“Người yếu thế” là người gặp những bất lợi hơn so với những đối tượng khác trong cùng một hoàn cảnh khi tham gia vào một quan hệ xã hội, quan hệ lao động, quan hệ pháp luật. Điều này là do họ bị bị hạn chế một phần năng lực tự nhiên hoặc do những yếu tố xã hội quy định. Pháp luật quốc tế đã ghi nhận quyền con người của một số nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, gồm: phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người đồng tính, lưỡng tĩnh và chuyển giới, người tị nạn… Pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo vệ những nhóm yếu thế gồm người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người khuyết tật, nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, người cô đơn không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa…
Người yếu thế là những đối tượng cần được trợ giúp khẩn cấp của xã hội, cần được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ một cách thuận lợi để họ có quyền được thụ hưởng các dịch vụ xã hội một cách tối ưu nhất. Trong đó, trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí là một dịch vụ rất quan trọng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yếu thế, giúp họ tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Ở mức độ rộng hơn, TGPL miễn phí là một bộ phận cấu thành trong tổng thể các chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội gắn với bảo đảm công bằng xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế
Theo quy định của pháp luật, có 14 nhóm người yếu thế thuộc đối tượng được TGPL miễn phí, gồm: người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người có công với cách mạng; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV. Những nhóm người này những có thể được TGPL trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Trách nhiệm chính trong việc TGPL cho đối tượng chính sách và người yếu thế trong xã hội thuộc về Nhà nước (trực tiếp là Trung tâm TGPL Nhà nước). Nhà nước còn huy động đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý tham gia thực hiện TGPL miễn phí cho những người thuộc đối tượng được TGPL (tập trung vào đối tượng là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ em, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa), với các hoạt động như tư vấn pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người yếu thế trong diện được TGPL không biết đến quyền được TGPL hoặc chỉ biết và sử dụng quyền này khi có vấn đề phát sinh liên quan đến pháp luật, chủ yếu trong lĩnh vực hình sự, tranh chấp về đất đai, nhà ở; các lĩnh vực khác như hôn nhân và gia đình, dân sự còn rất ít người biết và sử dụng quyền TGPL. Nguyên nhân là do họ ít tiếp cận được với các cơ quan pháp luật hoặc cơ quan TGPL, họ có sự mặc cảm, tự ti và hạn chế về hiểu biết cũng như chưa được tuyên tryền rộng rãi về hoạt động này. Nhiều người yếu thế tại các địa bàn dân tộc thiểu số không biết đến dịch vụ TGPL và càng không biết mình có thuộc nhóm đối tượng được TGPL hay không. Theo họ, TGPL là cái gì đó liên quan đến luật pháp nên họ có tâm thế cố gắng tránh xa những “rắc rối”, đặc biệt là “rắc rối” liên quan đến pháp luật. Số liệu khảo sát của một nghiên cứu của dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện tại 9 địa phương gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ cho thấy chỉ có khoảng 15% số người thuộc diện TGPL đã thực tế thụ hưởng dịch vụ TGPL.
Làm thế nào để pháp luật đến gần hơn với người yếu thế; khi bản thân họ không thể tự bảo vệ mình, họ sẽ tìm tới cơ quan nào để được hỗ trợ? Liệu những cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm TGPL miễn phí cho người yếu thế đã thực sự là địa chỉ tin cậy cho những người yếu thế trong xã hội hay chưa vẫn là vấn đề cần quan tâm hiện nay.
Để giải quyết những câu hỏi trên, trước hết cần nâng cao nhận thức của người yếu thế về chính sách pháp luật TGPL miễn phí. Người yếu thế cần có nhận thức đầy đủ và rõ ràng về các dịch vụ TGPL để từ đó tiếp cận các dịch vụ TGPL tốt hơn, để được giúp đỡ khi có nhu cầu, để được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Muốn vậy, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TGPL và nâng cao nhận thức, hiểu biết của người yếu thế nói riêng và người dân nói chung về TGPL, đặc biệt đối với người khuyết tật đang là người nghèo, người thuộc đối tượng chính sách, nhóm yếu thế để họ biết về chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác TGPL miễn phí, biết về quyền được TGPL miễn phí; các lĩnh vực pháp luật mà họ có thể được TGPL và những người tham gia thực hiện TGPL cũng như những nơi họ có thể đến để được TGPL miễn phí.
Đa dạng hóa các kênh thông tin các phương thức truyền thông về TGPL (qua báo, đài phát thanh, truyền hình, internet…) phù hợp với đặc thù địa bàn, trình độ dân trí của người dân. Đặc biệt là với các tỉnh miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người dân ít có cơ hội tiếp cận với các thông tin về TGPL, cùng với tâm lý truyền thống giải quyết các sự vụ theo thói quen và phong tục, tập quán của nơi mình sinh sống. Đây là một rào cản lớn đối với người dân khi có lợi ích bị xâm hại nhưng không được tiếp cận với hoạt động TGPL.
Khắc phục những bất cập quy định trong chính sách pháp luật TGPL cho người yếu thế. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về TGPL theo hướng mở rộng đối tượng được TGPL, mở rộng điều kiện “khó khăn về tài chính” để người thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình làm nông nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, người lao động có thu nhập thấp, người có khó khăn đột xuất… được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. Tăng cường vai trò của đội ngũ luật sư trong việc tham gia thực hiện TGPL bằng việc quy định điều kiện, trình tự thủ tục đơn giản hơn để huy động được cả các luật sư trẻ và các luật sư có nhiều kinh nghiệm tham gia hoạt động TGPL cho người yếu thế và các đối tượng chính sách.
Nâng cao hiệu quả thực hiện TGPL trong các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Thiết lập mạng lưới tại cơ sở, các thiết chế có thể giúp người dân tiếp cận TGPL như UBND cấp xã; công chức tư pháp, hộ tịch; tổ hòa giải; già làng, trưởng bản, người có uy tín; cán bộ phụ nữ; công an xã; hội nông dân; hợp tác xã…
Tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, tập huấn cho đội ngũ người thực hiện TGPL các kiến thức chuyên sâu về TGPL cũng như các kỹ năng trong các lĩnh vực tố tụng, dân sự, hành chính để người yếu thế không phải đi xa khi tiếp cận dịch vụ TGPL. Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện TGPL.
Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta . Do vậy, cần quan tâm tạo điều kiện để người yếu thế tiếp cận được các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí một cách thuận lợi nhất./.
Hồng Khanh