Mạng xã hội - nguồn tin của báo chí
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, hơn 9/10 nhà báo ở Mỹ (94%) sử dụng mạng xã hội cho công việc. Thống kê cho thấy Twitter cho đến nay là trang mạng xã hội phổ biến nhất mà các nhà báo Mỹ sử dụng cho công việc của họ, nhưng công chúng thường dùng Facebook để xem tin tức. Khoảng 7/10 nhà báo Mỹ (69%) cho biết, Twitter là trang mạng xã hội mà họ sử dụng nhiều nhất hoặc nhiều thứ hai cho công việc. Theo sau Twitter là Facebook với 52% và thấp hơn nhiều trong danh sách là Instagram (19%), LinkedIn (17%) và YouTube (14%).
Trong số các nhà báo, việc sử dụng mạng xã hội cho mục đích công việc là phổ biến ở mọi lứa tuổi, nhưng có sự khác biệt về lựa chọn truy cập thường xuyên nhất.
Twitter là một trang được các nhà báo trẻ đặc biệt yêu thích, với 83% những người từ 18 đến 29 tuổi xác định đây là một trong những trang mạng xã hội được họ sử dụng phổ biến nhất. Ngược lại, 45% nhà báo từ 65 tuổi trở lên xác định Twitter là một trong hai trang mạng xã hội hàng đầu cho công việc. Instagram cũng phổ biến hơn đối với các nhà báo trẻ (những người dưới 50 tuổi), trong khi LinkedIn và YouTube lại phổ biến hơn đối với các nhà báo lớn tuổi (những người từ 50 tuổi trở lên).
Báo cáo Báo chí số (Digital News Report) thường niên của Reuters năm 2024 dẫn thông tin từ các nhà xuất bản hàng đầu thế giới khẳng định vai trò quan trọng của mạng xã hội trong truyền tải thông tin của họ qua các tài khoản trên nền tảng đã nổi tiếng hoặc xây dựng kênh riêng.
Daily Mail đã ra mắt một số kênh, trong đó có một kênh cung cấp tin tức hàng ngày về gia đình nổi tiếng Kardashians. Nhà xuất bản của một công ty khởi nghiệp kỹ thuật số ở châu Âu tin rằng, theo thời gian, những kênh này có thể có “sức mạnh tương tự như thông báo đẩy và bản tin”. Các kênh WhatsApp đã được mở rộng tới 150 quốc gia và chức năng tương tự cũng có trên Instagram.
Theo báo cáo, sắp tới các tờ báo sẽ tiếp tục nỗ lực thu hút giới trẻ bằng tin tức trên các nền tảng phổ biến, chẳng hạn như TikTok và YouTube Shorts. Trong năm 2024, các nhà xuất bản sẽ ngày càng tìm cách đưa những kỹ thuật kể chuyện này trở lại các trang web và ứng dụng tin tức của riêng họ. Mặt khác, những kênh kể chuyện bằng video dạng ngắn sẽ vẫn có nhu cầu lớn vào năm 2024.
Đa dạng nguồn thu nhờ nền tảng số
The New York Times là một trong những điển hình cho cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công nhất. Nếu như trước đây, nguồn thu từ quảng cáo báo giấy chiếm 85 - 90% thì hiện nay, nguồn thu từ digital (báo số) đã vượt báo giấy.
Theo Nick Rockwell, Giám đốc công nghệ của New York Times, sứ mệnh cốt lõi của tờ báo là để phục vụ bạn đọc, dù là cung cấp thông tin thời sự theo lựa chọn của tòa soạn, hay thiết kế nội dung cá nhân hóa bằng tính năng gợi ý sử dụng thuật toán đều hướng đến việc người đọc trở thành người đăng ký trả tiền đọc báo dài hạn. Trong năm qua, New York Times đã chuyển càng nhiều khách hàng của mình sang gói “truy cập toàn bộ” cho các mục trên nền tảng số, bao gồm NYT Audio, The Athletic (kênh thể thao), Wirecutter (Kênh đánh giá, trải nghiệm), Nấu ăn và Trò chơi.
Giám đốc tài chính Will Bardeen lưu ý rằng “chính sách đăng ký theo gói giữ chân và kiếm lợi nhuận hiệu quả hơn là chỉ đăng ký xem tin tức” và thời báo đặt mục tiêu thu hút 50% trong số 10 triệu người đăng ký của mình chấp nhận ưu đãi. Việc kết hợp đường link dẫn trên nền tảng số tới trò chơi như Connections, thu hút khoảng 10 triệu người dùng sử dụng mỗi tuần, được NYT thiết kế để xây dựng thói quen và mối quan hệ với người dùng đồng thời thúc đẩy giới thiệu tin tức.
