Kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan có quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề nóng, cấp thiết hiện nay, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có nhiệm vụ “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”[1].
Tham nhũng, tiêu cực trong thực thi quyền lực là hệ quả của việc coi thường kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Để phòng chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, việc xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực – bao gồm xây dựng thể chế kiểm soát và bộ máy kiểm soát – để đặt quá trình thực thi quyền lực vào khuôn khổ được kiểm soát là biện pháp căn cơ cần quyết tâm thực hiện.
Trong bối cảnh tham nhũng, tiêu cực đang từng bước được đẩy lùi, song vẫn còn những “khe hở, khoảng trống” về thể chế cần tiếp tục được “bịt kín”, từ sau Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành rất nhiều văn bản để hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực. Gần đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Với 4 chương, 11 điều, Quy định 131- QĐ/TW thể hiện rất rõ sự nghiêm túc, quyết liệt của Đảng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ trong hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát quyền lực của Đảng và Nhà nước. Những vấn đề căn bản, cốt lõi để đẩy mạnh kiểm soát quyền lực, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng (KT, GS, KL) và hoạt động thanh tra, kiểm toán (TT, KT) được nêu ra, chỉ dẫn và yêu cầu tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành.
Ai có quyền lực cần được kiểm soát và vì sao?
Quy định 131- QĐ/TW xác định đó là các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong công tác KT, GS, KL đảng và và hoạt động TT, KT theo quy định của Đảng và Nhà nước. Cụ thể là “cấp uỷ, tổ chức đảng; cơ quan và lãnh đạo các cơ quan kiểm tra, TT, KT; đoàn KT, GS, KL đảng, TT, KT; lãnh đạo cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành; cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ KT, GS, KL đảng, TT, KT (Điều 2, khoản 5).
Quyền lực cần phải kiểm soát bởi trong quá trình thực thi quyền lực, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao thẩm quyền có thể làm sai lệch kết quả công tác, hoạt động được giao. Nguyên nhân là do tham nhũng – “lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác”; do tiêu cực – “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ dẫn đến việc làm không đúng với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ KT, GS, KL đảng, TT, KT” (Điều 2, khoản 3, 4).
Những hành vi tham nhũng, tiêu cực nào đã được nhận diện?
Có 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác KT, GS, KL đảng và TT, KT được Quy định 131-QĐ/TW nhận diện tại Điều 4. Có thể chia thành các nhóm vấn đề sau:
Một là, cố tình lợi dụng thẩm quyền để trục lợi thông qua việc tác động, gây sức ép, tạo điều kiện làm sai lệch bản chất của nội dung được KT, GS, KL đảng, TT, KT (khoản 4, 5, 8, 9, 13, 14, 15, 17, 18, 19). Như: “Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác” (khoản 4); “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình để gợi ý, tác động, gây áp lực đối với người có thẩm quyền quyết định hoặc tham mưu về các kết luận KT, GS, KL đảng, TT, KT không đúng bản chất sự việc” (khoản 17).
Hai là, thiếu trách nhiệm, buông lỏng, không kịp thời hoặc không thực hiện đầy đủ nội dung công tác theo thẩm quyền trong quy trình KT, GS, KL đảng, TT, KT (khoản 10, 11, 12, 16, 20, 21). Như: “Không kiến nghị, đề xuất chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định…” (khoản 10); “Không kịp thời kiểm tra, giám sát, TT, KT đối với những tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân có dấu hiệu vi phạm, đơn, thư phản ánh, tố cáo đã được xác định là có cơ sở” (khoản 21).
Ba là, vi phạm chuẩn mực đạo đức công vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KT, GS, KL đảng, TT, KT (khoản 1, 2, 3, 6, 7). Như: “Hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm” (khoản 1); “Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra” (khoản 3).
Bốn là, các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác theo quy định của Đảng và pháp luật (khoản 22).
Làm gì để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?
Kiểm soát và tự kiểm soát để quyền lực không tha hóa, khiến các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác KT, GS, KL đảng, TT, KT không có cơ hội nảy sinh, hoặc đã nảy sinh thì nhanh chóng bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Trên cơ sở những quy định của Đảng, cùng với kinh nghiệm thành công trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tổ chức quán triệt sâu rộng Quy định 131-QĐ/TW nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến nhiệm vụ kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác KT, GS, KL đảng và trong hoạt động TT, KT.
Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả chủ thể lẫn đối tượng của công tác KT, GS, KL đảng và TT, KT. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan kiểm tra, TT, KT, của người đứng đầu và thành viên của các cơ quan, tổ chức nói trên chú trọng nghiên cứu, phát hiện vấn đề, xây dựng và thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong quá trình KT, GS, KL đảng và TT, KT. Các tổ chức, cá nhân đang là đối tượng của hoạt động KT, GS, KL đảng và TT, KT tự giác cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện nghiêm yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình được KT, GS, TT, KT để không xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong quá trình đó.
Ba là, dựa vào Dân để kiểm soát quyền lực. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên (theo Quy định 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư), trong giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền (theo Quyết định 217 và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị) trong công tác KT, GS, KL đảng và TT, KT.
Bốn là, thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong kiểm soát quyền lực. Bao gồm: đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng; kiểm soát của các cơ quan nhà nước; giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân. Có cơ chế để phòng ngừa, kiểm soát để quyền hạn sẽ phải gắn với trách nhiệm. Công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình. Bảo đảm tính độc lập, khách quan, thực hiện đầy đủ, chấp hành nghiêm quy chế, quy định, quy trình làm việc; xây dựng, thực hiện văn hoá liêm chính trong thực hiện nhiệm vụ. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng, tiêu cực. Tuân thủ chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII. Nxb. CTQG-ST, H. 2021. Tập 2, tr.334
BẠCH YẾN