Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, đa tín ngưỡng. Sự phát triển và biến đổi của đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay không nằm ngoài quy luật phát triển của tôn giáo thế giới. Xu hướng mang tính chủ đạo của sự phát triển, biến đổi tôn giáo ở Việt Nam là “đồng hành cùng dân tộc”. Hay nói cách khác, các tôn giáo ở Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò, sự đóng góp của mình với tư cách là một “nguồn lực xã hội” vào sự phát triển chung của đất nước với tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”.
Thực tiễn cho thấy, đường hướng hành đạo của các tôn giáo ở Việt Nam ngày càng thể hiện tinh thần này. Với Phật Giáo, kể từ khi thành lập (1981), phương châm hành đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”. Với phương châm này, chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ VII (2012-2017), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đóng góp 3.700.618 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện[1]. Hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo Việt Nam được thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Tính đến năm 2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 150 Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị y học dân tộc, 10 phòng khám đa khoa Tây y, 10 trường dạy nghề miễn phí, 1.000 lớp học tình thương, 64 cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi[2].
Sự ra đời của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tiến trình hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Ngay sau khi ra đời, Hội đồng Giám mục Việt Nam ra Thư chung 1980 thể hiện rõ tinh thần “đồng hành với dân tộc”: “Là Hội thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mệnh quê hương, noi theo truyền thống dân tộc mà hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước...”[3].
Các tôn giáo ngày càng đẩy mạnh các hoạt động từ thiện. Ảnh: Internet.
Nhằm phục vụ cho mục đích này, năm 2001, Hội đồng Giám mục Việt Nam thành lập Ủy ban Giám mục về Bác ái xã hội, đến năm 2008, Ủy ban Bác ái xã hội thành lập tổ chức Caritas Việt Nam có hệ thống toàn quốc, mạng lưới này mở rộng đến tận giáo xứ và có liên kết với tổ chức Caritas quốc tế. Hoạt động thiện nguyện của đạo Công giáo ngày càng được mở rộng và đa dạng về hình thức. Ngay ở thời điểm năm 2007, Giáo hội Công giáo Việt Nam có 13 cơ sở giúp đỡ bệnh nhân phong, ma túy, HIV, tâm thần; 189 cơ sở khám chữa bệnh và điều dưỡng, 159 cơ sở giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, 748 nhà trẻ, mẫu giáo, lớp học tình thương…[4].
Đạo Tin Lành là tôn giáo cải cách, du nhập vào Việt Nam tương đối muộn so với các tôn giáo khác. Mặc dù vậy, Tin Lành là tôn giáo rất chú trọng tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Theo báo cáo không chính thức của Ban Tôn giáo Chính phủ, mỗi năm các tổ chức Tin Lành huy động từ thiện xã hội với mức kinh phí từ 12 đến 15 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2013, Hội thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam cứu trợ thiên tai ở miền Trung là 2,0 tỷ đồng, xây dựng 20 cây cầu bê tông vùng nông thôn tại 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang với tổng giá trị 12 tỷ đồng, khoan 180 giếng nước với tổng giá trị 3,4 tỷ đồng. Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam hỗ trợ khoan 80 giếng nước cho một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, tổ chức khám, chữa bệnh cho 345 người dân ở Đồng Nai… với tổng giá trị hàng tỷ đồng. Năm 2014, Hội thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam giành 2 tỷ đồng hỗ trợ cho việc xây dựng cầu bê tông, khoan giếng ở một số địa phương phía Nam. Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam tặng 540 chiếc xe lăn trị giá 600 triệu đồng cho 2 tỉnh Lào Cai và Bắc Giang. Hội thánh Mennonite Việt Nam hỗ trợ 300 triệu đồng khắc phục thiên tai ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Hội thánh Liên hữu cơ đốc Việt Nam hỗ trợ hơn 600 triệu đồng giúp tín đồ là người Mông khắc phục hậu quả vụ sập cầu treo ở Lai Châu…[5].
Các tôn giáo nội sinh sau khi được Nhà nước công nhận tổ chức cũng nhanh chóng xây dựng đường hướng hành đạo phù hợp gắn với lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Các hệ phái Cao Đài có những điểm khác nhau nhưng đường hướng hành đạo trên tinh thần chung là “nước vinh, đạo sáng”; Phật giáo Hòa Hảo là “Vì Đạo pháp, vì Dân tộc”; Tứ Ân Hiếu Nghĩa là “Hành Tứ ân - sống Hiếu nghĩa - vì đại đoàn kết toàn dân tộc”; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam là “Tu học, hành thiện, ích nước, lợi dân”...
