Nội hàm của “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”
Trong nhiều bài phát biểu gần đây tại các hội nghị, diễn đàn quan trọng, nhiều lần Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến việc Việt Nam đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển mới, một kỷ nguyên mới - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Ngày 20/9/2024, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, khi nói về công tác chuẩn bị nội dung dự thảo các văn kiện, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định sự thống nhất của Trung ương khi đánh giá về thế và lực của đất nước sau 40 năm đổi mới: “Với thế và lực đã tích luỹ được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết và văn kiện Đại hội XIV phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam”[1].
Kỷ nguyên là một thời kỳ phát triển mới, khác biệt về chất so với thời kỳ trước đó; tạo ra những thay đổi căn bản, toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội. Với hàm nghĩa này, từ thế kỷ XX đến nay, có thể nhận định Việt Nam đã và đang có ba lần đất nước bước vào kỳ nguyên mới. Đó là kỷ nguyên độc lập dân tộc được đánh dấu bằng thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945; kỷ nguyên đổi mới đất nước được ghi dấu bằng những quyết sách quan trọng về đổi mới toàn diện đất nước từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986 và hiện đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sau 40 năm đổi mới. Những kỷ nguyên đó đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho đất nước, trong đó, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” thể hiện sự bứt phá, khả năng trỗi dậy khi đã tích lũy được những điều kiện, tiền đề chín muồi để tiếp tục đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Nội hàm của “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” mà Tổng Bí thư Tô Lâm thường nhắc đến trong thời gian gần đây là sự xác lập Việt Nam chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển mới , nâng tầm tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta lên một tầm cao mới. Đây không phải là nhận định mang tính chủ quan, nóng vội mà dựa trên cơ sở nhận định, đánh giá những điều kiện, tiền đề đã được tích lũy được qua 40 đổi mới đất nước; đồng thời thể hiện tầm nhìn chiến lược cũng như niềm tin vững chắc vào tương lai, vận mệnh của dân tộc trong thời đại mới.
Từ những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng của Đảng tại Đại hội XIII cũng như một số Hội nghị Trung ương của nhiệm kỳ Đại hội XIII, có thể khẳng định mục tiêu tổng quát của kỷ nguyên mới chính là: Phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đây là mục tiêu rất rõ ràng, vừa trên cơ sở nhận định, đánh giá khách quan về những kết quả Việt Nam đã đạt được trong 40 năm đổi mới; đồng thời cũng là sự kết tinh ý chí, khát vọng của cả dân tộc Việt Nam về một giai đoạn phát triển bứt phá của đất nước trong những năm tiếp theo.
Để Việt Nam vững bước Việt Nam kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là một bước tiến lớn, có cả những thời cơ, thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức đan xen. Do đó, để Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần chú trọng đến những giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục thực hiện nguyên tắc “bốn kiên định” là: kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, đồng thời “coi đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”[2]. Những nguyên tắc này chính là định hướng, là “kim chỉ nam” cho Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới. Trong đó nguyên tắc “kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” được đặt lên hàng đầu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên cũng như cách thức để xây dựng, hoàn thiện các chủ trưởng, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước trên quan điểm phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên. Xây dựng, phát triển đất nước trên tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”. Điều này góp phần gia tăng sức mạng tổng hợp của tất cả các lĩnh vực, tạo tiềm lực vững chắc để Việt Nam “vươn mình” và “cất cánh”.
Ba là, luôn kiên trì, kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Bốn là, kiên định lập trường, quan điểm và thực hành nguyên tắc “Dân là gốc,” “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Phát huy “thế trận lòng dân” trong đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm “không ngừng”, “không nghỉ”. Tập trung chuẩn bị những điều kiện để tổ chức thật tốt Đại hội Đảng các cấp cũng như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng để tạo ra một xung lực mới, khí thế mới, khơi dậy ý chí, khát vọng của cả dân tộc để Việt Nam vững bước tiến vào một kỷ nguyên mới.
Như vậy, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” là một thời kỳ phát triển mới của đất nước trên cơ sở tích lũy các điều kiện, tiền đề cần thiết, thêm vào đó là ý chí, quyết tâm và khát vọng của cả dân tộc về một Việt Nam hùng cường, văn minh, hạnh phúc. Thông điệp về “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” giống như một lời hiệu triệu, tiếp thêm cho cả dân tộc nguồn năng lượng tích cực để vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn tăng tốc về đích vào năm cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và hướng đến những mục tiêu lớn lao hơn, cao đẹp hơn trong nhiệm kỳ Đại hội XIV.
[1] https://baochinhphu.vn/phat-bieu-be-mac-hoi-nghi-trung-uong-10-khoa-xiii-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-102240920164051548.htm
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tập 1, tr.33
Chiên Lê