Việc giảm tiền thuê đất này được đánh giá là sẽ giúp DN, người dân có thêm nguồn lực vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ Tài chính, phương án này phù hợp với tình hình diễn biến mới về kinh tế - xã hội của cả nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.
Bên cạnh đó, bão số 3 đi qua cũng gây ra hậu quả nặng nề cho các tỉnh phía Bắc. Theo ước tính của Bộ KH&ĐT, tăng trưởng GDP cả năm có thể giảm khoảng 0,15 điểm % do thiệt hại của cơn bão số 3. Ở góc độ kinh tế, khoảng 240.000 căn nhà bị sập đổ, hư hại; hơn 300.000ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập úng, gãy đổ; gần 3 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Có đến 26 tỉnh, TP chịu ảnh hưởng của bão lũ là khu vực chiếm đến 41% GDP và 40% dân số cả nước. Các DN sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị ảnh hưởng nặng nề, ngoài làm hỏng nhà máy, nhà xưởng, bão còn gián tiếp làm mất điện, thông tin liên lạc. Trong bối cảnh này, việc Bộ Tài chính lựa chọn trình Chính phủ đề xuất mức giảm tiền thuê đất 30% thay vì 15% như phương án 1 theo dự thảo ban đầu được đánh giá là phù hợp.
Một trong những lo lắng khi giảm thuế, giảm tiền thuê đất là việc ngân sách sẽ bị giảm thu. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nguồn lực tài chính để thực hiện việc giảm tiền thuê đất năm 2024 đến từ việc giảm thu ngân sách nhà nước, khoảng từ 2.000 - 4.000 tỷ đồng (lần lượt tính theo phương án giảm 15% và 30% tiền thuê đất). Tuy nhiên, với khả năng phục hồi và phát triển kinh tế của năm 2024, nhờ các chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dự toán thu ngân sách năm 2024 đã được Quốc hội thông qua sẽ đạt và vượt. Vì vậy, số tiền thuê đất giảm theo chính sách này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến số thu ngân sách Nhà nước nói chung.
Có thể thấy, việc giảm tiền thuê đất cho người dân và DN sẽ giúp họ có thêm nguồn lực để ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, đồng thời kịp thời hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Những hỗ trợ này sẽ kích thích DN sản xuất, kinh doanh, từ đó tăng thu ngân sách.
Bài toán còn lại là làm sao để chính sách đến được với người dân, DN, đúng đối tượng, hỗ trợ kịp thời. Thực tế, thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ DN đã được các cấp quản lý đề xuất thực hiện, nhưng tiệm cận thụ hưởng sự hỗ trợ là cả bài toán mà DN đang loay hoay tìm cách giải. Điều kiện khó đáp ứng, hồ sơ phải có xác nhận của nhiều cơ quan khiến DN vất vả trong khâu hoàn thiện... là những khó khăn mà người dân, DN dối diện khi tiếp cận hỗ trợ.
Vì vậy, chính sách đưa ra đúng và trúng nhưng khâu thực hiện cần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí, thủ tục không cần thiết, triển khai nhanh… thì các chính sách hỗ trợ mới thực sự hiệu quả và đến đúng đối tượng. Nghĩa là, các cơ quan liên quan cần tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính, bảo đảm chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng và kịp thời.
Theo Kinh tế và Đô thị