
Về lâu dài, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp các ngành liên quan, nhất là sự quan tâm của gia đình, nhà trường đối với giới trẻ. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để người dùng mạng xã hội chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý nội dung các video clip đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội để không gian mạng thật sự hữu ích, an toàn, văn minh,, văn hóa. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Trong cuộc sống có rất nhiều nét đẹp đời thường cần chia sẻ, lan tỏa trên mạng xã hội như tinh thần tương thân tương ái, tấm gương về xây dựng gia đình hạnh phúc, đổi mới, sáng tạo, khát vọng vươn lên... Những “trend” tốt cần được ươm trồng, chăm bón để góp phần xây dựng thế hệ tương lai giàu khát vọng, biết cống hiến và dám cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Trường Văn