Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là yếu tố tinh thần. Để điều đó thực sự trở thành động lực, nguồn lực phát triển đất nước cần có cơ chế, phương thức phù hợp.
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII viết: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[i]. Có thể thấy, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong Văn kiện XIII đó chính là định hướng dẫn dắt của Đảng, Nhà nước Việt Nam chuyển tải ý thức chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện nay. Điều này không chỉ phản ánh hiện thực phát triển đất nước sau gần 40 năm đổi mới với rất nhiều thành tựu tươi sáng, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới; không chỉ phản ánh những định hướng quan trọng về mục tiêu phát triển đất nước mà còn thể hiện, niềm tin của cộng đồng vào tương lai của đất nước, phản ánh truyền thống không ngừng vươn lên của dân tộc Việt Nam, phản ánh bản lĩnh, tầm nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là đội tiên phong luôn vì lợi ích của dân tộc, của nhân dân.
Trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, được cộng đồng thế giới ghi nhận và đánh giá cao trên nhiều phương diện. Về kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Vài năm gần đây, dịch Covid phủ lên các quốc gia bức tranh màu xám, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, có nhiều rủi ro, song kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng khá. UNDP nhận định rằng: Không giống như hầu hết các nước đang phát triển, Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm khó khăn nhất của đại dịch. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Về phát triển con người, Việt nam được ghi nhận ở những chỉ số ấn tượng. Tổng hợp HDI của Việt Nam đã tăng từ 0,682 năm 2016 lên 0,706 năm 2020. Theo tiêu chuẩn và sự phân chia HDI thành 4 nhóm của UNDP, HDI của Việt Nam đã từ nhóm trung bình những năm 2016-2018 lên nhóm cao trong năm 2019-2020. Theo xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023 (Global Innovation Index - gọi tắt là GII), Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022 từ 48 lên 46/132 quốc gia. Sự tăng hạng được ghi nhận ở chỉ số đầu vào đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp. Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng một bậc so với năm 2022, gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.
Điểm qua một vài con số cho thấy, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trên con đường từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tuy nhiên, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội chúng ta cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để tiếp tục phát triển đất nước hiện nay, chúng ta cần tiếp tục phát huy những động lực, nguồn lực đã có; đồng thời, phải nhận diện, tìm kiếm, khơi dậy những động lực và nguồn lực mới, trong đó “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một trong những điểm nhấn quan trọng mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Tất nhiên, để “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” thực sự trở thành động lực, nguồn lực cần phải có cơ chế, phương thức, biện pháp cụ thể để chuyển hóa yếu tố tinh thần thành sức mạnh, thành nguồn lực đổi mới, sáng tạo, phát triển đất nước.
Phương thức chuyển tải khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thành động lực, nguồn lực phát triển đất nước
Thứ nhất, làm tốt công tác truyền thông lan tỏa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc tới từng người dân Việt Nam, từng tổ chức, từng địa phương.
Lênin từng viết: “Nhiệm vụ thứ nhất của bất cứ một chính đảng nào có trọng trách đối với tương lai là thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình”[ii]. Ở góc độ khác, “khát vọng phát triển của một dân tộc là sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người cùng quốc gia - dân tộc, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và sức mạnh vô song. Đó chính là động lực trung tâm của một quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới tương lai”[iii]. Hướng tới điều đó, hiện nay cần đẩy mạnh tuyền truyền lan tỏa rộng rãi khát vọng đó tới các cá nhân, các tổ chức trong cộng đồng dân tộc Việt Nam; động viên, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt, các mô hình phát triển kinh tế xã hội hiệu quả, các nhân tố tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thuận hành động trong toàn xã hội để mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ hai, từ góc độ lãnh đạo, quản lý, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cần được hiện thực hóa thành các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển đúng và tổ chức thực hiện trong cộng đồng.
Đảng ta cũng xác định rất rõ rằng, đề ra những chủ trương, đường lối phát triển đúng đắn nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là vô cùng quan trọng và cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai thực hiện đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khắc phục sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện… để biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành hiện thực sinh động trong thực tế, làm ra của cải vật chất, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là cơ sở vững chắc để tạo dựng, củng cố niềm tin, khởi đầu cho khát vọng hành động.
Thứ ba, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cần gắn chặt, song hành với việc khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, lòng nhân ái, tinh thần hiếu học, sự cần cù, sáng tạo… là những giá trị văn hóa cốt lõi nuôi dưỡng khát vọng độc lập, tự chủ, tự cường. Đó cũng là sức mạnh tinh thần to lớn đã chuyển hóa thành hành động giúp nhân dân ta anh dũng chiến đấu và đánh bại các kẻ thù xâm lược. Hiện nay, những giá trị văn hóa đó cần được tiếp tục phát huy để nuôi dưỡng, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ tư, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cần gắn chặt, song hành với việc kiên quyết, kiên trì với việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Không nghi ngờ về những tác hại to lớn của tham nhũng, tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Đây là trở lực lớn chứa đựng nguy cơ bào mòn niềm tin và làm thui chột động lực, thậm chí đe dọa sự sống còn của Đảng và chế độ. Do đó, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách hiệu quả cũng là điều kiện cần thiết để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ở nước ta hiện nay.
Thứ năm, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cần được thể hiện trong tư duy, cách làm và sự quyết liệt của các nhà lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là những người đứng đầu.
Một sự thật rõ ràng là, nếu người đứng đầu không nhận thức được tầm quan trọng của việc khơi dậy khát vọng phát triển, không tự khơi dậy trong mình một khát vọng phát triển cháy bỏng thì cũng không thể có quyết tâm, quyết liệt trong việc chuyển hóa khát vọng này thành những mục tiêu phát triển cụ thể phù hợp với đặc thù của ngành mình, cơ quan, đơn vị mình, địa phương mình. Nếu người đứng đầu không tự mình khơi dậy khát vọng phát triển đất nước và thể hiện nó trong trong tư duy, cách làm và sự quyết tâm thì cũng không thể truyền cảm hứng cho cấp dưới và người dân. Do đó, người đứng đầu tự mình trở thành tấm gương về khơi dậy và nỗ lực phấn đấu thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là một trong những giải pháp quan trọng để chuyển tải khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của mọi người dân thành động lực, nguồn lực phát triển đất nước.
[i] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, t.1, tr. 34.
[ii] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 36, tr. 208
[iii]Vũ Minh Khương, “Việt Nam 2045: Tầm nhìn khát vọng và sứ mệnh lịch sử”, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam điện tử, ngày 17-1-2020.
Nguyễn Thị Nga