Các nhà xuất bản Bắc Âu như Schibsted, Amedia, Bonnier và DPG Media cũng đang áp dụng gói này. Sử dụng sức mạnh thị trường, họ kết hợp các ấn phẩm địa phương và quốc gia với các tạp chí và sản phẩm podcast trả phí thành một dịch vụ toàn diện. The Guardian, tờ nhật báo của Anh cũng được đánh giá là một tờ báo kiểu mẫu trong chuyển đổi số. The Guardian hiện nhận được sự ủng hộ từ người đọc của hơn 180 quốc gia.
Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2019 - 2020, có tổng cộng 16,4 tỷ lượt xem web, tăng 20% so với năm trước đó, đặc biệt tăng nhiều tài khoản đăng ký dài hạn. Tính đến ngày 29/3/2020, có 790.000 độc giả trả phí thường xuyên và 340.000 độc giả vãng lai, nâng tổng số người ủng hộ tờ báo lên hơn 1 triệu trong năm 2020.
Podcast - ngôi sao đang lên
Trong những năm gần đây, sản phẩm podcast chính trị đã phát triển nhanh chóng trên toàn cầu, đáp ứng lợi ích cho người nghe cũng như mang đến cho các chính trị gia thế giới cơ hội để đưa ra quan điểm theo một định dạng ít đối đầu hơn. Nhiều podcast trong số này hiện đã được quay phim, điều này cho phép chúng tiếp cận lượng khán giả lớn hơn thông qua các nền tảng như YouTube. Và ngày càng có nhiều nhà sản xuất tạo ra các clip nổi bật, thường được phát qua TikTok, X và các nền tảng khác.
Các podcast độc lập như Alastair Campbell và Rory Stewart đã bắt đầu ghi các chương trình trực tiếp trên YouTube, trong khi các đài truyền hình như BBC cũng đang chuyển podcast thành TV (BBC's Newscast). Tất cả điều này sẽ làm mờ đi ranh giới giữa podcast chính trị và các chương trình trò chuyện truyền hình truyền thống khi chúng ta bước vào mùa bầu cử Mỹ sắp tới.
Tại The Guardian, theo thống kê, podcast, bài báo long-form trên báo mạng điện tử thời gian tới sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Khoảng 78% lãnh đạo các công ty kỹ thuật số cho biết họ sẽ đầu tư mạnh hơn vào video trực tuyến trong năm nay do lượng người xem video trên các thiết bị di động được dự đoán sẽ tăng trưởng. Một số công ty công nghệ lớn như Spotify hay Clammr đều phát triển các công cụ để chia sẻ dễ dàng hơn các đoạn trích dẫn từ các tin tức dạng âm thanh có thời lượng lớn lên mạng xã hội, cho phép nhiều người tiếp cận với thông tin hơn. Các dạng gói tin tức đa phương tiện, long-form, megastory sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trên các nền tảng.
Cũng theo báo cáo của Reuters, podcast sẽ là sản phẩm tiến xa hơn đối với các mô hình cao cấp và hỗn hợp vào năm 2024. The Economist đã tiến thêm một bước nữa và tung ra gói đăng ký âm thanh (4,90 bảng Anh/tháng hoặc 49 bảng/năm) cho thấy phần lớn các chương trình của tờ tạp chí kinh tế nổi tiếng yêu cầu trả phí. Chỉ có podcast tin tức hàng ngày, The Intelligence, là vẫn miễn phí.
Động thái này một phần được thực hiện nhờ giải pháp kỹ thuật mới của Apple, giúp việc nghe podcast đăng ký trên nền tảng của họ dễ dàng hơn trong khi các nhà cung cấp khác như Acast cũng đã giới thiệu các tùy chọn trả phí cải tiến. Những điều này có thể sẽ khuyến khích những người khác làm theo trong năm nay. Các podcast của The Economist được thực hiện bởi một nhóm khoảng 30 người, hiện chiếm khoảng 10% tổng số biên tập viên. Vào đầu năm 2024, FT sẽ thử nghiệm loạt bản tin trả phí “số lượng có hạn” có tên “Sắp xếp cuộc sống tài chính của bạn”, có khả năng mở ra nguồn doanh thu mới.
Theo Kinh tế và Đô thị