Hiện nay, so với các tôn giáo khác, đời sống tín đồ của các tôn giáo nội sinh còn nhiều khó khăn nhưng các tôn giáo này đều lấy hoạt động từ thiện xã hội làm nội dung chính trong quá trình hành đạo.Chỉ tính riêng năm 2013, các hệ phái Cao Đài đã đóng góp khoảng trên 109 tỷ đồng phục vụ cho hoạt động từ thiện; nhiệm kỳ 2009 - 2014, Phật giáo Hòa Hảo đã huy động khoảng 734 tỷ đồng cho hoạt động từ thiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Đối với Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, trong nhiệm kỳ 2009-2014, tôn giáo này đã huy động hơn 40 tỷ đồng phục vụ cho hoạt động từ thiện[6]...
Có thể nói rằng, xu hướng “đồng hành cùng dân tộc” của các tôn giáo được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Trong đó, sự đổi mới về nhận thức, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước đối với tôn giáo, tín ngưỡng có yếu tố quyết định.
Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị khoá VI về Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới là dấu mốc mở đầu cho bước ngoặt phát triển về nhận thức, đánh giá về tôn giáo khi khẳng định các giá trị tích cực của tôn giáo, nhất là về văn hóa, đạo đức có thể coi là chìa khóa để đổi mới chính sách đối với tôn giáo trong bối cảnh xã hội mới - vấn đề mà trước đổi mới Đảng Cộng sản Việt Nam còn có sự nhìn nhận chưa thực sự khách quan, phù hợp.
Cụ thể hóa tư tưởng này, Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (ngày 12/3/2003) Về công tác tôn giáo trong tình hình mới chỉ rõ: “Giải quyết việc tôn giáo thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục của nhà nước theo nguyên tắc: khuyến khích các tôn giáo đã được nhà nước thừa nhận tham gia phù hợp với chức năng, nguyên tắc tổ chức của mỗi tôn giáo và quy định của pháp luật. Cá nhân tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia với tư cách công dân thì được nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Đặc biệt, từ thực tiễn đóng góp của tôn giáo đối với quá trình phát triển đất nước, Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10-01-2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 đã khẳng định: tôn giáo là một nguồn lực xã hội. Tiếp đó, tại cuộc gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với chức sắc lãnh đạo các tôn giáo ngày 9/8/2019, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là một thành tố của văn hóa mà còn thực sự là một nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển đất nước”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc gặp mặt, biểu dương chức sắc,chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2019. Ảnh: Internet.
Từ quan điểm của Đảng, trong những năm vừa qua, Nhà nước không ngừng hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam.
Sự ra đời của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và có hiệu lực ngày 1/1/2018 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là phát huy sức mạnh, sự đóng góp của các tôn giáo trong bối cảnh mới. Trong đó, Luật quy định: các tôn giáo “Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan”.
Mặc dù vậy, để tôn giáo thực sự trở thành một “nguồn lực xã hội” thì Đảng và Nhà nước cần có những quan điểm, chính sách mạnh mẽ hơn nữa trong việc tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát huy sức mạnh, trách nhiệm của mình đối với đất nước, đáp ứng “nhu cầu chính đáng” của các tôn giáo trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, việc hoàn thiện và đồng bộ hóa hệ thống chính sách, luật pháp về tôn giáo, tín ngưỡng với các văn bản pháp luật khác là yếu tố quan trọng góp phần phát huy sức mạnh, sự đóng góp của tôn giáo trong bối cảnh mới.
[1], [2], [3], [4]Báo cáo tổng quan đề tài cấp nhà nước: Xu hướng biến đổi tôn giáo và tác động đến đời sống xã hội ở Việt Nam: những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đang đặt ra, phương hướng giải quyết, 2019.
[5] Ban Tôn giáo Chính phủ, Hoạt động từ thiện xã hội của Tin Lành Việt Nam, Hà Nội, 2015.
[6] Báo cáo tổng quan đề tài cấp Nhà nước: Xu hướng biến đổi tôn giáo và tác động đến đời sống xã hội ở Việt Nam: những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đang đặt ra, phương hướng giải quyết, 2019.
Nguyễn Công