Đồng bào Chăm là một trong những dân tộc thiểu số có số dân đông nhất (chiếm 38,98%) trong 34 dân tộc thiểu số tại Bình Thuận. Người Chăm ở Bình Thuận sống rải rác ở các huyện như Tuy Phong, Bắc Bình, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân… Riêng huyện Bắc Bình là nơi người Chăm sinh sống đông nhất, chiếm gần 2/3 dân số người Chăm toàn tỉnh. Đồng bào Chăm theo hai tôn giáo chính là Bàlamôn và Hồi giáo Bàni; sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo thuần túy theo phong tục truyền thống.
Từ xa xưa, người Chăm đã có một nền văn hóa phát triển rực rỡ, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa tinh thần như tín ngưỡng, lễ hội, ca múa nhạc, được giữ gìn và phát triển đến ngay nay. Trong đó, nghệ thuật múa Chăm được hình thành và phát triển theo nhịp điệu cuộc sống, tồn tại cùng các lễ hội và tín ngưỡng của văn hóa dân tộc Chăm qua các thời kỳ. Những điệu múa Chăm hàm chứa đầy đủ bản sắc, giá trị nghệ thuật, là một thành tố của nghệ thuật biểu diễn Chăm. Nghệ thuật múa Chăm ở Việt Nam nói chung, ở Bình Thuận nói riêng rất phong phú, đa dạng và độc đáo, được xác định là một loại hình nghệ thuật mang yếu tố dân gian, được trình diễn trong các dịp lễ hội, trong rạp lễ gọi là Kajang, đóng vai trò rất quan trọng trong các nghi lễ của người Chăm như: Katé, Rija Praong, Rija Dayap, Rija Harei, Rija Nagar… Thậm chí còn xuất hiện trong một số nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo quan trọng như lễ tấu chức, lễ nhập Kut, lễ cúng đền tháp… Múa Chăm là phương tiện để chuyển tải thông điệp về tư tưởng, tâm niệm, tình cảm của người phàm tục với thế giới tâm linh, thần thánh. Thông qua những điệu múa, lời hát khấn nguyện và âm nhạc, múa Chăm giúp người Chăm giao cảm với thần linh, phản ánh ước vọng được thần linh cứu rỗi tâm hồn, giúp con người có thêm sức mạnh vượt qua thử thách, gian nan, trở ngại; cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu, để có điều kiện duy trì tập tục, thờ phụng hiếu nghĩa với ông bà tổ tiên; phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Múa dân gian Chăm được gắn liền với hệ thống các nghi lễ Rija do các vũ sư trình diễn như Ong Kaing (ông bóng), Muk Pajuw (bà bóng), Ong Raja (ông bóng của tộc họ), Muk Raja (bà bóng của dòng họ) trình diễn các điệu múa dân gian như: Tamia tadik (múa quạt), Tamia tanyrak (múa khăn), Tamia Karit (múa dao), Tamia kaik tapang dieng (múa cắn nến), Tamia hawei (múa roi), Tamia juak apuei (múa đạp lửa), Tamia wah gaiy (múa chèo thuyền), Tamia Buh kayau (múa âm dương)… Các điệu múa dân gian thường đi đôi với điệu nhạc trống Ginang, kèn Saranai, trống Baranâng và chiêng, hòa thành giai điệu rộn ràng, thôi thúc nhưng cũng không kém phần sâu lắng, đi sâu vào tâm thức người nghe. Hai yếu tố có phần trái ngược nhau này không thể tách rời nhau trong nghệ thuật múa Chăm, tạo thành một thể thống nhất theo quy luật âm dương. Đó là đặc trưng trong múa dân gian của người Chăm ở địa phương.
Múa quạt trong lễ hội Kate của người Chăm
Đạo cụ chủ đạo trong múa Chăm là chiếc quạt xếp. Tùy theo điệu múa có thể dùng hai chiếc quạt, hoặc một chiếc quạt. Ngoài ra, có thể dùng một số đạo cụ khác như chiếc khăn, cây chèo thuyền, cây mía, cây roi, kiếm, linga. Người Chăm rất xem trọng nhạc cụ và điệu múa của mình. Mỗi nhạc cụ và mỗi điệu múa luôn được trân trọng và xem nó như là một bộ phận không thể tách rời với một số nghi lễ. Do đó, mỗi nhạc cụ đều có một biểu tượng riêng gắn liền với quan niệm nhân sinh quan của người Chăm. Đối với điệu múa Chăm, các động tác cơ bản cần phải tuân thủ theo một nguyên tắc nhất định: Thân hình luôn luôn giữ thẳng đứng trong khi múa; hai chân luôn khép lại với nhau trước khi nhón gót chân lên xuống; động tác tay không đưa lên vượt khỏi đầu.
Ở mỗi điệu múa, mỗi động tác đều có ý nghĩa riêng của nó. Chẳng hạn như: trong lễ hội Rija Nagar (lễ cúng Tống Ôn đầu năm) thì do bà con tổ chức theo định kỳ một năm một lần vào đầu tháng giêng Chăm lịch. Bắt đầu vào nghi lễ, thầy Kaing tay cầm quạt giấy và khăn đỏ múa những điệu khoan thai theo nhịp trống Ginang hòa với điệu kèn Saranai du dương trầm bổng, rồi lần lượt chuyển sang điệu múa roi và múa kiếm, trong tư thế hùng dũng, ông Kaing cầm đôi kiếm đỏ vừa múa, vừa đi xoay quanh đống lửa hồng đang rực cháy trong không gian nghi thức lễ rất thiêng liêng. Đến một lúc sau, ông Kaing mới nhập đồng bằng đôi chân trần rắn chắc xông vào đạp dập tắt đống lửa trong tiếng reo hò cổ vũ và khen khợi của dân làng tham gia lễ. Thầy bóng múa đạp tắt đống lửa hồng mang ý nghĩa xua tan nắng nóng của mùa khô và xua đi những điều xấu còn rơi rớt trong năm cũ, tiễn đưa cái khô hạn, nắng nóng ra đi và đón lại tiết trời mát mẻ, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Hay như lễ Rija Dayep (lễ múa ban đêm) do vũ công là Muk Rija đảm nhiệm bằng động tác múa quạt, với đôi quạt mềm màu tím than trên đôi tay mềm mại uyển chuyển, bà bóng từng bước thực hiện các điệu múa như: Tiaong, Biyén, Kamang, Mrai... mô phỏng các động tác nhảy múa của các loài chim.
Điệu múa đạp lửa của thầy Kaing
Nghệ thuật múa Chăm cùng tồn tại, phát triển với âm nhạc, ca hát, là sản phẩm nghệ thuật quý giá của nền văn hóa Champa. Nó tham gia vào nhiều sinh hoạt văn hóa, xã hội người Chăm, là đòi hỏi thực tiễn của xã hội trong tiến trình lịch sử, hình thành văn hóa dân tộc. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa dân gian Chăm cũng như những giá trị văn hóa của dân tộc Chăm trong quá trình xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Ngày 28/5/2021 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 28 – KH/TW về việc thực hiện Kết luận số 76 – KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong đó xác định quyết tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, chú ý các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch của địa phương./.
Nguyễn Loan